Chất lượng nợ công
Điều này rất quan trọng, đặc biệt trong bối cảnh tỷ lệ nợ công trên GDP đến năm 2016 đã chạm mức trần 65%.
Nợ Chính phủ trên GDP hiện cũng ở mức trên 63%, khiến Chính phủ và Quốc hội đã phải nới trần.
Sự thực thì luật Quản lý nợ công 2009 đã đưa ra được một loạt công cụ quản lý nợ công như xây dựng các chỉ tiêu an toàn về nợ công, chiến lược nợ dài hạn, chương trình quản lý nợ trung hạn, kế hoạch vay, trả nợ hằng năm của Chính phủ; cũng như cơ chế phối hợp trong quản lý nhà nước về nợ công giữa các cơ quan Chính phủ. Nhưng thực trạng nợ công ngày càng tăng cho thấy, những công vụ quản lý nợ công hiện tại chưa thực sự hiệu quả. Tuy nhiên, nếu như không tỉnh táo, dự luật mới cũng sẽ chưa chắc đã khắc phục được những khiếm khuyết của luật hiện hành.
Nói đến nợ công, chỉ tiêu thường được nhắc đến nhiều nhất là tỷ lệ nợ/GDP. Nhiều người lấy con số nợ công tăng nhanh để quá lo lắng hoặc làm cớ chỉ trích. Tuy nhiên, con số nợ công/GDP không hoàn toàn nói lên sự lo lắng ấy. Điều quan trọng nhất chính là nền kinh tế phải hiệu quả, tốc độ tăng trưởng phải ở mức độ cao, tương xứng với mức độ trả nợ. Ngoài ra, để thấy số nợ có đáng lo ngại hay không, còn phụ thuộc vào cách thức Chính phủ thể hiện trong quản lý nợ.
Bài học của Argentina còn nguyên giá trị cho nhiều quốc gia, đó là vay nợ về tràn lan, chính phủ lại không kiểm soát được khả năng thu thuế, nên không có điều kiện để trả nợ. Thêm vào đó là vấn đề tham nhũng, chính quyền địa phương được vay quá dễ dãi, tự phát hành trái phiếu… Tất cả những yếu tố ấy dẫn đến khả năng trả nợ của chính phủ rất thấp, tạo ra nguy hiểm.
Vậy mới nói, chất lượng các khoản nợ là điều cần quan tâm hơn là tỷ lệ cao hay thấp. Có một vấn đề là, các bản tổng kết về nợ công hiện nay của ta thường mới chỉ dừng ở việc liệt kê tổng nợ công, mà chưa gắn với đánh giá chất lượng của từng khoản mục chi hay đầu tư sử dụng nợ công. Một khoản đầu tư công hiệu quả sẽ tạo ra nguồn thu trong tương lai để hoàn trả. Nhưng nếu một khoản đầu tư công kém hiệu quả thì có thể sẽ phải dùng nguồn thu khác của ngân sách để bù vào. Luật sửa đổi cần quy định về danh mục các khoản chi/đầu tư sử dụng nợ công và đánh giá mức độ rủi ro cho từng khoản mục.
Trên cơ sở đó, Chính phủ có thể thiết kế hoặc tái cơ cấu danh mục sử dụng nợ công sao cho giảm thiểu được rủi ro. Điều này rất quan trọng vì nếu như các khoản đầu tư từ nguồn nợ công đều có rủi ro thấp, Chính phủ có thể thuyết phục Quốc hội nới rộng mức trần nợ công hiện nay để phát huy được những lợi ích từ nợ công.
Tuy nhiên, nếu các khoản đầu tư từ nguồn nợ công hiệu quả thấp hoặc có mức rủi ro không trả được nợ cao thì sẽ phải thu hẹp mức trần nợ công để phòng ngừa rủi ro. Nếu như dự thảo luật sửa đổi về quản lý nợ công không chú trọng đến điều này, có nghĩa, chúng ta vẫn sẽ thiếu các biện pháp để ngăn ngừa nguy cơ nợ công trở thành gánh nặng cản trở sự phát triển, thay vì là công cụ điều tiết nền kinh tế.