|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Chạy đua huy động vốn giải tỏa cơn khát margin

17:13 | 19/03/2021
Chia sẻ
Thị trường diễn biến tích cực, nhu cầu về vốn cho các hoạt động cho vay ký quỹ, bảo lãnh phát hành, tự doanh của các công ty chứng khoán (CTCK) lớn hơn. Do đó, ngay từ đầu năm, nhiều đơn vị lên kế hoạch tăng vốn điều lệ và tìm kiếm khoản vay từ các tổ chức quốc tế.

Margin "nóng"

Thị trường chứng khoán Việt Nam giao dịch bùng nổ trong một năm gần đây. Sau khi tạo đáy cuối tháng 3/2020, VN-Index tăng giá nhiều tháng liên tiếp, tiến lên vùng đỉnh lịch sử 1.200 điểm. Giao dịch tích cực của thị trường thu hút đông đảo người dân tham gia, trong đó nổi lên "nhà đầu tư F0" – tức những người lần đầu giao dịch chứng khoán.

Số lượng tài khoản giao dịch chứng khoán mở mới liên tục xác lập kỷ mục. Tính đến cuối tháng 2/2021, Việt Nam đã có hơn 2,9 triệu tài khoản giao dịch chứng khoán.

Nguồn tiền mới dồi dào của NĐT trong nước đẩy thanh khoản của thị trường tăng mạnh. Giá trị giao dịch trung bình phiên tăng gần ba lần so với thời điểm trước khi dịch COVID-19 bùng nổ. Những phiên giao dịch với thanh khoản vượt 20.000 tỷ đồng trở nên quen thuộc hơn.

Cơ cấu dòng tiền trên thị trường bao gồm vốn tự có của các NĐT cá nhân và vốn từ tổ chức như CTCK, công ty quản lý quỹ, quỹ đầu tư. Thanh khoản thị trường tăng mạnh đẩy nhu cầu vay vốn từ CTCK lên mức cao. Hệ quả là, nhiều CTCK luôn trong tình trạng "căng" về cho vay ký quỹ (margin) trong những tháng gần đây.

Chạy đua huy động vốn giải tỏa margin ‘nóng’ - Ảnh 1.

Nguồn: Hoàng Linh.

Theo thống kê của người viết tại 20 CTCK có dư nợ hàng đầu thị trường, tổng giá trị cho vay margin tại ngày 31/12/2020 là 75.201 tỷ đồng, tăng 27.388 tỷ đồng so với cuối 2019. Riêng trong quý cuối năm 2020, 20 công ty này giải ngân 21.868 tỷ đồng cho NĐT vay.

Trong năm qua, một số đơn vị đã bơm thàng nghìn tỷ đồng để cho vay margin như Mirae Asset (Việt Nam), SSI, HSC, VPS, KIS Việt Nam, VNDirect, TCBS, MBS, KB Việt Nam và Tân Việt.

Mặc dù nhu cầu về vay margin ở mức cao, các CTCK lại đang gặp hạn chế về vốn. Bởi theo quy định hiện hành, CTCK không được cho vay quá 2 lần vốn chủ sở hữu. Thời điểm cuối năm 2020, một số CTCK lớn đã gần chạm ngưỡng trên như HSC (1,94 lần), MBS (1,81 lần).

Huy động vốn giải tỏa cơn khát

Để giải quyết nhu cầu về vốn cho hoạt động kinh doanh, hàng loạt CTCK trong nước lên kế hoạch tăng vốn trong năm nay.

Mới đây nhất, đại hội đồng cổ đông của Chứng khoán VNDirect (Mã: VND) thông qua phương án tăng vốn điều lệ lên gấp đôi bằng việc phát hành cổ phần cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 1:1 (cổ đông sở hữu 1 cp được mua thêm 1 cp mới).

Mục đích sử dụng vốn của VNDirect là mở rộng cho khách hàng vay ký quỹ, kinh doanh nguồn trên thị trường vốn, bảo lãnh phát hành trái phiếu, phát hành và phân phối chứng quyền có bảo đảm, bổ sung vốn cho các hoạt động kinh doanh. Nếu tăng vốn thành công, vốn điều lệ của Chứng khoán VNDirect tăng lên hơn 4.400 tỷ đồng.

