|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Áp lực tỷ giá tiềm ẩn nhưng xu hướng tăng của đồng USD sẽ chậm lại trong những tháng cuối năm

15:52 | 04/09/2022
Chia sẻ
Tỷ giá vẫn đang tiềm ẩn áp lực tăng lên, đặc biệt là sau bài phát biểu "diều hâu" của ông Jerome Powell. Tuy nhiên theo các chuyên gia, xu hướng tăng có thể sẽ chậm lại trong những tháng cuối năm.

Áp lực tỷ giá gia tăng

Trong nửa đầu tháng 8, giá USD trên thị trường tự do đã giảm trở lại sau khi tăng mạnh hơn 400 đồng trong tháng 7/2022, áp lực trên thị trường ngoại hối hạ nhiệt dần. Tuy nhiên, kể từ giữa tháng 8 đến nay, giá USD tự do đang có dấu hiệu bật tăng trở lại, cho thấy tỷ giá vẫn đang tiềm ẩn áp lực tăng lên.

Chỉ số USD Index (DXY) đo lường biến động đồng bạc xanh với 6 đồng tiền chủ chốt (EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF) đã đóng cửa ở mức gần cao nhất trong vòng 20 năm qua.

Theo số liệu từ SSI Research, trong tuần từ 22/8 đến 26/8, tỷ giá USDtrên thị trường liên ngân hàng đã có thời điểm bật tăng lên 23.450 VND/USD và hạ nhiệt dần về cuối tuần, kết tuần, tỷ giá được giao dịch ở VND 23.410. Tương tự, tỷ giá niêm yết tại các ngân hàng cũng tăng nhẹ. Trong khi đó, tỷ giá trên thị trường tự do đi ngang, hiện đang giao dịch ở 24.060 - 24.160 VND/USD

“Áp lực lên tiền đồng vẫn tương đối lớn khi nguồn cung ngoại tệ trong năm nay không còn quá tích cực như kỳ vọng, trong khi đó đồng USD vẫn đang có xu hướng mạnh lên. Do vậy, chúng tôi không loại trừ khả năng NHNN có thể sẽ phải tiếp tục điều chỉnh tỷ giá bán USD”, các chuyên gia SSI Research cho biết.

Trong bối cảnh tỷ giá biến động và chịu ảnh hưởng nhiều bởi thị trường quốc tế, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã điều hành chính sách tiền tệ một cách linh hoạt trên kênh liên ngân hàng nhằm giảm áp lực tới tỷ giá.

NHNN đã bán giao ngay một khối lượng lớn USD trong dự trữ ngoại hối khi áp lực về tỷ giá tăng dần trong bối cảnh đồng USD có xu hướng mạnh lên.

Bài phát biểu "diều hâu" trong tuần cuối cùng tháng 8 của Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã tác động khiến đồng USD trở lại mức cao.

Theo ông Powell, nền kinh tế Mỹ sẽ cần chính sách tiền tệ thắt chặt trong một thời gian trước khi lạm phát được kiểm soát, đồng nghĩa với việc sẽ có tăng trưởng chậm hơn, thị trường việc làm yếu hơn và một số “nỗi đau" đối với các hộ gia đình và doanh nghiệp.

Bài phát biểu của ông nhằm chống lại lạm phát, nhưng không giải quyết được cuộc tranh luận về mức độ tăng lãi suất có thể xảy ra tại cuộc họp tháng 9 tới. 

  Chủ tịch Fed Jerome Powell. (Ảnh: Reuters). 

Nhiều yếu tố hỗ trợ tiền đồng trong nửa cuối năm

Theo báo cáo vĩ mô tháng 8 của VNDirect, có một số yếu tố hỗ trợ tiền đồng trong nửa cuối năm 2022 bao gồm dòng vốn FDI mạnh hơn, thặng dư thương mại cải thiện, dự báo đạt khoảng 7,2 tỷ USD vào năm 2022), thặng dư cán cân thanh toán, dự trữ ngoại hối cao (tương đương 3,6 tháng nhập khẩu)

Chuyên gia VNDirect kỳ vọng xu hướng tăng của tỷ giá USD/VND sẽ chậm lại trong nửa cuối năm 2022, với dự báo tỷ giá USD/VND sẽ duy trì trong khoảng 22.900 - 23.300 VND/USD vào cuối năm 2022, tương ứng với mức tăng không quá 2% so với cuối năm 2021.

Đồng quan điểm, các chuyên gia của Chứng khoán Tiên Phong (TPS) kỳ vọng áp thời gian tới áp lực lên tỷ giá sẽ được giảm bớt nhờ đồng USD suy yếu, giải ngân FDI tiếp tục tăng, lượng kiều hối và khách du lịch tăng. Cùng với đó, xu hướng di dân ở một số quốc gia có lạm phát cao, đồng tiền mạnh hơn sang Việt Nam để tránh lạm phát cũng góp phần làm cho đồng USD dồi dào hơn.

 

Mặc dù vậy, tỷ giá vẫn là vấn đề trọng yếu mà các nhà điều hành đang chú trọng trong bối cảnh hiện nay. Tại chương trình WeTalk "Triển vọng thị trường tài chính, cơ hội và thách thức", ông Trần Ngọc Báu, Founder & CEO WiGroup, nhấn mạnh rằng tỷ giá mới là vấn đề khiến NHNN đau đầu chứ không phải là lạm phát.

Theo ông, khi Fed tăng lãi suất thì dòng vốn (capital flow) sẽ bị ảnh hưởng nặng. Nếu mở cửa dòng vốn thì sẽ kích hoạt "bộ ba bất khả thi" đó là mở cửa dòng vốn, ổn định tỷ giá, độc lập chính sách tiền tệ.

"Nếu dự trữ ngoại hối đủ mạnh thì chúng ta có thể vừa mở cửa dòng vốn, vừa ổn định tỷ giá và vừa nới lỏng tiền tệ. Nhưng với việc trong 2- 3 tháng NHNN đã bán ra hơn 10% dự trữ ngoại hối thì không thể nào lấy dự trữ ngoại hối ra để sử dụng tiếp được", ông Báu phân tích. Do đó, chúng ta chấp nhận tỷ giá biến động và tiếp tục chính sách nới lỏng hay  thắt chặt theo Fed để kiểm soát tỷ giá. 

Tuy vậy, theo các chuyên gia của Chứng khoán KB (KBSV), trong ngắn hạn, NHNN sẽ tiếp tục sử dụng đồng thời hai công cụ là dự trữ ngoại hối và phát hành tín phiếu trên hoạt động thị trường mở để ổn định tỷ giá trước những cú sốc bên ngoài như lạm phát neo cao khiến các ngân hàng trung ương lớn tiếp tục nâng lãi suất, thu hẹp không gian chính sách nới lỏng tài khoá và tiền tệ, đặc biệt là Fed.

Huyen Vi