|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Nhìn từ thương vụ gọi vốn của SSI: CTCK ngoại không còn độc tôn trên sân chơi vốn rẻ

08:01 | 17/12/2020
Chia sẻ
Trong một năm trở lại đây, công ty chứng khoán lớn trong nước như SSI, HSC, Bản Việt đang tích cực hơn trong việc huy động vốn từ thị trường quốc tế. Với xu hướng trên, CTCK trong nước sẽ có thế mạnh hơn trong cuộc chiến cạnh tranh giá rẻ với CTCK ngoại.

Sân chơi gọi vốn quốc tế phổ biến hơn với "ông lớn" ngành chứng khoán

"Buôn tài không bằng dài vốn" là một triết lý kinh doanh đã có từ lâu, vẫn được áp dụng rộng rãi thời điểm hiện tại. Với môi trường kinh doanh hiện nay khái niệm về "dài vốn, trường vốn" không chỉ đơn thuần là giá trị tuyệt đối mà còn có thể bao hàm các yếu tố khác, trong đó không thể không nhắc đến giá vốn.

Nhìn từ câu chuyện kinh doanh các công ty chứng khoán trong những năm gần đây, với dòng vốn giá rẻ từ Hàn Quốc, Đài Loan, các công ty chứng khoán ngoại liên tục tăng vốn để nâng cao sức cạnh tranh trên sân chơi đã được các ông lớn thống trị trong nhiều năm liên tiếp.

Nhìn từ thương vụ gọi vốn khủng của SSI: CTCK ngoại không còn đơn độc trên sân chơi vốn rẻ - Ảnh 1.

Nguồn: Lợi Hoàng tổng hợp

Theo thống kê của người viết, trong giai đoạn 2017 – 2020, vốn điều lệ của 10 công ty chứng khoán lớn nhất thị trường đã tăng gấp đôi, đạt gần 30.400 tỷ đồng tính đến cuối tháng 9/2020. Các công ty chứng khoán ngoại có tốc độ tăng vốn nhanh hơn công ty nước. Tại ngày 30/9, Chứng khoán SSI có vốn điều lệ lớn nhất với 6.029 tỷ đồng, theo sau là Mirae Asset (Việt Nam) với 5.456 tỷ đồng.

Không chỉ tăng vốn điều lệ, các công ty chứng khoán nước ngoài đã thiết lập các khoản vay từ các công ty mẹ, định chế tài chính nước ngoài để nâng cao khả năng tài chính.

Đối với các công ty chứng khoán trong nước, câu chuyện tiếp cận nguồn vốn quốc tế lại đang phân hóa rõ nét giữa các công ty chứng khoán top đầu và nhóm phía sau. Qua quan sát, một số công ty chứng khoán tiếp cận nguồn vốn quốc tế qua hình thức tín chấp như Chứng khoán SSI (Mã: SSI), Chứng khoán HSC (Mã: HCM), Chứng khoán Bản Việt (Mã: VCI). Trong khi đó, hoạt động này còn khá mới lạ với các công ty chứng khoán có quy mô vừa và nhỏ.

Mới đây, giới đầu tư đón nhận thông tin thương vụ gọi vốn quốc tế lớn nhất lịch sử dưới dạng khoản vay tín chấp của Chứng khoán SSI. Quy mô khoản vay lên đến 85 triệu USD (tương đương gần 2.000 tỷ đồng). Kỳ hạn khoản vay là 12 tháng với lãi suất theo thị trường quốc tế (Libor + Margin).

Đối tác của thương vụ này là 9 ngân hàng nước ngoài, đứng đầu là Ngân hàng Union Bank of Taiwan (UBOT). UBOT được biết đến là nhà băng lớn nhất Đài Loan.

Theo tìm hiểu, cuối quý I năm ngoái, công ty chứng khoán lớn nhất thị trường này đã cũng tiếp cận khoản vay tín chấp trị giá 55 triệu USD từ 6 định chế tài chính nước ngoài, đứng đầu là SinoPac (Đài Loan).

Nhóm định chế tài chính nước ngoài đứng đầu là SinoPac cũng là đối tác với hợp đồng tín chấp trị giá 50 triệu USD cho Chứng khoán HSC vào cuối tháng 10/2019 và 40 triệu USD cho Chứng khoán Bản Việt trong quý II năm nay.

Điều gì làm lên sự khác biệt giữa các CTCK trong việc huy động vốn?

