|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Chàng vũ công hip hop khởi nghiệp làm tóc

13:47 | 16/08/2018
Chia sẻ
Cho rằng nghề tóc mang lại lợi nhuận cao, không bao giờ “lỗi mốt”, chàng vũ công hip hop quyết định trở thành nhà tạo mẫu tóc.
 

Từ vũ công hip hop đến nhà tạo mẫu tóc

Khi vừa tốt nghiệp THPT, rất nhiều bạn trẻ không chọn cánh cửa đại học mà bắt đầu khởi nghiệp với nghề tóc. Chàng trai 9x Nguyễn Quang Tuấn là một trong số đó. 18 tuổi, cậu xa gia đình, từ Hải Phòng vào TP. Hồ Chí Minh để gây dựng sự nghiệp riêng.

“Nghề tóc không từ chối ai và thành công không đợi tuổi. Nhận thấy lĩnh vực quá tiềm năng, tôi quyết định trở thành nhà tạo mẫu tóc. Trước đó, tôi từng là thành viên nhóm nhảy hiphop tại Hải Phòng”, Tuấn thổ lộ.

Quang Tuấn cho biết, thời gian đầu nơi “đất khách quê người”, mọi thứ đều mới mẻ, gian nan. Cậu vừa học vừa làm để theo đuổi con đường trở thành nhà tạo mẫu tóc chuyên nghiệp. Đôi khi khó khăn đến mức muốn từ bỏ, nhưng đam mê nghề giúp cậu trụ vững.

“Còn nhớ lúc chập chững học nghề, mình làm hỏng mái tóc của khách. Mình thật sự bối rối, chán nản. Nhưng thời gian qua đi, mình nhận ra, mỗi lần thất bại là một lần học từ thực tế”, Tuấn kể lại.

Sau một năm học nghề, Tuấn mở tiệm tóc riêng cùng ba thợ phụ việc. Do ít nhân lực nên mỗi ngày cậu chỉ nhận 15 - 20 khách hàng. Doanh thu trung bình hàng tháng 60 -100 triệu đồng.

chang vu cong hip hop khoi nghiep lam toc

Nguyễn Quang Tuấn (bên trái), ông chủ salon tóc Tuấn Amen.

Tiệm tóc “mọc như nấm sau mưa”

Với 8 năm kinh nghiệm, nhà tạo mẫu tóc nhận định, nghề tóc đã, đang và sẽ là xu hướng. Tuy nhiên, dịch vụ dần bão hòa do tiệm tóc “mọc như nấm sau mưa” nhưng nhanh chóng biến mất.

Tuấn cho rằng, đa số tiệm tóc trên thị trường đều đi theo mô hình kinh doanh thông thường, khó phát triển. Qua quá trình tự tìm hiểu, nghiên cứu, cậu đúc kết ra dự án làm tóc mang lại lợi nhuận cao, ít tốn công sức.

Theo Tuấn, nhà tạo mẫu tóc nên kết hợp với nhà đầu tư để mở chuỗi cửa hàng nhằm thu hút khách hàng, khẳng định thương hiệu. Mỗi tiệm tóc sử dụng 4 - 6 thợ chính đều là những người lành nghề. Ngoài thiết kế tóc, cửa hàng có gian hàng trừng bày các sản phẩm dưỡng, kèm theo dịch vụ tư vấn chăm sóc tóc sau khi rời tiệm.

Nghề “làm dâu trăm họ”

Giống như những công việc khác, nghề tóc mang lại cho Quang Tuấn nhiều vui buồn. Với nhà tạo mẫu tóc, một lời khen, tin nhắn cảm ơn của khách hàng cũng đủ khiến cậu cảm thấy hạnh phúc. Đó là động lực giúp chàng trai tìm tòi, học hỏi thêm để biến những sản phẩm sau tốt, được khách hàng ưa thích hơn.

chang vu cong hip hop khoi nghiep lam toc

Mẫu tóc do Nguyễn Quang Tuấn thiết kế.

Bên cạnh niềm vui, cậu gặp nhiều chuyện buồn nhỏ nhặt trong nghề. Tuấn tự nhận làm tóc là nghề “làm dâu trăm họ”. Khi gặp khách hàng khó tính, cậu thấy mệt mỏi nhưng vẫn cố gắng phục vụ, chiều lòng họ.

“Một số trường hợp, mình làm đúng kiểu tóc khách muốn, nhưng do khuôn mặt, chất tóc không hợp nên sản phẩm tạo ra chưa hoàn hảo. Về nhà, họ trút giận bằng cách chia sẻ lên mạng xã hội rồi không quay lại nữa”, Tuấn ngậm ngùi cho biết.

Ngoài ra, vấn đề sức khỏe trong môi trường làm việc nhiều chất độc hại cũng khiến Tuấn trăn trở. Cậu nói rằng, sức khỏe chính là sự đánh đổi khi đến với nghề tóc. Mặc dù thường xuyên cậu đeo khẩu trang khi làm việc, nhưng bác sĩ vẫn khuyên nên cẩn thận, chú ý gìn giữ sức khỏe hơn.

Trải qua chặng đường 7 năm khởi nghiệp, ông chủ trẻ chia sẻ rằng, điều quan trọng nhất với một người kinh doanh tóc là sự sáng tạo không ngừng nghỉ. Mỗi khuôn mặt, tính cách khách hàng phù hợp một thiết kế khác nhau. Làm sai một lần, thương hiệu không chỉ mất khách mà còn ảnh hưởng đến uy tín.

Xem thêm

Bùi Mến