Trước đó, Chứng khoán HSC (Mã: HCM) lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản về việc phát hành cổ phiếu cho cổ đông hữu hữu để tăng vốn theo tỷ lệ 2:1 (cổ đông sở hữu 1 cp được mua thêm 1 cp mới). Giá phát hành của công ty là 14.000 đồng/cp. Công ty dự kiến sử dụng 2.135 tỷ đồng huy động được để cho vay ký quỹ (1.495 tỷ đồng), bổ sung vốn cho hoạt động bảo lãnh phát hành (427 tỷ đồng) và vốn cho tự doanh (213,3 tỷ đồng).

Trong bối cảnh thị trường chứng khoán đang diễn biến tích cực như hiện nay, phương án huy động vốn từ các NĐT gặp thuận lợi hơn khi mua cổ phần phát hành thêm thường có giá thấp hơn thị giá cổ phiếu. Tuy nhiên, phương thức này cũng tiềm ẩn rủi ro khi nhà đầu tư không mua cổ phần phát hành thêm, dẫn đến đợt chào bán bị "ế".

Không riêng các CTCK lớn, trong những năm gần đây, nhiều đơn vị quy mô nhỏ thực hiện tái cơ cấu và tăng vốn điều lệ lên hàng chục lần. Đặc biệt khi các CTCK đổi chủ, về tay các nhà đầu tư từ Hàn Quốc, Đài Loan.

Mới đây nhất, Chứng khoán Đà Nẵng (mã: DSC) thông qua phương án đổi tên thành Chứng khoán DSC và chào bán 94 triệu cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư chiến lược để tăng vốn điều lệ lên 1.000 tỷ đồng.

Một "bé hạt tiêu" khác là Chứng khoán Đại Nam cũng có kế hoạch tăng vốn điều lệ từ 160 tỷ đồng lên 1.000 tỷ đồng. Hai phương thức được công ty này áp dụng là phát hành 16 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ phát hành 1:1 với giá 10.000 đồng/cp và bán cổ phần cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ 1:2,75 hoặc chào bán riêng lẻ không quá 100 nhà đầu tư.

Mục đích tăng vốn của Chứng khoán Đại Nam là cho vay margin, tham gia thị trường chứng khoán phái sinh, kinh doanh chứng khoán phái sinh và các hoạt động khác.

Chạy đua huy động vốn giải tỏa margin ‘nóng’ - Ảnh 2.

VietinBank Securities huy động 30 triệu USD từ nhóm ngân hàng Đài Loan. Ảnh: CTS.

Không chỉ qua kênh phát hành cổ phần, nhiều CTCK mở rộng nguồn vốn kinh doanh thông qua vốn vay tổ chức tài chính, đặc biệt từ nhóm ngân hàng quốc tế.

Ngày 15/3 vừa qua, Chứng khoán Ngân hàng Công thường Việt Nam (VietinBank Securities, Mã: CTS) ký hợp đồng vay hợp vốn trị giá 30 triệu USD (hơn 690 tỷ đồng) với nhóm 4 ngân hàng Đài Loan đó là Union Bank of Taiwan; Taichung Commercial Bank - Labuan Branch; Taishin International Bank và Huanan Commercial Bank. Thương vụ do Union Bank of Taiwan là đơn vị thu xếp và đầu mối khoản vay.

Đầu tháng 1, Chứng khoán MB (MBS) thông báo về khoản vay 10 triệu USD từ Ngân hàng Kookmin (KB) – Chi nhánh Hong Kong để bổ sung vốn lưu động cho hoạt động kinh doanh.

Trước đó, vào tháng 12/2020, Chứng khoán SSI có khoản vay tín chấp 85 triệu USD từ nhóm 9 ngân hàng nước ngoài, đứng đầu là Union Bank of Taiwan. Ngoài Union Bank of Taiwan, nhóm SinoPac cung cấp các khoản vay tín chấp cho các đơn vị như SSI (55 triệu USD), HSC (50 triệu USD), Bản Việt (40 triệu USD).

Với xu hướng gia tăng huy động vốn của các công ty chứng khoán như hiện nay, thị trường chứng khoán sẽ đón thêm dòng tiền. Cùng với đó, tình trạng margin "nóng" có thể được hạ nhiệt, giảm thiểu rủi ro cho thị trường. Như đã thấy, cuối tháng 1 vừa qua, thị trường chứng khoán chứng kiến đợt biến động mạnh và VN-Index giảm hàng trăm điểm trong ít phiên khi một số công ty chứng khoán cắt giảm hạn mức cho vay margin để quản trị rủi ro.

Lợi Hoàng