|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Châu Âu lập lực lượng đặc nhiệm nhằm đưa ra chính sách về ChatGPT

02:43 | 14/04/2023
Chia sẻ
Ngày 31/3, công ty OpenAI đã buộc phải đình chỉ ChatGPT tại Italy sau khi chính quyền tạm thời hạn chế dịch vụ này và bắt đầu điều tra do nghi ngờ vi phạm các quy tắc về quyền riêng tư.

 Biểu tượng OpenAI và ChatGPT. (Ảnh: AFP/TTXVN).

Cơ quan Bảo vệ dữ liệu châu Âu (EDPB) ngày 13/4 đã thành lập một lực lượng đặc nhiệm về ChatGPT.

EDPB là một cơ quan độc lập, phụ trách việc giám sát các quy định bảo vệ dữ liệu trong Liên minh châu Âu (EU), gồm các cơ quan bảo vệ dữ liệu quốc gia thành viên.

Tuyên bố của EDPB cho biết: “Các nước thành viên EDPB đã thảo luận hành động thực thi pháp luật gần đây của cơ quan bảo vệ dữ liệu Italy đối với công ty OpenAI về dịch vụ ChatGPT, và quyết định khởi động một lực lượng đặc nhiệm nhằm thúc đẩy hợp tác và trao đổi thông tin về các hành động thực thi pháp luật có thể áp dụng.”

Một nguồn tin của một cơ quan bảo vệ dữ liệu quốc gia cho biết các nước thành viên hy vọng phối hợp với nhau đưa ra chính sách chung về ChatGPT, song việc này sẽ cần nhiều thời gian.

Vấn đề trên đã được đưa vào chương trình làm việc của EDPB sau đề nghị của Tây Ban Nha hồi đầu tuần này.

Ngày 31/3, công ty OpenAI đã buộc phải đình chỉ ChatGPT tại Italy sau khi chính quyền tạm thời hạn chế dịch vụ này và bắt đầu điều tra do nghi ngờ vi phạm các quy tắc về quyền riêng tư.

Cơ quan của Italy cáo buộc OpenAI đã không kiểm soát tuổi của người dùng ChatGPT và chỉ trích việc "không có bất kỳ cơ sở pháp lý nào" biện minh cho việc thu thập và lưu trữ dữ liệu cá nhân khổng lồ.

Nhiều chuyên gia cho rằng cần có các quy định mới để quản lý trí tuệ nhân tạo (AI) vì tác động tiềm ẩn của công nghệ này đối với an ninh quốc gia, việc làm và giáo dục.

ChatGPT đã tạo nên một "cơn sốt công nghệ" sau khi ra mắt vào tháng 11 năm ngoái. Ứng dụng sử dụng thông tin văn bản đã có sẵn trên mạng này có thể đưa ra câu trả lời cho những câu hỏi hóc búa, viết mã code, sáng tác thơ hoặc viết bài luận.

Các báo cáo của ngân hàng đầu tư đa quốc gia UBS cho thấy tính đến tháng 3/2023, ChatGPT đã thu hút khoảng 150 triệu người dùng, qua đó trở thành ứng dụng có lượng người dùng tăng nhanh nhất trong lịch sử.

Tuy nhiên, hiện có nhiều quốc gia trên thế giới như Mỹ, Australia, Đức... quan ngại tại nhiều về tính bảo mật của ứng dụng này.

Trong khi đó, Cơ quan cảnh sát châu Âu (Europol) cảnh báo rằng các đối tượng tội phạm sẵn sàng lợi dụng AI như các bot hội thoại để thực hiện hành vi lừa đảo và vụ phạm tội trực tuyến khác.

Tỷ phú Elon Musk, người sáng lập OpenAI nhưng hiện không còn là thành viên hội đồng quản trị, và hàng trăm chuyên gia toàn cầu đã kêu gọi tạm dừng nghiên cứu 6 tháng về các hệ thống AI mạnh hơn GPT-4, phiên bản mới nhất được phát triển dựa trên ChatGPT, do quan ngại "rủi ro sâu sắc đối với xã hội và nhân loại".

TTXVN