|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Vào EVFTA, doanh nghiệp logistics Việt Nam cần đột phá để phát triển

06:58 | 28/12/2019
Chia sẻ
Doanh nghiệp logictics Việt Nam cần được đầu tư bài bản, nâng cao năng lực cạnh tranh bằng đột phá về công nghệ, nguồn lực và kỹ năng quản lý.

Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) đã được ký kết ngày 30/6/2019, hiện đang trong quá trình phê chuẩn nội bộ để chính thức có hiệu lực. 

Hiệp định này được hi vọng mở ra nhiều cơ hội xuất khẩu cho hàng hóa của Việt Nam, với tốc độ phát triển hàng năm đạt 16 - 20%, dự kiến EVFTA sẽ giúp gia tăng nhu cầu sử dụng dịch vụ logistics và có tác động đáng kể đến triển vọng thị trường và ngành logistics Việt Nam.

Hiện tại, ở Việt Nam có gần 1.500 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics. Bên cạnh những cơ hội và tiềm năng, doanh nghiệp logistics Việt Nam cũng phải đối mặt với nhiều thách thức mới do EVFTA mang lại như sự đòi hỏi khắt khe về tiêu chuẩn, quy trình kiểm soát quốc tế để mọi hàng hóa của châu Âu giữ nguyên chất lượng khi đến với người tiêu dùng trên thế giới.

Theo ông Tạ Hoàng Linh, Vụ trưởng Vụ thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công Thương), các quốc gia Đức, Anh, Pháp là những thị trường logistics lớn nhất ở EU, do quy mô nền kinh tế, mật độ dân số, cơ sở hạ tầng và chức năng cửa ngõ. 

Trong khi đó, Hà Lan và Bỉ là các quốc gia có doanh thu logistics/người cao nhất. Lợi nhuận lớn nhất là từ các cảng biển lớn, vận tải chiếm tới 46% tổng giá trị thị trường logistics.

Vào EVFTA, doanh nghiệp logistics Việt Nam cần đột phá để phát triển - Ảnh 1.

EVFTA sẽ giúp gia tăng nhu cầu sử dụng dịch vụ logistics tại Việt Nam.

Từ năm 2017, Chính phủ Việt Nam đã xác định mục tiêu cụ thể cho ngành logictics là đưa Việt Nam trở thành trung tâm logictics của khu vực vào năm 2025. 

Kế hoạch này đã và đang được hiện thực hóa với rất nhiều nỗ lực như thu hút đầu tư nước ngoài, cải cách thủ tục hải quan và hợp tác với các đối tác nước ngoài trong các dự án cơ sở hạ tầng. 

Với EVFTA, dự kiến kim ngạc xuất khẩu sang các nước EU sẽ tăng mạnh trong thời gian tới, tác động tích cực đến triển vọng thị trường và phát triển ngành logictics.

Theo nhận định của ông Linh, với tốc độ phát triển hàng năm đạt 16% - 20%, dự kiến EVFTA sẽ giúp gia tăng nhu cầu sử dụng dịch vụ logistics và có tác động đáng kể đến triển vọng thị trường và ngành dịch vụ logistics Việt Nam, tạo điều kiện cho hàng hóa Việt Nam có thể tiếp cận thị trường EU đầy tiềm năng với 512 triệu dân.

“Bên cạnh các cơ hội và tiềm năng, DN logistics cũng phải đối mặt với nhiều thách thức mới từ EVFTA khi quy mô chủ yếu là DN nhỏ và vừa, sức cạnh tranh yếu trong khi EU vốn rất mạnh về logictics với các công ty đa quốc gia, các đội tàu lớn hiện đại chiếm thị phần lớn trên thế giới. 

