Đề xuất xây dựng 8 trung tâm logistics tại TP HCM
Chiều 5-12, Sở Công thương phối hợp Viện Nghiên cứu và phát triển logistics Việt Nam (VLI) cùng các sở ngành, các doanh nghiệp hàng đầu tại TPHCM tổ chức hội thảo cuối kỳ Đề án Phát triển ngành logistics trên địa bàn TP đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Theo nhận định của ông Phạm Thành Kiên, Giám đốc Sở Công thương TPHCM, từ nay đến năm 2025, TPHCM vẫn giữ vững vai trò là trung tâm phân phối, cung ứng hàng hóa lớn nhất phía Nam. Tuy nhiên, để ngành logistics phát triển bền vững, tránh tình trạng phát triển tự phát, mạnh ai nấy làm thì cần phải có một đề án phát triển tổng thể.
Theo đó, đề án bám sát các chủ trương, định hướng quy hoạch tổng thể về kinh tế - xã hội của TPHCM đến năm 2030.
Mục tiêu cơ bản của đề án là đánh giá toàn diện thực trạng ngành logistics TP, nghiên cứu kinh nghiệm các nước để đề xuất giải pháp phát triển logistics trở thành ngành dịch vụ mũi nhọn của TP, trở thành đầu mối logistics của khu vực; góp phần kéo giảm chi phí logistics Việt Nam xuống còn 16% GDP vào năm 2025.
Đi vào cụ thể, bà Hồ Thị Thu Hòa, Viện trưởng Viện VLI, cho biết, để thực hiện hội thảo cuối kỳ, nhóm nghiên cứu đề án đã khảo sát 8 địa điểm dự kiến hình thành các trung tâm logistics trên địa bàn TPHCM, trên cơ sở đó đánh giá điểm mạnh, điểm yếu của từng vị trí, gồm KCN Đông Nam (xã Phú Hòa, huyện Củ Chi).
Khu cảng Tân Kiên (ấp 3, Tân Kiên, huyện Bình Chánh); KCN Cát Lái (phường Thạnh Mỹ Lợi, quận 2); Khu ICD Long Bình (phuờng Long Bình, quận 9); Khu ICD Củ Chi (xã Bình Mỹ, huyện Củ Chi); Cảng Phú Định (phường 16, quận 8) và KCN Linh Trung (phường Linh Trung, quận Thủ Đức) và khu vực dự kiến phát triển thành Trung tâm logistics tại Khu đô thị cảng Hiệp Phước (xã Long Thới, huyện Nhà Bè);
Trong 8 vị trí này, TP sẽ cân đối diện tích, khả năng kết nối hạ tầng giao thông để có thể hình thành các trung tâm logistics phù hợp với xuất khẩu hoặc đẩy mạnh phát triển phân phối nội địa.
Tuy nhiên, trong phương án lựa chọn, dự án ưu tiên đầu tư, ban nghiên cứu đề xuất 5 vị trí ưu tiên hình thành các trung tâm logistics là ICD Long Bình nằm ở phía Đông TP và gần với Đồng Nai, Bình Dương dự kiến gần 50ha; khu ICD Tân Kiên 15-20ha; KCN Cát Lái hơn 100ha; KCN Hiệp Phước trên 100ha; ICD Củ Chi 15-17ha.
Trong đó, ban nghiên cứu cũng xác định thứ tự ưu tiên triển khai như sau: giai đoạn 2020-2022 sẽ triển khai xây dựng Trung tâm logistics Tân Kiên và ICD Long Bình; giai đoạn 2022-2025 triển khai Trung tâm logistics Cát Lái giai đoạn 1, KCN Hiệp Phước và ICD Củ Chi; giai đoạn 2025-2030 triển khai Trung tâm Cát Lái giai đoạn 2 và KCN Hiệp Phước.
Về nhu cầu vốn cho phát triển ngành logistics, TPHCM cũng đề xuất khá cụ thể để phục vụ 3 mục tiêu phát triển hạ tầng logistics, hạ tầng công nghệ thông tin và đào tạo nguồn nhân lực logistics.
Theo đó, tổng nguồn vốn để phát triển ngành logistics của TP giai đoạn 2020-2030 là 9.072 tỷ đồng, trong đó vốn giai đoạn 2020-2025 là 1.136 tỷ đồng.
Để đảm bảo nguồn vốn thực hiện, ban nghiên cứu đề xuất, nên thực hiện theo mô hình đối tác công - tư PPP với 5 hình thức phổ biến là xây dựng - chuyển giao; xây dựng - cho thuê - chuyển giao; xây dựng - vận hành - chuyển giao; xây dựng - chuyển giao - vận hành và xây dựng - sở hữu - vận hành. Tùy mỗi giai đoạn và quy mô xây dựng, TP có thể lựa chọn mô hình hợp tác phù hợp.
Với hội thảo cuối kỳ lần này, nhóm soạn thảo sẽ tiếp tục lắng nghe, trao đổi, tổng hợp, phân tích số liệu và đưa thêm các ý kiến phát biểu từ phía các cơ quan chức năng, các doanh nghiệp để hoàn thành đề án trình UBND TP xem xét vào giữa tháng 12-2019.