Chặng đường 7 năm đàm phán cho đến khi được Nghị viện Châu Âu thông qua, EVFTA chỉ còn hai bước cuối cùng để có hiệu lực
Chiều 12/2, tại phiên họp toàn thể ở Strasbourg (Pháp), Nghị viện châu Âu (EP) đã bỏ phiếu thông qua Hiệp định thương mại tự do giữa Liên minh châu Âu (EU) và Việt Nam - EVFTA, và và Hiệp định bảo hộ đầu tư - EVIPA.
Theo thông tin cập nhật từ Bộ Công Thương, hiệp định EVFTA nhận được 401 phiếu thuận, đạt tỉ lệ 63,33%, 192 phiếu chống và 40 phiếu trắng. Hiệp định EVIPA được thông qua với tỉ lệ 407 phiếu ủng hộ, đạt tỉ lệ 62,8%, 188 phiếu chống và 53 phiếu trắng.
Trong tiến trình phê chuẩn hai Hiệp định này, về thủ tục nội bộ của EU, sau khi được Nghị viện châu Âu phê chuẩn, Hiệp định EVFTA cần được Hội đồng châu Âu phê duyệt để có hiệu lực. Về phía Việt Nam, sau khi được Quốc hội Việt Nam thông qua, EVFTA sẽ ngay lập tức có hiệu lực.
Còn Hiệp định EVIPA phải được sự phê chuẩn của cả Nghị viện châu Âu và Nghị viện của tất cả 27 nước thành viên EU (sau khi Vương quốc Anh hoàn tất Brexit) mới có hiệu lực.
EVFTA và EVIPA được ký ngày 30/6/2019 tại Hà Nội sau 7 năm đàm phán.
Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, nếu được Quốc Hội thông qua, Hiệp định EVFTA sẽ có hiệu lực sớm nhất vào tháng 7 năm nay.
Những mốc thời gian chính:
Tháng 10/2010: Thủ tướng Chính phủ Việt Nam và Chủ tịch EU đã đồng ý khởi động đàm phán Hiệp định EVFTA.
Tháng 6/2012: Bộ trưởng Công Thương Việt Nam và Cao ủy Thương mại EU đã chính thức tuyên bố khởi động đàm phán Hiệp định EVFTA.
Tháng 12/2015: Kết thúc đàm phán và bắt đầu rà soát pháp lý để chuẩn bị cho việc ký kết Hiệp định.
Tháng 6/2017: Hoàn thành rà soát pháp lý ở cấp kỹ thuật
Tháng 9/2017: EU chính thức đề nghị Việt Nam tách riêng nội dung bảo hộ đầu tư và cơ chế giải quyết tranh chấp giữa Nhà nước với nhà đầu tư (ISDS) ra khỏi Hiệp định EVFTA thành một hiệp định riêng do phát sinh một số vấn đề mới liên quan đến thẩm quyền phê chuẩn các hiệp định thương mại tự do của EU hay từng nước thành viên. Theo đề xuất này, EVFTA sẽ được tách thành hai hiệp định riêng biệt, bao gồm:
Hiệp định Thương mại tự do bao gồm toàn bộ nội dung EVFTA hiện nay nhưng phần đầu tư sẽ chỉ bao gồm tự do hóa đầu tư trực tiếp nước ngoài. Với Hiệp định này, EU có quyền phê chuẩn và đưa vào thực thi tạm thời.
Hiệp định Bảo hộ đầu tư (Hiệp định IPA) bao gồm nội dung bảo hộ đầu tư và giải quyết tranh chấp đầu tư. Hiệp định IPA này phải được sự phê chuẩn của cả Nghị viện Châu Âu và của Nghị viện các nước thành viên thì mới có thể thực thi.
Tháng 6/2018: Việt Nam và EU đã chính thức thống nhất việc tách riêng EVFTA thành hai hiệp định gồm Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (IPA); chính thức kết thúc toàn bộ quá trình rà soát pháp lý Hiệp định EVFTA; và thống nhất toàn bộ các nội dung của Hiệp định IPA.
Tháng 8/2018: Hoàn tất rà soát pháp lý Hiệp định IPA.
Ngày 17/10/2018: Ủy ban châu Âu đã chính thức thông qua EVFTA và IPA.
Ngày 25/6/2019: Hội đồng châu Âu đã phê duyệt cho phép ký Hiệp định.
Ngày 30/6/2019: Việt Nam và EU chính thức ký kết EVFTA và IPA.
Ngày 21/1/2020: Ủy ban Thương mại Quốc tế Liên minh châu Âu thông qua khuyến nghị phê chuẩn EVFTA.
Ngày 12/2/2020: Nghị viện Châu Âu thông qua EVFTA và EVIPA.