Chân dung ông chủ trạm BOT Tasco Quảng Bình và loạt dự án BT, BOT của Tasco
Người dân địa phương phản đối việc thu phí tại trạm BOT Tasco Quảng Bình. (Ảnh minh họa) |
Mới đây, hàng trăm tài xế đã tập trung tại trạm thu phí Tasco trên Quốc lộ 1A đoạn qua địa phận xã Quảng Phú (huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình) để phản đối việc người dân phải đóng phí cả tuyến đường. Tài xế dùng tiền lẻ để mua vé, nhiều ô tô còn dán dòng chữ “đề nghị miễn giảm phí qua trạm cho người dân địa phương” trên cabin xe khiến đoạn đường bị ách tắc nghiêm trọng vào gần trưa ngày 5/11.
Trước đó, người dân địa phương đã nhiều lần phản ánh vấn đề này với chủ đầu tư và cơ quan chức năng nhưng chưa được giải quyết. Tại buổi đối thoại với chủ đầu tư trong sáng ngày 5/11, người dân đề nghị phải có chính sách miễn giảm phí cho các phương tiện của người dân địa phương (miễn phí 100% đối với xe dưới 9 chỗ, giảm giá cho xe tải trên 2 tấn và trên 12 chỗ...). Đáp lại, chủ đầu tư cho biết đã xin ý kiến chỉ đạo việc miễn giảm phí cho phương tiện tại địa bàn 7 xã của huyện Quảng Trạch, tuy nhiên người dân vẫn chưa đồng tình với ý kiến này.
Chủ đầu tư trạm thu phí Tasco là Công ty cổ phần Tasco (HUT) do ông Phạm Quang Dũng làm Chủ tịch HĐQT.
Ông Phạm Quang Dũng sinh năm 1954, nguyên quán tại Nam Định và hiện đang sống tại Hà Nội. Ông Dũng có trình độ cử nhân ngành Quản trị kinh doanh, ngoài là Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tasco, ông còn là Phó Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Thăng Long - CTCP (TTL).
Tại Tasco, tính đến tháng 8/2017, ông Dũng đang nắm giữ gần 21,7 triệu cổ phiếu, chiếm tỷ lệ 8,64%, tương đương với giá trị 229,9 tỷ đồng. Ngoài ra, vợ ông là bà Trần Thị Cúc giữ gần 97.400 cổ phiếu, trị giá 1 tỷ đồng; hai con gái và con trai ông cũng giữ tổng giá trị 1 tỷ đồng vốn tại HUT.
Tính đến thời điểm tháng 6/2015, công ty đã trải qua 11 lần tăng vốn điều lệ với số vốn 1.284 tỷ đồng, hiện tại mức vốn điều lệ của doanh nghiệp khoảng 2.510,6 tỷ đồng.
Địa chỉ trụ sở của Tasco hiện tại ở tầng 4, tòa nhà M5, số 91 Nguyễn Chí Thanh, Láng Hạ, Đống Đa, Hà Nội. CTCP Tasco vốn là một doanh nghiệp nhà nước, thành lập từ năm 1971 với tên gọi Đội cầu Nam Hà, lĩnh vực hoạt động ban đầu là xây dựng hạ tầng giao thông.
Đến nay, ngành nghề kinh doanh chính của công ty gồm: xây dựng dân dụng, công nghiệp, giao thông, thủy lợi, hạ tầng kỹ thuật, san lấp mặt bằng; xây lắp điện, nước; sản xuất, mua bán vật liệu xây dựng, cấu kiện bê tông đúc sẵn; tư vấn giám sát công trình dân dụng, công nghiệp, giao thông, thủy lợi; xây dựng công trình điện, sản xuất điện, đại lý bán điện...
