EVFTA giúp gia tăng nhu cầu sử dụng dịch vụ logistics
Nhằm giúp các doanh nghiệp Việt Nam hiểu rõ hơn các cam kết của Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) trong các lĩnh vực ảnh hưởng tới ngành dịch vụ logistics của Việt Nam và có cái nhìn sâu hơn về cơ hội, thách thức và tác động và EVFTA mang lại, sáng 24/12, tại Hà Nội, Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ đã tổ chức hội thảo nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển logistics gắn với đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường châu Âu.
Tại hội thảo, bà Đinh Bảo Linh, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, Hiệp định EVFTA đã được ký ngày 30/6/2019 đang trong quá trình phê chuẩn nội bộ để chính thức có hiệu lực.
Do đó, dịch vụ logistics như vận tải, hỗ trợ vận tải…là những dịch vụ có cam kết đáng chú ý theo hướng mở cửa mạnh hơn đáng kể so với Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).
Hơn nữa, với tốc độ phát triển hàng năm đạt 16-20%, dự kiến EVFTA sẽ giúp gia tăng nhu cầu sử dụng dịch vụ logistics và có tác động đáng kể đến triển vọng thị trường và ngành logistics Việt Nam. Dự kiến, thời gian tới thị trường sẽ hướng về tăng trưởng xanh trong logistics (Greenlogistics).
Ông Tạ Hoàng Linh, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ cho biết, Liên minh châu Âu (EU) là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam trên thế giới sau Hoa Kỳ.
Đặc biệt, quan hệ thương mại Việt Nam-EU đã phát triển rất nhanh chóng và hiệu quả, từ năm 2000 đến năm 2018, kim ngạch xuất nhập khẩu đã tăng hơn 13,6 lần, từ mức 4,1 tỷ USD năm 2000 lên 55,8 tỷ USD năm 2018.
Đáng lưu ý, xuất khẩu của Việt Nam vào EU tăng 14,9 lần (từ 2,8 tỷ USD lên 41,8 tỷ USD) và nhập khẩu từ EU vào Việt Nam tăng hơn 10 lần (từ 1,3 tỷ USD lên 13,89 tỷ USD).
Theo ông Tạ Hoàng Linh, trước cam kết mở cửa thị trường mạnh mẽ trong EVFTA, quan hệ thương mại trong khuôn khổ hiệp định này có thể làm tăng nhu cầu vận chuyển không chỉ giữa EU và Việt Nam mà còn cả EU với Đông Nam Á.
Chính vì vậy, sau EVFTA, không chỉ có nhu cầu về vận chuyển, kho bãi tăng mà nhu cầu về vận chuyển, kho bãi và vận chuyển cũng sẽ được đặt ra, nhất là trong điều kiện ngành logistics Việt Nam và châu Âu còn rất nhiều khoảng cách.
Thống kê cho thấy, hiện Việt Nam có gần 1.500 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics và đứng thứ 39/160 quốc gia tham gia về chỉ số logistics; đứng thứ 4 trong khối ASEAN sau Singapore, Malaysia và Thái Lan.
Đặc biệt, từ năm 2017, Chính phủ Việt Nam đã xác định mục tiêu cụ thể cho ngành logistics nhằm đưa Việt Nam trở thành trung tâm logistics của khu vực vào năm 2025.
Ngoài ra, kế hoạch chính sách này đã và đang được dần hiện thực hoá với rất nhiều nỗ lực như thu hút đầu tư nước ngoài, cải cách thủ tục hải quan và hợp tác với các đối tác nước ngoài trong các dự án cơ sở hạ tầng.
Với EVFTA, dự kiến kim ngạch xuất khẩu sang các nước EU sẽ tăng mạnh trong thời gian tới, tác động tích cực đến triển vọng thị trường và phát triển của ngành logistics Việt Nam.
Ông Tạ Hoàng Linh cũng cho rằng, tự do hoá cũng sẽ mời gọi các nhà đầu tư EU cùng tham gia vào việc cung cấp các dịch vụ logistics, vận tải hàng hải khác nhau cho thị trường Việt Nam gồm các doanh nghiệp hàng hải, dịch vụ xử lý hàng hoá/container, dịch vụ lưu trữ và kho bãi.