Để đáp ứng được nhu cầu về logictics theo tiêu chuẩn chất lượng châu Âu, đồng thời nắm lấy cơ hội phát triển, sớm trở thành trung tâm logictics của khu vực, DN logictics Việt Nam cần được đầu tư bài bản, nâng cao năng lực cạnh tranh trên nhiều khía cạnh, đột phá về công nghệ, nguồn lực, nâng cao kỹ năng quản lý”, ông Linh lưu ý.

Nguy cơ bị thôn tính không lớn

Ông Nguyễn Tuấn Vinh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Vận tải và Thương mại đường sắt (RATRACO) cho rằng, để tận dụng các cơ hội kinh doanh đến từ chính các cam kết trong hiệp định EVFTA, các DN logistics Việt Nam cần có kế hoạch khắc phục các hạn chế hiện tại, qua đó nâng cao năng lực cạnh tranh của mình.

“Các DN kinh doanh dịch vụ vận tải đa phương thức cần tìm hiểu, chủ động thay đổi tư duy về logistics trong sản xuất kinh doanh để giảm và tối ưu hóa chi phí trong dịch vụ này. Các DN cần chọn phương án vận chuyển trực tiếp trong điều kiện có thể để giảm các chi phí trong hành trình. 

Đồng thời tham gia vào các hiệp hội ngành hàng và chủ hàng để tạo lợi thế đàm phán với các hãng vận chuyển nước ngoài. Đặc biệt, các DN cần tham gia vào các sàn giao dịch vận tải để tăng cường liên kết và giảm chi phí vận tải”, ông Vinh nêu giải pháp.

Chia sẻ về những thách thức đối với ngành dịch vụ logistics Việt Nam trước EVFTA, ông Nguyễn Cảnh Cường, Tham tán thương mại Việt Nam tại Vương quốc Anh cho rằng, sẽ không có giải pháp chung cho tất cả các DN logistic, mỗi một DN đều phải tự có chiến lược riêng của mình. 

Mặc dù vậy, vị này cũng khẳng định, DN logistic Việt không phải quá lo lắng, bởi ngành này chỉ cam kết mở cửa 51% mà không phải 100%. Như vậy, nhà đầu tư nước ngoài vẫn cần nguồn lực từ Việt Nam và nguy cơ logistics của Việt Nam bị thôn tính sẽ là không lớn.

“Trong bất cứ hoàn cảnh nào, nhất là trong xu hướng hội nhập vẫn đòi hỏi các DN phải nâng sức cạnh tranh, không chỉ riêng đối với ngành logistics. 

Các DN cần đầu tư hạ tầng và công nghệ, cải tiến nâng cao khả năng lực quản trị, cũng như kỹ năng quản lý và chăm sóc khách hàng. 

Một trong những yếu tố cần thiết đối với các DN là cần phải chủ động liên kết, tăng quy mô các hãng tàu để có thể tăng sức cạnh tranh”, ông Cường chỉ rõ.

Cũng theo ông Cường, tham gia EVFTA Việt Nam sẽ có thêm nhiều cơ hội, nhất là đối với người lao động. 

Người lao động sẽ có thêm cơ hội việc làm, thêm cơ hội nâng cao kỹ năng nghề nghiệp; tăng thu nhập và phúc lợi. 

Đặc biệt, đối với nền kinh tế Việt Nam, cơ hội thu hút đầu tư nước ngoài cùng công nghệ hiện đại và phương pháp quản trị tiên tiến trong lĩnh vực logistics sẽ ngày một gia tăng.

Nguyễn Quỳnh

Danh mục tự doanh 11 tỷ USD của các CTCK đang phân bổ như thế nào?
Giá trị tự doanh toàn ngành chứng khoán đã vượt mức 11 tỷ USD tại cuối 2024. Đa số các công ty ghi nhận FVTPL chiếm tỷ trọng lớn nhất cơ cấu mảng tự doanh. Trong khi đó, MBS, ACB chủ yếu phân bổ tại HTM, còn Vietcap, TBCS tiếp tục ghi nhận phần lớn ở khoản AFS.