Những dự án BOT, BT, BOO Tasco đang sở hữu
Chia theo lĩnh vực, Tasco hiện đầu tư ở ba lĩnh vực chính là đầu tư bất động sản, đầu tư hạ tầng giao thông và đầu tư y tế. Trong đó, riêng ở lĩnh vực đầu tư hạ tầng giao thông, Tasco có nhiều dự án đầu tư theo hình thức BOT, BT và BOO, bao gồm việc xây dựng nhiều tuyến đường huyết mạch và các trạm thu phí tự động quy mô toàn quốc. Cụ thể, công ty đã và đang đầu tư vào 7 dự án giao thông.
Đầu tiên phải kể đến chính là dự án đang gây ầm ĩ dư luận hiện tại - trạm BOT Tasco Quảng Bình. Dự án có tên đầy đủ là dự án xây dựng cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 1 theo hình thức hợp đồng BOT, thực hiện trên địa bàn huyện Bố Trạch và Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình. Tổng chiều dài tuyến 31,5 km, mặt cắt ngang 20,5m; tổng mức đầu tư 2.004 tỷ đồng và đã hoàn thành từ hồi tháng 6/2015.
Dự án xây dựng cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 1 theo hình thức hợp đồng BOT - trạm BOT Tasco Quảng Bình. (Ảnh: Taric.com.vn) |
Cũng trong năm 2015, Tasco đã hoàn thành Dự án xây dựng công trình nâng cấp đường tỉnh 39B Thái Bình theo hình thức hợp đồng BT. Dự án được thực hiện tại Kiến Xương, Thái Thụy, Thái Bình; tổng chiều dài tuyến 28,9 km, mặt cắt ngang 12 - 33m với tổng mức đầu tư 1.882 tỷ đồng.
Đến năm 2016, công ty tiếp tục hoàn thành Dự án xây dựng tuyến đường từ đường Lê Đức Thọ đến đường 70 theo hình thức hợp đồng BT. Dự án này thuộc địa phận Mỹ Đình, Nam Từ Liêm, Hà Nội; tổng chiều dài tuyến đường khoảng 3,5 km, mặt cắt ngang rộng 50m và tổng vốn đầu tư 1.543 tỷ đồng.
Trước đó, Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ mới đoạn Phủ Lý - Mỹ Lộc trên địa bàn tỉnh Nam Định và tỉnh Hà Nam; tổng chiều dài 21 km, mặt cắt ngang từ 24 - 48m; tổng mức đầu tư 3.801 tỷ đồng đã được Tasco hoàn thành từ tháng 12/2013.
Trong năm 2017, công ty thực hiện và dự kiến hoàn thành hai dự án. Đầu tiên là Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 10 đoạn qua thành phố Hải Phòng theo hình thức hợp đồng BOT; tổng chiều dài tuyến 30 km, mặt cắt ngang 20,5m; tổng mức đầu tư 2.815 tỷ đồng.
Thứ hai là Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 10 đoạn qua tỉnh Thái Bình theo hình thức hợp đồng BOT. Địa điểm xây dựng dự án là huyện Vũ Thư và thị trấn Đông Hưng, tỉnh Thái Bình; tổng chiều dài tuyến 12 km, mặt cắt ngang 24m; tổng mức đầu tư 1.100 tỷ đồng.
Ngoài ra, Tasco còn đang đổ vốn đầu tư cho 28 trạm thu phí tự động không dừng trên toàn quốc theo hình thức hợp đồng BOO, với tổng mức đầu tư 1.524 tỷ đồng. Các trạm thu phí tự động này sử dụng dịch vụ thu phí tự động đường bộ VETC, áp dụng công nghệ RFID (Radio Frequency Identification) dùng sóng radio để nhận diện tự động phương tiện xe cơ giới, thông qua thẻ định danh VETC dán trên phương tiện.
Sắp ‘chia tay’ mảng BOT, hơn 4.000 tỷ đồng nợ vay dài hạn của Tasco có đáng lo?
Được xem là một trong những doanh nghiệp gạo cội trong lĩnh vực đầu tư hạ tầng, đặc biệt là BOT, thế nhưng Tasco lại ... |