|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

CGV muốn hủy hợp đồng thuê mặt bằng, lấy lại cọc vì vắng khách mùa dịch

14:48 | 06/05/2021
Chia sẻ
Rạp chiếu phim CGV Lapen Center tại Vũng Tàu đã ngừng hoạt động từ cuối năm 2020.

Trên website chính thức, chuỗi CGV đã gạch tên Lapen Center khỏi danh sách các địa điểm rạp chiếu phim của mình. Trước đó, CGV Lapen Center là một trong hai rạp thuộc chuỗi CGV tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu bên cạnh CGV Lam Sơn Square.

Trên thực tế trong dịch COVID-19, điện ảnh là một trong những mảng kinh doanh chịu ảnh hưởng lớn. Nhà sản xuất gặp khó khi phải hoãn chiếu trong khi rạp chiếu phim đối mặt với tình trạng ngừng hoạt động hoặc vắng khách.

Do đó việc CGV Lapen Center tại Vũng Tàu không còn nằm trong danh sách chuỗi rạp chiếu phim của CGV không phải là điều quá bất ngờ. Theo thông tin từ Tuổi trẻ Online,  CGV đã khởi kiện Công ty Lapen (đơn vị điều hành trung tâm thương mại Lapen Center tại TP Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) xung quanh việc tranh chấp hợp đồng thuê mặt bằng.

Theo nội dung đơn kiện, hợp đồng cho thuê mặt bằng tại tòa nhà trung tâm thương mại Lapen Center (TP Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) giữa CGV và Công ty Lapen được ký vào ngày 21/11/2017, thời hạn thuê là 20 năm tính từ 9/8/2018 với mục đích đầu tư xây dựng và kinh doanh rạp chiếu phim. Tiền thuê và phí dịch vụ là hơn 413 triệu đồng/tháng.

Theo CGV, khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát, hoạt động kinh doanh của rạp chiếu phim cũng như ngành giải trí đã bị ảnh hưởng nặng nề, CGV cũng không nằm ngoài ngoại lệ. Trong tình hình dịch bệnh phức tạp, nhiều hãng phim trong và ngoài nước đã hủy kế hoạch sản xuất và hoãn phát hành phim đến khi tình hình ổn định trở lại, từ đó dẫn tới tình trạng thị trường rạp chiếu phim bị thiếu hụt nguồn phim mới để thu hút người xem. 

Chưa hết, dịch bệnh COVID-19 cũng kéo theo việc người đến rạp chiếu phim giảm sút do lo ngại những nơi đông người.

CGV đổ lỗi cho COVID-19, đòi chấm dứt mặt bằng với bên cho thuê mà không cần bồi thường - Ảnh 1.

CGV khởi kiện Lapen, yêu cầu được chấm dứt hợp đồng thuê mặt bằng mà không phải bồi thường (Ảnh: Vượng Phát)

Dù hợp đồng cho thuê trước đó diễn ra rất thuận lợi nhưng CGV cho rằng hiện hoàn cảnh đã thay đổi hoàn toàn so với thời điểm ký kết hợp đồng, khi đó cả 2 bên không lường trước được vấn đề này. Với hoàn cảnh hiện tại, CGV cho rằng nếu tiếp tục hợp đồng như đã ký trước đó mà không có sự điều chỉnh thì phía CGV sẽ phải chịu thiệt hại.

Trước đó, ngày 29/10/2020, CGV đã gửi văn bản đến Lapen đề nghị đàm lại hợp đồng cho thuê nhằm tạo điều kiện giảm thiểu thiệt hại cho CGV. Theo đó, CGV đề nghị điều chỉnh cách tính tiền thuê từ ngày 1/12/2020 đến 28/2/2021, tiền thuê được cố định mức 8% doanh thu phòng vé. 

Sau 3 tháng, các bên sẽ lại tiếp tục điều chỉnh, nếu như không đạt được thỏa thuận thì cả 2 có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng mà không phải chịu bồi thường hay khoản phạt nào. Tuy nhiên, thỏa thuận này không được chấp thuận.

Lấy ly do như trên, CGV đâm đơn kiện Công ty Lapen, yêu cầu tòa án tuyên chấm dứt hợp đồng thuê kể trên giữa Lapen và CGV và CGV không có nghĩa vụ thanh toán cho Lapen bất kỳ khoản phạt hay bồi thường thiệt hại vì chấm dứt hợp đồng. 

CGV đổ lỗi cho COVID-19, đòi chấm dứt mặt bằng với bên cho thuê mà không cần bồi thường - Ảnh 2.

CGV Lapen Center Vũng Tàu hiện đã không còn khả dụng (Ảnh: Chụp màn hình).

Phía CGV cho rằng hợp đồng được chấm dứt kể từ thời điểm CGV ngừng kinh doanh tại mặt bằng tính từ ngày 2/11/2020. Chuỗi rạp từ Hàn Quốc không phát sinh nghĩa vụ thanh toán cho Lapen tiền thuê, phí dịch vụ cũng như các khoản tiền khác. 

CGV mong muốn sẽ hoàn trả cho Lapen mặt bằng và được Lapen hoàn lại toàn bộ tiền đặt cọc bảo đảm là 2,2 tỷ đồng. 

Vượng Phát