|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Chàng trai mang câu chuyện bán bánh mì Việt trên đất Nhật vào luận văn tốt nghiệp được Shark Bình rót vốn

06:30 | 03/10/2023
Chia sẻ
Bánh mì Xin Chào là thương hiệu bánh mì Việt Nam nổi danh tại Nhật Bản do Bùi Thanh Tâm và anh trai Bùi Thanh Duy cùng sáng lập. Đây là chuỗi cửa hàng bao gồm cửa hàng nhượng quyền chuyên phục vụ bánh mì và các món ăn của Việt Nam tại xứ sở Phù Tang.

Nhà đồng sáng lập Bánh mì Xin Chào, Bùi Thanh Tâm đến Shark Tank Việt Nam, kêu gọi đầu tư số tiền là 500.000 USD cho 9% cổ phần. Cựu du học sinh Nhật Bản này chia sẻ tham vọng xây dựng một thương hiệu F&B Việt vững mạnh ở Nhật Bản và hướng tới thị trường toàn cầu.

Ý tưởng mở tiệm bánh mì Việt Nam nảy ra khi Bùi Thanh Tâm đang rong chơi ở Tokyo. Khi đó, anh chứng kiến hàng người xếp hàng mua Doner Kebab của Thổ Nhĩ Kỳ và ngay lập tức, Tâm nhấc điện thoại gọi cho anh trai để bàn về việc mở cửa hàng bánh mì Việt Nam.

Sau một năm chuẩn bị, hai anh em đã khai trương cửa hàng đầu tiên, phục vụ hương vị truyền thống Việt Nam mang tên Bánh mì Xin Chào vào tháng 10/2016 ở Tokyo. Sau 7 năm, Bánh mì Xin Chào đã có tổng cộng 15 cửa hàng và chi nhánh tại Nhật Bản.

 Bùi Thanh Tâm, nhà đồng sáng lập của Bánh mì Xin Chào. (Ảnh: Shark Tank Việt Nam).

Bùi Thanh Tâm cho biết Bánh mì Xin Chào tăng trưởng liên tục 170% trong 5 năm liên tiếp. Ba năm gần nhất, doanh thu (cả cửa hàng quản lý và nhượng quyền) lần lượt là 550.000 USD (2020), 950.000 USD (2021) và 1,45 triệu USD (2022). Lợi nhuận trước thuế năm 2022 là 11%.

Trong hệ thống 15 cửa hàng, có 5 cửa hàng do hai anh em làm chủ và 10 cửa hàng còn lại là nhượng quyền. Phí nhượng quyền thương hiệu là 20.000 USD, được sử dụng thương hiệu Bánh mì Xin Chào trong 5 năm, chưa tính các chi phí thiết lập cửa hàng.

Theo Founder Bánh mì Xin Chào, tùy thuộc vào vị trí mặt bằng, một cửa hàng thuộc thương hiệu này có thể tốn chi phí đầu tư từ 40.000 đến 150.000 USD. Doanh thu trên từng cửa hàng có thể đạt tới con số 45.000 USD/tháng.

Bùi Thanh Tâm chia sẻ sự thành công của Bánh mì Xin Chào một phần đến từ câu chuyện mở cửa hàng bánh mì Việt Nam được anh mang vào luận văn tốt nghiệp. Nhờ đó, thương hiệu này nhận được sự chú ý của truyền thông Nhật Bản và xuất hiện trên các tờ nhật báo lớn.

Lý giải nguyên nhân định giá doanh nghiệp là 5 triệu USD, Thanh Tâm cho biết mục tiêu của Bánh mì Xin Chào là đạt doanh thu năm 2023 là trên 2 triệu USD, năm 2025 là 50 cửa hàng và doanh thu 6 triệu USD. Để đạt được mục tiêu đó, cựu du học sinh Nhật Bản dự kiến sẽ mở rộng mô hình kinh doanh theo hướng franchise (nhượng quyền).

“Góc độ là một nhà đầu tư thì anh chưa nhìn thấy khả năng tăng trưởng với tốc độ nhanh. Con số của em đưa ra cho bọn anh cũng không hấp dẫn. Bây giờ em đang lãi 150.000 USD. Em chia cho anh 9% là khoảng 14.000 USD. Bỏ ra 500.000 USD thì không biết bao giờ anh thu hồi được vốn”, Shark Hưng chia sẻ và từ chối đầu tư. Shark Tuệ Lâm và Shark Erik cũng lần lượt từ chối thương vụ này.

Hai vị "cá mập" còn lại là người quan tâm đến Bánh mì Xin Chào.

Shark Hùng Anh đề nghị đầu tư 500.000 USD cho 20% cổ phần trong khi Shark Bình cho biết ông sẽ đầu tư 500.000 USD để 15% cổ phần với điều kiện trong hai năm, công ty phải phải phát triển được 50 cửa hàng, có một cửa hàng flagship và một food truck (xe tải thực phẩm).

Nếu Bánh mì Xin Chào đạt KPI, Shark Bình cam kết sẽ vào vòng sau với giá trị tối thiểu là 2 triệu USD, nếu không đạt thì anh em Bùi Thanh Tâm sẽ phải bù 10% cổ phần cho nhà đầu tư.

Sau khi trao đổi với anh trai, Bùi Thanh Tâm đã đồng ý với đề nghị đầu tư của Shark Bình và vị "cá mập" đã có thương vụ đầu tiên cho mùa 6.

Thùy Trang

Vì sao Mỹ chật vật với lạm phát hơn châu Âu?
Lạm phát có thể đã giảm mạnh từ các mức cao nhất hàng chục năm qua ở cả hai bờ Đại Tây Dương, nhưng tiến triển ở Mỹ đã chững lại, khiến Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) hiện được dự đoán sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất chậm hơn nhiều so với Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB).