|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Chân dung sếp ACB Nguyễn Khắc Nguyện: Trợ thủ của Chủ tịch Trần Hùng Huy, từng là MC nổi tiếng, soái ca đảm đang, biết chơi đàn piano

20:15 | 04/08/2021
Chia sẻ
Gần đây, Giám đốc Nhân sự ACB Nguyễn Khắc Nguyện bỗng được chú ý sau bức tâm thư động viên các banker trong thời gian cả nước đang phải phòng chống dịch bệnh COVID-19.

Sau bài tâm thư gây bão mạng xã hội, động viên các banker (nhân viên ngành ngân hàng - NV) trong thời gian cả nước đang phải thực hiện các lệnh giãn cách nhằm hạn chế sự lây lan của dịch bệnh, ông Nguyễn Khắc Nguyện, Giám đốc khối Quản trị nhân sự của Ngân hàng ACB bỗng thu hút sự chú ý trên mạng xã hội. 

Thậm chí, Chủ tịch ngân hàng ACB - ông Trần Hùng Huy cũng đã chia sẻ bài viết của ông Nguyễn Khắc Nguyện lên trang cá nhân, thay lời muốn nói tới đội ngũ nhân viên.

Chân dung Giám đốc nhân sự ngân hàng ACB Nguyễn Khắc Nguyện: Trợ thủ của Chủ tịch Trần Hùng Huy, từng là MC nổi tiếng, soái ca đảm đang, biết chơi đàn piano - Ảnh 1.

Giám đốc Nguyễn Khắc Nguyện (phải) và Chủ tịch ngân hàng ACB Trần Hùng Huy. (Ảnh chụp màn hình).

Dù là Giám đốc Nhân sự và cũng là trợ thủ của Chủ tịch ACB Trần Hùng Huy nhưng ít ai biết được ông Nguyễn Khắc Nguyện từng là một MC nổi tiếng trước khi gia nhập ngành ngân hàng.

MC nổi tiếng, giám khảo nhiều cuộc thi, sở hữu nhiều bằng cấp, nói tiếng Anh thông thạo

Ông Nguyễn Khắc Nguyện sinh năm 1980 tại Bạc Liêu. Năm 2001, ông tốt nghiệp ngành Quản trị Kinh doanh Xuất nhập khẩu tại Trường Cao đẳng Kinh tế Đối ngoại (TP HCM). Sau đó, ông tiếp tục theo học bằng cử nhân chuyên ngành Tài chính - Tiền tệ - Ngân hàng tại Trường ĐH Kinh tế TP HCM.

Năm 2005, ông Nguyện lấy bằng thạc sĩ chuyên ngành Kinh doanh Quốc tế của ĐH Kỹ thuật Curtin (Úc). Sau khi trở về Việt Nam, ông Nguyện tham gia giảng dạy tại trường Đại Học Kinh Tế, chuyên ngành Ngân hàng.

Năm 2006, ông Nguyện bắt đầu sự nghiệp tại ACB với vị trí Chuyên viên thương mại ngân hàng (Commercial Banking Executive). Một năm sau đó, ông lên giữ chức Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ chuyển tiền Western Union. 

Chưa đầy một năm sau, ông Nguyện trở thành trợ lý của Phó Chủ tịch, cũng trong thời gian này, ông kiêm luôn công việc tổ chức các lớp đào tạo nhân sự cấp cao cho Ngân hàng ACB.

Trước khi trở thành Giám đốc Nhân sự tại ACB vào năm 2017, ông Nguyễn Khắc Nguyện từng kinh qua một số vị trí cấp cao của ngân hàng như Giám đốc Truyền thông Nội bộ, Giám đốc Truyền thông và Thương hiệu, Phó Giám đốc Nhân sự.

Chân dung Giám đốc nhân sự ngân hàng ACB Nguyễn Khắc Nguyện: Trợ thủ của Chủ tịch Trần Hùng Huy, từng là MC nổi tiếng, soái ca đảm đang, biết chơi đàn piano - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Khắc Nguyện từng là MC và giám khảo tại nhiều cuộc thi trên sóng VTV. (Ảnh: VTV).

Đáng chú ý, từ năm 2002, ông Nguyện đã bắt đầu đi dẫn chương trình trước khi bén duyên với ngành ngân hàng. Với lối dẫn tự tin cùng khả năng dẫn song ngữ Việt - Anh, MC Khắc Nguyện là cái tên quen thuộc đối với nhiều khán giả xem truyền hình.

Ông Nguyện từng là người chủ xị cho talkshow "Kinh tế Tài chính" hàng tuần của đài HTV. Ngoài ra, Giám đốc Nhân sự ACB cũng từng xuất hiện trên sóng đài truyền hình quốc gia VTV với vai trò MC của chương trình Rubic Online. Thêm nữa, ông Nguyện từng ngồi vị trí giám khảo chương trình Cầu Vồng - một chương trình tìm kiếm gương mặt MC mới của VTV hay chương trình "Người Được Chọn" về nội dung tuyển dụng nhân sự.

Bên cạnh đó, khán giả truyền hình có lẽ đã quen với hình ảnh ông Nguyễn Khắc Nguyễn đứng dẫn cùng nhiều hoa hậu nổi tiếng trong các chương trình như Hoa hậu Hoàn vũ 2008, Hoa hậu Việt Nam 2014...

Đời tư kín tiếng, thích du lịch, thường chơi đàn piano và nấu ăn

Trên trang cá nhân, ông Nguyễn Khắc Nguyện thường đăng tải hình ảnh về những chuyến du lịch, clip chơi đàn, chạy bộ, bắn cung hay thói quen nấu ăn của mình. Tình trạng quan hệ - hôn nhân cũng không được chia sẻ. Là trợ thủ đắc lực và thường xuyên xuất hiện bên cạnh Chủ tịch Trần Hùng Huy, ông Nguyện cũng có khá nhiều sở thích giống vị sếp của mình.

Bức ảnh vào bếp trong thời gian giãn cách gây bão mạng xã hội của Chủ tịch ACB Trần Hùng Huy (trái) và hình ảnh vào bếp thường ngày của Giám đốc Nhân Sự Nguyễn Khắc Nguyện. (Ảnh: Facebook nhân vật).

Đáng chú ý, Chủ tịch Trần Hùng Huy cũng từng chia sẻ về niềm đam mê của mình với bộ môn Piano. Ông Huy từng viết trên trang cá nhân: "Hơn 32 năm trước, ôm ấp ước mơ được con đàn cho nghe mỗi tối, ba mẹ đã bán ngôi nhà đầu tiên với bao kỷ niệm để chỉ đủ tiền mua cho thằng con cây đàn piano khi nó thi vào Nhạc Viện thành phố. 

Ước mơ thật khó thành hiện thực khi người ta có năng khiếu âm nhạc, bắt đầu từ số O, thì nó lại bắt đầu từ .. số âm! Sự nghiệp học piano lại bị gián đoạn vài năm sau đó, không hoàn thành được ước mơ của ba mẹ."

Chân dung Giám đốc nhân sự ngân hàng ACB Nguyễn Khắc Nguyện: Trợ thủ của Chủ tịch Trần Hùng Huy, từng là MC nổi tiếng, soái ca đảm đang, biết chơi đàn piano - Ảnh 5.

Màn góp giọng cực chất của bộ ba nhân sự cấp cao tại ngân hàng ACB (từ trái qua phải): Phó Giám đốc khối Khách hàng doanh nghiệp - Nguyễn Hoài Phương, Chủ tịch Trần Hùng Huy và Giám đốc Nhân sự Nguyễn Khắc Nguyện. (Nguồn: Ảnh chụp màn hình).

Ngoài ra, năm 2018, ông Nguyễn Khắc Nguyện từng "gây bão" mạng xã hội khi khoe giọng ca và vũ đạo trước đông đảo nhân viên của ACB trong sự kiện kỷ niệm 25 năm thành lập ngân hàng. 

Trong màn biểu diễn hôm đó, có sự góp giọng và trình diễn của Chủ tịch ACB Trần Hùng Huy cùng Phó Giám đốc khối Khách hàng doanh nghiệp Nguyễn Hoài Phương. Màn biểu diễn đã thu hút sự chú ý trên mạng xã hội cùng nhiều bình luận tán dượng dành cho bộ ba này.

Trong thời gian TP HCM thực hiện giãn cách xã hội, ông Nguyễn Khắc Nguyện vẫn duy trì những thói quen tốt như nấu ăn, chạy bộ, chơi đàn. Gần đây, ông Nguyễn chia sẻ màn khởi động chào tháng 8 với 10 km chạy bộ.

Nguyên văn tâm thư của Giám đốc Nhân sự Ngân hàng ACB Nguyễn Khắc Nguyện:

"Gửi bạn đồng nghiệp Banker

Hôm nay là ngày nặng nề, có quá nhiều thứ khiến chúng ta mang cảm giác này: điều phải tiếp tục, điều vẫn phải chấp nhận dù không ngờ tới, điều không cần thiết nhưng vẫn phải đối diện…

Giờ mỗi ngày chúng ta làm việc không chỉ là mưu sinh, mà vì việc chúng ta là thiết yếu, khi mọi thứ tạm ngừng lại để ưu tiên sinh tồn thì chúng ta vẫn cần giữ hoạt động liên tục, vì nghiệp chúng ta mang mệnh huyết mạch. (Bạn nhớ không có lúc nợ xấu ngành người ta gọi là mấy cục máu đông của nền kinh tế đó?!)

Hôm qua có bạn làm ở phòng giao dịch khoe trên mạng rằng bộ đồng phục và cái thẻ đeo nhân viên ngân hàng khiến việc "thông chốt" trở nên nhanh chóng gọn gàng hơn hẳn, vì ai cũng biết nhân viên ngân hàng vẫn "đi làm" theo phân công xã hội. Giờ mỗi ngày con số thương vong còn gây ám ảnh hơn chỉ tiêu kpi, khi canh nhịp F0-F1 còn cực hơn canh số hợp đồng bảo hiểm kí mới,… thì thật sự nỗi chênh vênh "hiện sinh" của chữ banker càng thấm thía nỗi niềm giữa chúng ta với nhau.

Mấy hôm nay "hoạt động liên tục" có nghĩa là sự phân công chỗ nào hoạt động và chỗ nào an toàn để hoạt động, người nào cần trụ vững tiền tuyến, ai là người phòng thủ để chi viện khi tuyến trước cần bổ sung… Lúc này là lúc "trước" không phải là được ưu tiên, "sau" không hẳn là ưu ái. Trước và sau gắn liền với nhau trong sự phân công tiền tuyến hậu phương, tiến và thủ. Chúng ta hiểu rõ nhau, những ngày này đi làm ko chỉ vì lương, và ở nhà không có nghĩa là ngưng làm việc. Cho nên chẳng có cớ gì chúng ta lại để những gợn sóng suy tư sai tần số làm phân rã sự vững vàng của chúng ta.

Ở nhà, ở yên tại chỗ, là vì mai đây cần chúng ta thay kíp trực, ngân hàng cần có những đội liên tục nối nhau duy trì hoạt động phục vụ. Đi làm mỗi ngày càng vững vàng hơn khi biết trong mọi tình huống, sẽ luôn có anh chị em chung vai tiếp nối giữ nhịp công việc với mình.

Ở đâu, vị trí, thứ tự nào trong chuỗi hoạt độnh cũng vậy, chúng ta cần vững tin mình làm điều có giá trị xã hội, và cần giữ vững lòng tin ở những đồng nghiệp - trong tình thế này gọi lại là những đồng đội - vì chúng ta là một đội phối hợp.

Một mai khi qua nỗi khó này, hãy để chúng ta tự hào vì "cùng nhau, tin nhau" chứ không phải cảm giác ê chề mất mác vì để nỗi sợ, nỗi nghi ngại lấn át cả tình cảm và lý trí của mình, bỏ qua thiên chức nghề v nghiệp mà ít nhiều gì mình đã chọn dấn thân.

Thời gian này, có thể không cần phải ở chung chỗ, mà hãy giữ vững vị trí của mình trong đội hình "chiến đấu", vì chúng ta biết rằng kiểu gì cả đội sẽ lại sớm gặp nhau ở đích đến, vào một ngày Sài Gòn mình lại ngược xuôi phố xá người không ngại ngần qua….

Be safe and stable!"

Thùy Trang