Thương vụ này cho thấy sự quan tâm lớn hơn của dòng vốn quốc tế đến thị trường chứng khoán Việt Nam, gián tiếp thông qua các công ty chứng khoán. Trong bối cảnh lãi suất toàn cầu có xu hướng giảm, việc đầu tư vào thị trường chứng khoán đang sôi động như Việt Nam có thể đem lại lợi nhuận tốt hơn cho các tổ chức nước ngoài.

Thông thường, các công ty chứng khoán ngoại tiếp cận nguồn vốn trực tiếp từ các tổ chức mẹ sẽ có các điều khoản dễ dàng hơn rất nhiều so với hình thức tín dụng thông thường.

Sâu hơn về câu chuyện phân hóa trong tiếp cận nguồn vốn quốc tế, sự khác biệt giữa các công ty chứng khoán còn đến từ kinh nghiệm và thế mạnh. Chứng khoán SSI, HSC, Bản Việt không chỉ thống trị về thị phần môi giới, mà còn dẫn đầu trong các hoạt động tư vấn tài chính, IPO, cổ phần hóa thoái vốn nhà nước.

Mặt khác, sự xuất hiện ngày một dày hơn các thương vụ vay tín chấp quốc tế mở ra triển vọng sáng hơn về cơ hội hợp tác vốn với các định chế nước ngoài của các tổ chức trong nước.

Cuộc chơi vốn giá rẻ: Công ty chứng khoán ngoại không còn độc tôn

Trở lại câu chuyện vốn rẻ trên thị trường chứng khoán, song hành với việc tiếp nhận thêm vốn từ các tổ chức mẹ của CTCK ngoại, động thái gia tăng huy động vốn quốc tế với chi phí thấp cho thấy các công ty nội không muốn nằm ngoài cuộc chơi.

Thông tin từ Chứng khoán SSI, nguồn vốn từ thương vụ 85 triệu USD được sử dụng cho hoạt động kinh doanh. Cụ thể, công ty phân bổ vốn vào các mảng như dịch vụ chứng khoán, kinh doanh giấy tờ có giá nhằm tăng cường sức cạnh tranh về sản phẩm và dịch vụ trên thị trường. Cùng với đó, công ty cung cấp thêm nguồn vốn giá rẻ, đặc biệt là hoạt động cho vay ký quỹ (margin) cho các nhà đầu tư.

Mặc dù không công bố cụ thể về lãi suất của hợp đồng, phía SSI cho biết lãi suất của khoản vay thấp hơn so với khoản vay nước ngoài của công ty chứng khoán khác và thấp hơn so với việc huy động qua kênh trái phiếu của các công ty chứng khoán nội.

Nhìn từ thương vụ gọi vốn khủng của SSI: CTCK ngoại không còn đơn độc trên sân chơi vốn rẻ - Ảnh 2.

Nguồn: Lợi Hoàng tổng hợp

Ghi nhận tại một số công ty chứng khoán trong nước, giá vốn của các khoản vay đang có sự chênh lệch đáng kể so với nhóm nước ngoài. Cụ thể, VNDirect đang phát hành trái phiếu với lãi suất 9 – 9,8%, Chứng khoán MB (8 – 8,5%). Chứng khoán VPS vay ngân hàng trong nước với lãi suất 4,75% - 10%.

Trong khi đó, Chứng khoán KIS Việt Nam chỉ vay tín chấp với lãi suất dự kiến là 4,xx% (lãi vay trước đó là 4,6%). Mới đây nhất, Chứng khoán SSI phát hành trái phiếu chuyển đổi cho đối tác nước ngoài với lãi suất 3%/năm.

Hay với Yuanta Việt Nam, công ty chứng khoán này vay vốn từ công ty mẹ với lãi suất là TAIFX 1 tháng + 0,85%. Thời điểm thực hiện khoản vay vào cuối năm 2019, lãi suất TAIFX 1 tháng khoảng 2,2%. Thời điểm hiện tại, lãi suất này giảm xuống còn 0,45%.

Với chi phí vốn cao, các công ty chứng khoán trong nước sẽ khó hơn để cạnh tranh với các công ty ngoại. Tuy nhiên, tín hiệu tích cực hơn trong việc gọi vốn quốc tế từ các đơn vị dẫn đầu như SSI, HSC, Bản Việt, các công ty chứng khoán ngoại sẽ không còn "độc tôn" trên sân chơi vốn rẻ.

Lợi Hoàng

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.