|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

CEO Wigroup: Tỷ giá sẽ tiếp tục căng thẳng trong tháng tới, chênh lệch tín dụng - huy động sẽ ở mức báo động

07:00 | 06/09/2022
Chia sẻ
CEO WiGroup dự báo mặt bằng chung lãi suất sẽ tăng khoảng 0,5 điểm % từ nay đến cuối năm do áp lực tỷ giá và chênh lệch tín dụng - huy động tăng lên mức báo động.

Tại talkshow "Dự báo kinh tế vĩ mô Việt Nam cuối năm 2022",  Founder & CEO WiGroup, ông Trần Ngọc Báu dự báo mặt bằng chung lãi suất sẽ tăng khoảng 0,5 điểm % từ nay đến cuối năm do áp lực tỷ giá đến thanh khoản và thị trường 2 và chênh lệch tín dụng -  huy động tăng lên mức báo động. 

Theo đó, từ năm 2013 đến nay, con số tiền gửi luôn cao hơn tín dụng, tuy nhiên đến giai đoạn này, lượng tiền gửi trong hệ thống ngân hàng bắt đầu ít hơn lượng tín dụng mà các ngân hàng thương mại cho vay ra.

"Chắc chắn điều này sẽ gây nên áp lực thanh khoản hệ thống trong trung và dài hạn. Điều này bắt buộc các NHTM phải đi huy động vốn ở nhiều kênh khác như giấy tờ có giá, thay vì huy động vốn từ người dân," ông Báu cho biết.

Ông Trần Ngọc Báu, Founder & CEO WiGroup. (Ảnh: VWA).

Số liệu do CEO Wigroup cung cấp cho thấy mặt bằng chung lãi suất của các ngân hàng lớn đã tăng khoảng 1,1 điểm %  từ 4,5% lên 5,6%. Đối với các ngân hàng nhỏ hơn, ít áp lực hơn, lãi suất tăng đâu đó khoảng 0,5 điểm %.

Trong khi đó, các ngân hàng quốc doanh muốn tăng lãi suất thì phải được sự cấp phép của NHNN, nên về cơ bản lãi suất của các ngân hàng này không đổi. Đại diện Wigroup cho rằng chính việc ghìm lãi suất của hệ thống ngân hàng TMCP Nhà nước sẽ làm chênh lệch tăng trưởng huy động và tín dụng nâng lên rất cao. 

Tổng Giám Đốc AFA Capital, ông Nguyễn Minh Tuấn cho rằng cần quan sát rất kỹ chênh lệch tăng trưởng tín dụng - huy động, tránh để xảy ra cuộc đua về lãi suất huy động.

"Nếu vai trò can thiệp về thanh khoản của NHNN không tốt ở giai đoạn này, việc hút tiền ra quá nhiều vượt trần OMO sẽ khiến các ngân hàng có xu hướng tăng lãi suất huy động lên, dẫn đến rủi ro cho thị trường tài chính," ông Tuấn cho hay.

Tỷ giá sẽ tiếp tục căng thẳng trong vòng một tháng tới

Nói về tỷ giá, ông Báu cho rằng với chính sách diều hâu của Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), tỷ giá sẽ là vấn đề đau đầu nhất của NHNN. Nguyên nhân gây ra căng thẳng tỷ giá là chênh lệch lãi suất giữa Việt Nam và Mỹ ở tất cả kỳ hạn, từ kỳ hạn ngắn như qua đêm đến kỳ hạn dài. Tại tất cả kỳ hạn này, lãi suất đều có xác xuất chênh lệch âm tương đối cao.

Nếu Fed trong kỳ họp sắp tới tăng lãi suất 0,75 điểm %, thì sẽ gây ra áp lực lên nhà điều hành phải tiếp tục nhấc nền lãi suất thị trường 2 lên. Theo ông Báu, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ tiếp tục bán USD để can thiệp vào thị trường. Trong hai tháng qua, NHNN đã phải tiếp tục bán ra thêm 5 tỷ USD, tức hút về khoảng 120.000 tỷ đồng.

Đồng thời, NHNN phải tiếp tục hút tiền về qua kênh tín phiếu. Chuyên gia cho rằng Việt Nam hiện nay vẫn chưa có một công cụ thực sự mạnh ngoài việc tăng lãi suất để kìm đà tăng của tỷ giá. Tỷ giá căng thẳng sẽ tiếp tục gây ra tác động ngoại lai, ví dụ như lạm phát.

Chuyên gia dự báo tỷ giá sẽ tiếp tục căng thẳng ít nhất trong vòng một tháng tới vì Fed vẫn tương đối “diều hâu” và giá cả của Mỹ sẽ giảm chậm lại trong thời gian tới. Do đó, áp lực từ hai yếu tố này sẽ khiến chỉ số DXY mạnh lên và tiếp tục gây áp lực lên tỷ giá.  

Phương Nga