|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Châu Á giằng xé giữa ngã ba đường ủng hộ hoặc chống lại tiền mã hoá

07:47 | 03/07/2021
Chia sẻ
Trong khi một số quốc gia như Trung Quốc, Hàn Quốc thắt chặt đầu tư tiền mã hoá, nhiều thị trường như Nhật Bản hay Singapore vẫn giữ quan điểm thân thiện với loại tài sản mới này.

Sau giai đoạn tăng trưởng đột phá, gió đã đổi chiều với bitcoin và nhiều đồng tiền mã hoá khác trong bối cảnh các cơ quan quản lý tài chính thắt chặt giám sát thị trường tài sản số, theo Nikkei.

Tuần trước, sau khi Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) yêu cầu các định chế tài chính lớn dừng các giao dịch tiền mã hoá, giá bitcoin đã giảm về mốc dưới 30.000 USD lần đầu tiên từ tháng 1 năm nay.

Châu Á giằng xé giữa ngã ba đường ủng hộ hoặc chống lại tiền mã hoá - Ảnh 1.

Bitcoin hiện tại là đồng tiền mã hoá lớn nhất thế giới. (Ảnh: Reuters)

Trước đó, vào tháng 4, giá trị đồng tiền số lớn nhất hành tinh đạt đỉnh ở mốc 64.289 USD. Cuối tháng 6, Anh cũng cấm Binance, sàn giao dịch tiền mã hoá lớn nhất thế giới xét theo khối lượng giao dịch, cung cấp các dịch vụ được kiểm soát, bao gồm dịch vụ đầu tư phái sinh tiền mã hoá. 

Trong khi đó, ở Hàn Quốc, các sàn giao dịch cũng dừng giao dịch các đồng altcoin (tiền mã hoá thay thế bitcoin) được biết đến với tên gọi "kimchi coin" sau khi các quy định mới về tài chính có hiệu lực.

Dù vậy, một số nhà đầu tư và sàn giao dịch lại giữ thái độ chào đón các quy định chặt chẽ hơn để loại bỏ các đối tượng xấu trên thị trường cũng như các hoạt động rửa tiền. Theo các nhà đầu tư, đây là một bước tiến để đưa tiền mã hoá vào một giai đoạn phổ biến hơn. Một số nhà đầu tư lại cho rằng những động thái nói trên có thể báo hiệu một đợt thắt chặt rộng hơn. 

"Thật khó để tin rằng toàn bộ loại tài sản toàn cầu này lại nằm trong quyền đinh đoạt của một chính phủ duy nhất", các nhà phân tích tại công ty đầu tư tài sản số Arca nói.

Theo Nikkei, ở Châu Á, có ít nhất chính phủ hai quốc gia không thay đổi quan điểm của mình về tiền số. Mặc dù phát đi cảnh báo với Binance rằng sàn giao dịch này đang cung cấp dịch vụ ở Nhật Bản khi chưa có giấy phép, Cơ quan Tài chính Nhật Bản chưa thắt chặt các quy định liên quan đến tài sản mã hoá.

Tương tự, Singapore cũng giữ thái độ cởi mở với tiền mã hoá dù chủ tịch ngân hàng nhà nước cảnh báo vào hồi tháng 4 rằng tiền mã hoá "không phù hợp với các nhà đầu tư cá nhân" vì mức độ biến động quá lớn.

"Tôi sẽ rất bất ngờ nếu như Nhật Bản thay đổi quan điểm của mình. Nhật Bản thường khá thân thiện với tiền mã hoá vì đã để mất ngôi vương của mình trong vai trò một trung tâm tài chính Châu Á. Nhật Bản muốn lấy lại vị thế của mình", Adam Farthing, một chuyên viên rủi ro của sàn giao dịch B2C2, chia sẻ.

Thực tế này cũng khiến nhiều quốc gia dè dặt hơn với các lệnh cấm tiền điện tử, như một dự luật đang được quốc hội Ấn Độ xem xét tìm cách thực hiện.

"Khi chúng ta bắt đầu thấy tiền mã hoá được tích hợp sâu hơn vào các hạ tầng tài chính truyền thống, chúng ta sẽ đạt đến điểm mà chính phủ cảm thấy họ cần duy trì một mối quan hệ mang tính chất biểu tượng với nó", Scott Stornetta, một trong những nhà phát minh của công nghệ blockchain nói.

"Trong dài hạn, xu hướng sẽ là hợp tác và điều hành hợp lý", ông nói thêm.

Nhiều quốc gia, trong đó có Nhật Bản và Singapore, đang cố gắng "nuôi dưỡng" tiền điện tử. Ngay cả khi Trung Quốc thắt chặt hoạt động "đào tiền mã hoá", quốc gia này đã phân phối gần 200 triệu nhân dân tệ ảo trong một chương trình thử nghiệm.

"Rất khó để loại bỏ hoàn toàn tiền điện tử", ông John Kirch, phó chủ tịch công ty Uppsala Security, chia sẻ. "Nếu như không có tiền số, làm sao bạn có thể cạnh tranh hiệu quả trong tương lai?"

Binance cho biết việc bị cấm ở Anh không ảnh hưởng đến chiến lược toàn cầu của dịch vụ này. "Điều chúng tôi có thể nói là chúng tôi luôn hợp tác với các nhà điều hành trên thế giới và chúng tôi cực kỳ quan tâm đến các nghĩa vụ tuân thủ" Binance nhấn mạnh.

Một người phát ngôn của Binance khẳng định tích cực tham gia điều tra tội phạm số, hạn chế người dùng từ nhiều khu vực thông qua các công cụ định danh (KYC) và phòng chống rửa tiền trong khi xây dựng đội ngũ tư vấn và tuân thủ.

Tuân thủ cũng là khía cạnh đòi hỏi nhiều đầu tư nhất đối với các công ty trên thị trường. Babel Finance, một công ty cung cấp dịch vụ tài chính mã hoá ở Hong Kong, nói sẽ đầu tư 40 tỷ USD – gần như toàn bộ số vốn kêu gọi được trong một vòng gọi vốn gần đây – vào hoạt động kiểm soát nội bộ và pháp chế.

"Các công ty tiền mã hoá nhận ra tầm quan trọng và vai trò của tuân thủ đồng thời thực hiện các bước cần thiết để tuân theo quy định địa phương sẽ có cơ hội thành công trong dài hạn", ông Flex Yang, CEO Babel Finance, nói.

Việc Trung Quốc yêu cầu đóng cửa 26 mỏ đào bitcoin ở Tứ Xuyên thực tế lại có thể mang đến những kết quả tích cực, theo công ty Arca.

"Các công ty trong ngành đồng ý rằng kết quả dài hạn từ việc nhiều mỏ đào rời Trung Quốc là tích cực", các nhà phân tích nhận định. Họ cho rằng xu hướng này sẽ phân phối hoạt động đào bitcoin đến các quốc gia thân thiện với tiêu chuẩn ESG hơn.

Ở Hong Kong, cơ quan chức năng đang cân nhắc thông qua luật yêu cầu tất cả sàn giao dịch vận hành đều phải có giấy phép. Hong Kong cũng có thể yêu cầu chỉ cho phép các nhà đầu tư chuyên nghiệp với danh mục tối thiểu 1 triệu USD được giao dịch tiền mã hoá.

FTX, một sàn giao dịch phái sinh mã hoá, nói rằng nếu quy định của Hong Kong áp dụng cho cả các nhà đầu tư cá nhân quốc tế, FTX sẽ rời thị trường này.

Thái Sơn