Chật vật gần 10 năm, Metro Bến Thành - Tham Lương vẫn đang chờ điều chỉnh
Metro Bến Thành - Tham Lương gần 10 năm vẫn giậm chân tại chỗ.
Những thông tin này được Chính phủ cho biết ngay từ khổ đầu tiên của báo cáo gửi đến Quốc hội về dự án Metro Bến Thành - Tham Lương.
Tuyến metro này đi qua các quận 1, 3, 10, 12, Tân Bình, Tân Phú của Tp.HCM. Thời gian hoàn thành dự án được duyệt là năm 2018 và đã được Thủ tướng gia hạn đến năm 2020 để làm cơ sở gia hạn các Hiệp định vay đã ký theo ý kiến của các nhà tài trợ.
Nhưng do điều chỉnh thiết kế cơ sở, tính toán, cập nhật lại tổng mức đầu tư nên thời gian thực hiện dự án cũng được điều chỉnh. Cụ thể, khảo sát, thiết kế nền tảng và tổ chức đấu thầu từ năm 2011 đến năm 2020. Tổ chức thi công từ năm 2021 đến năm 2026. Kiểm tra, vận hành chạy thử và bàn giao khai thác vào cuối năm 2026.
Đáng chú ý, Chính phủ cho biết, tổng mức đầu tư của dự án đã được uỷ ban nhân dân Tp.HCM phê duyệt năm 2010 là 1.374,5 triệu USD (tương đương 26.116 tỷ VNĐ), từ nguồn vốn vay ADB (540 triệu USD), KfW (313 triệu USD), EIB (195 triệu USD) và vốn đối ứng từ ngân sách nhà nước (6.204 tỷ VNĐ, tương đương 326,5 triệu USD).
Tổng mức đầu tư Chính phủ trình Quốc hội năm 2018 là 2.134 triệu USD (tương đương 47.891,28 tỷ VNĐ).
Còn hiện nay, trên cơ sở tiếp thu ý kiến thẩm định của các bộ ngành, các nhà tài trợ, Tổ chuyên gia thẩm định - do Thủ tướng Chính phủ thành lập, tham khảo ý kiến của Kiểm toán Nhà nước đối với dự án tuyến đường sắt đô thị số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) và kết quả thẩm tra độc lập của Liên danh MMS-UTC, kết quả thẩm định của Hội đồng thẩm định điều chỉnh dự án, ý kiến của Bộ Xây dựng về áp dụng định mức, đơn giá và về thiết kế cơ sở điều chỉnh của dự án, tổng mức đầu tư đang được Ủy ban nhân dân Tp.HCM xem xét điều chỉnh là 2.090,62 triệu USD (tương đương 47.890,91 tỷ đồng).
Cập nhật tiến độ thực hiện, báo cáo cho biết, dự án đã cơ bản hoàn thành các thủ tục và bắt đầu triển khai việc chi trả bồi thường và tiếp nhận mặt bằng trên địa bàn 6 quận bị ảnh hưởng bởi dự án.
Đến nay khoảng 18% số hộ dân bị ảnh hưởng đã nhận bồi thường và khoảng 9% số hộ dân đã bàn giao mặt bằng. Dự kiến đến tháng 6/2020 sẽ hoàn thành công tác bồi thường hỗ trợ tái định cư và giao mặt bằng cho dự án.
Dự án cũng đã triển khai thi công và cơ bản hoàn thành gói thầu xây lắp đầu tiên: gói thầu CP1 - toà nhà văn phòng và các công trình phụ trợ tại depot Tham Lương (tòa nhà trung tâm vận hành của tuyến tàu điện ngầm số 2 sau này).
Với tình hình vay vốn, theo báo cáo, dự án đã ký các Hiệp định vay với các nhà tài trợ: Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB): 540 triệu USD, Ngân hàng Tái thiết Đức (KfW) 313 triệu USD, Ngân hàng Đầu tư Châu Âu (EIB) 150 triệu Euro (tương đương khoảng 195 triệu USD).
Đồng thời, đến nay dự án cũng tiếp tục nhận được cam kết, xác nhận các khoản vay bổ sung từ các nhà tài trợ ADB, KfW, Chính phủ thông tin.
Kết quả giải ngân vốn đối ứng lũy kế đến thời điểm báo cáo (18/10/2019) là 155,276/6.204 tỷ đồng, đạt 2,5% tổng vốn đối ứng toàn dự án.
Giải ngân vốn ODA lũy kế đến thời điểm báo cáo là 870,564/19.912 tỷ đồng, đạt 4,37% tổng vốn ODA toàn dự án.
Cơ chế tài chính dự án này, theo báo cáo thì ngân sách Trung ương cấp phát phần vốn vay nước ngoài cho ngân sách Tp.HCM để xây dựng kết cấu hạ tầng đường sắt và chi khác.
Ngân sách Tp.HCM vay lại từ phần vốn vay nước ngoài để chi trả cho các hạng mục liên quan đến việc khai thác, vận hành kinh doanh vận tải.
Đối với phần vốn vay tăng thêm thì áp dụng cơ chế vay lại cho toàn bộ phần vốn vay tăng thêm của dự án.
Hiện nay, Ủy ban nhân dân Tp.HCM đang đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn trước khi phê duyệt điều chỉnh dự án, Chính phủ báo cáo Quốc hội.