|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Châu Âu đi tìm lời giải cho bài toán giảm sự phụ thuộc vào khí đốt của Nga

04:12 | 19/03/2022
Chia sẻ
Sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự tại Ukraine, vấn đề đặt ra với châu Âu là phải làm gì để từng bước chấm dứt sự phụ thuộc vào khí đốt của Nga.

Dự án Dòng chảy phương Bắc 2 (Nord Stream 2) đã hoàn thành, trong khi nhu cầu của Liên minh châu Âu (EU) với các nguồn năng lượng của Nga có dấu hiệu gia tăng.

Dự án Dòng chảy phương Bắc 2 kết nối các nguồn khí đốt của Nga trực tiếp với các nước EU, chủ yếu là Đức. Đường ống này dài 1.200 km, từ Ust-Luga ở phía Tây Bắc của Nga đến thành phố Greifswald ở phía Đông Bắc nước Đức. Tổng công suất của Dự án Dòng chảy phương Bắc 2 là 55 tỷ m3 khí đốt mỗi năm.

Sự phụ thuộc vào năng lượng nhập khẩu của Nga dẫn tới những rủi ro về an ninh và chính trị, đặc biệt là với các nước vùng Baltic và Ukraine.

Điều thiết yếu là phải phát triển các hành lang năng lượng nhiều lộ trình và các thỏa thuận được tất cả các nước thành viên EU và các nước đồng minh đồng thuận.

Trong giai đoạn hiện nay, EU cần tiếp tục đoàn kết trước những thách thức, trong đó có các cuộc khủng hoảng năng lượng, khi giá năng lượng tăng đáng kể.

Khủng hoảng năng lượng diễn ra đúng vào lúc Dự án Dòng chảy phương Bắc 2 hoàn thành, hứa hẹn đảm bảo nguồn cung khí đốt ổn định, trong khi chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden dỡ bỏ trừng phạt nhằm vào dự án này.

Sau khi Nga mở chiến dịch tại Ukraine, Chính phủ Mỹ sẽ áp đặt trừng phạt trở lại với Dự án Dòng chảy phương Bắc 2, còn Đức đe dọa dừng hoàn toàn dự án này.

Các nước EU sẽ phải tăng cường các nguồn cung năng lượng thay thế ở trong nước như sinh khối hay khí đốt đá phiến.

Phần Lan và các nước Baltic khác cần tăng cường tỷ trọng của năng lượng sạch và các nhà sản xuất quy mô nhỏ trong nguồn cung năng lượng của mình.

Các nước EU có đường biên giới với Nga cần sử dụng các trạm khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) hiện nay ở khu vực biển Baltic với công suất lớn cho việc nhập khẩu LNG từ các nước EU khác và các đồng minh của khối. Các nước EU cần tăng nguồn cung khí đốt từ Ukraine, Hà Lan, Na Uy và Mỹ.

Lê Minh