Vì vậy, các doanh nghiệp logistics Việt Nam sẽ có cơ hội hợp tác, học hỏi và kêu gọi vốn từ các công ty đa quốc gia, các đội tàu lớn hiện đại và chiếm thị phần lớn trên thị trường logistics thế giới đến từ châu Âu.
Tại hội thảo, ông Nguyễn Cảnh Cường, Tham tán thương mại Việt Nam tại Anh chia sẻ thêm, bên cạnh những cơ hội và tiềm năng, doanh nghiệp Việt Nam cũng sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức do EVFTA mang tới.
Trong lộ trình miễn thuế, với các mặt hàng như thực phẩm, dược phẩm, thiết bị máy móc từ EU xuất khẩu sang Việt Nam, nhu cầu của các doanh nghiệp châu Âu sẽ đòi hỏi một hệ thống logistics và vận chuyển đảm bảo được các yêu cầu khắt khe về tiêu chuẩn và quy trình kiểm soát quốc tế để mọi hàng hoá của châu Âu được đảm bảo giữ nguyên chất lượng tới người tiêu dùng Việt Nam.
Riêng với mặt hàng xuất khẩu từ Việt Nam, các mặt hàng truyền thống hay các mặt hàng mới cần có sự đảm bảo tốt hơn về chất lượng bảo quản, vận chuyển đặc biệt là nhóm hàng nông sản, mây tre đan, đồ gỗ là những mặt hàng dễ bị thay đổi chất lượng do điều kiện nhiệt độ, môi trường.
Ngoài ra, với các mặt hàng có lộ trình dỡ bỏ thuế sau từ 5-10 năm , sự gia tăng nhu cầu vận chuyển có thể muộn hơn nhưng không có nghĩa là không cần sự chuẩn bị về mặt phương tiện, thiết bị hay quy trình quy chuẩn để vận chuyển các mặt hàng chu đáo, chất lượng theo cam kết trong hiệp định EVFTA.
Bên cạnh đó, sự chênh lệch giữa trình độ phát triển giữa các doanh nghiệp logistics của EU và Việt Nam sẽ tạo ra một sự cạnh tranh khốc liệt.
Doanh nghiệp Việt Nam sẽ đứng trước những thách thức không hề nhỏ bởi EU vốn rất mạnh về logistics với các công ty đa quốc gia, các đội tàu lớn hiện đại chiếm thị phần rất lớn trên thị trường logistics thế giới.
Hiện nhiều doanh nghiệp logistics EU đã có hoạt động kinh doanh ở Việt Nam. Sau EVFTA, với các cam kết mở của mạnh hơn, cạnh tranh từ các doanh nghiệp này với các doanh nghiệp Việt Nam sẽ còn lớn hơn nữa.
Để có thể đáp ứng được các nhu cầu, yêu cầu về logistics theo tiêu chuẩn chất lượng châu Âu; đồng thời nắm lấy cơ hội phát triển, sớm trở thành trung tâm logistics Việt Nam nói chung sẽ rất cần được đầu tư bài bản, nâng cao năng lực cạnh tranh trên nhiều khía cạnh: đột phá về công nghệ, nguồn lực, nâng cao kỹ năng quản lý, quy trình cũng như sự hỗ trợ về chính sách từ phía Chính phủ và các cơ quan ban ngành.
Vì vậy, các chủ doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải lựa chọn tăng trưởng hay bị thôn tính. Khi thị trường được mở rộng, các doanh nghiệp sẽ phải đối diện với gia tăng sức ép, cạnh tranh và có thể bị mất nhân lực giỏi vào tay đối thủ.
Tuy nhiên, cơ hội sẽ có nhiều, nhất là đối với người lao động. Người lao động sẽ có thêm cơ hội việc làm, thêm cơ hội nâng cao kỹ năng nghề nghiệp; tăng thu nhập và phúc lợi. Đặc biệt, đối với nền kinh tế nước ta, cơ hội thu hút đầu tư nước ngoài, cùng công nghệ hiện đại và phương pháp quản trị tiên tiến trong lĩnh vực logistics gia tăng.