|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

CGV chuyển sang bói bài Tarot trên YouTube khi các rạp phim đóng cửa

07:32 | 04/06/2021
Chia sẻ
Do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, nhiều rạp phim đã bị buộc phải đóng cửa nhằm phục vụ công tác phòng dịch. Trong thời điểm hoạt động kinh doanh bị đóng băng do dịch bệnh, hãng chiếu phim CGV đã có động thái "chuyển đổi số" hoạt động kinh doanh.

Theo khảo sát của chúng tôi, CGV là chuỗi rạp chiếu phim duy nhất đến thời điểm hiện tại có những hoạt động giữ sự tương tác với khách hàng trong thời điểm rạp chiếu bị đóng băng. 

Cụ thể, trang YouTube của CGV bình thường chỉ đăng tải các trailer của phim sắp chiếu, cảnh quay ngắn được cắt ra từ phim đang chiếu hoặc MV nhạc phim, nay đã có thêm nhiều mục mới như xem bói bài Tarot, serie mukbang nửa đêm, loạt clip dạy DIY tự làm đồ handmade tại nhà.

CGV chuyển sang bói bài Tarot trên YouTube khi rạp phim không thể kinh doanh - Ảnh 1.

Kênh YouTube của CGV Cinemas Việt Nam chuyển sang sáng tạo những nội dung khác ngoài phim ảnh (Ảnh chụp màn hình)

Trong khi, CGV đang có những nỗ lực "chuyển đổi số" trong hoạt động kinh doanh giữa thời điểm rạp chiếu bị đóng băng do ảnh hưởng của dịch bệnh thì các chuỗi rạp chiếu khác như BHD cinema, Beta cineplex hay Galaxy cinema, Lotte cinema vẫn khá im ắng, không có động tĩnh gì.

CGV là chuỗi rạp chiếu phim đa quốc gia lớn nhất tại Hàn Quốc, thuộc sở hữu của tập đoàn CJ. Ngoài thị trường nội địa, CGV còn có các chi nhánh trên toàn cầu, trong đó có Việt Nam.

Theo VOV đưa tin, vào giữa tháng 5, các doanh nghiệp điện ảnh Việt Nam đã gửi văn bản trình Thủ tướng Chính phủ, Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước về việc hỗ trợ cho doanh nghiệp điện ảnh vượt qua khó khăn vì đại dịch COVID-19.

Trong đó có dấu ký tên của doanh nghiệp chiếu phim và phát hành phim lớn của Việt Nam và nước ngoài bao gồm Thiên Ngân, BHD, CGV và Lotte Cinema.

Từ tháng 2/2020 đến nay, tình hình càng trở nên trầm trọng khi tất cả hoạt động vui chơi giải trí, rạp chiếu phim phải đóng cửa nhằm nỗ lực ngăn chặn đại dịch theo các chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và chỉ đạo của các tỉnh thành.

Trong giai đoạn này, doanh thu từ hoạt động chiếu phim và phát hành phim của các doanh nghiệp điện ảnh gần như bằng 0, trong khi vẫn phải gánh các chi phí như tiền thuê mặt bằng, lương và phúc lợi cho nhân viên. Với tình trạng này, các doanh nghiệp dù lớn hay nhỏ đều có thể bị phá sản, kéo theo sự suy thoái của ngành điện ảnh.

Vì vậy, trong văn bản, các doanh nghiệp điện ảnh kiến nghị Thủ tướng Chính phủ và Bộ ngành có những chính sách hỗ trợ trực tiếp cho các doanh nghiệp điện ảnh nhằm tạo động lực để các doanh nghiệp tiếp tục nỗ lực vượt qua giai đoạn khó khăn.

Thùy Trang