|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

CEO Viet Valey Ventures: Tôi không đánh giá cao startup Việt

07:16 | 04/11/2021
Chia sẻ
"Tôi không đánh giá cao chất lượng của các startup Việt Nam. Ở những thị trường, chúng tôi có chi nhánh như Indonesia, Philippines thì tôi nhìn thấy các chỉ số của Việt Nam mình còn thua xa", ông Nguyễn Khánh Trình, CEO Viet Valey Ventures, Chủ tịch CleverGroup chia sẻ.

Trong buổi "Talkshow Cơ hội cho shark và startup trong bối cảnh bình thường mới" do tạp chí Kinh Tế Sài Gòn Online tổ chức, khi bàn về thuận lợi và khó khăn của quỹ đầu tư nội trong cạnh tranh tìm kiếm cơ hội đầu tư so với quỹ ngoại, ông Nguyễn Khánh Trình, CEO Viet Valey Ventures, Chủ tịch CleverGroup chia sẻ:

"Khi có thêm quỹ thì sẽ tạo thêm cơ hội cho các startup. Tôi tham gia một vài vụ, có những startup có tới 3-4 đề nghị, khá mệt mỏi", Ông Trình cho rằng lợi thế của quỹ đầu tư nội là khoảng cách, dễ tiếp cận với các startup hơn. 

"Thực ra, bạn nào hiểu chuyện thì sẽ dễ dàng chấp nhận đề nghị từ các quỹ nội như của tôi hay anh Bình (Shark Bình) nhưng có nhiều bạn rất cứng đầu, chỉ quan tâm ai trả giá cao hơn", ông Trình chia sẻ về sự đồng cảm startup Việt với các quỹ nội.

Doanh nhân Nguyễn Khánh Trình: Tôi không đánh giá cao startup Việt - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Khánh Trình chia sẻ cảm nghĩ về startup Việt. (Ảnh minh họa: CleverGroup).

Thiếu chương trình đào tạo khởi nghiệp

Trong khi đó, ông Nguyễn Hòa Bình, Chủ tịch quỹ đầu tư Next100, Chủ tịch Tập đoàn NextTech đánh giá chất lượng startup Việt Nam đang ở mức thấp. "Lí do cốt lõi đến từ sự thiếu hụt nền tảng giáo dục, chưa trang bị cho các bạn trẻ Việt Nam kỹ năng sống và kỹ năng quản trị, thiên về quá nhiều lý thuyết và thiếu sự sát sườn với thực tế", ông Bình nói.

Shark Bình nhận định ở Việt Nam đang thiếu những chương trình đào tạo khởi nghiệp, vì thế dẫn đến việc startup Việt có năng lực thấp hơn so với mặt bằng chung của thế giới, chất lượng startup thấp. Hiện tại, theo vị cá mập, các startup Việt hầu hết thiếu năng lực quản trị.

Ví dụ, đa phần startup đều là những người làm nghề đi lên, thiếu năng lực trong quản lý, vận hành kinh doanh và ngược lại, dẫn tới năng lực tổng hòa bị yếu và thiếu startup "chất lượng tốt".

"Khi các quỹ đầu tư vào càng nhiều, dẫn tới sự cạnh tranh lớn hơn, chúng ta không có nhiều sản phẩm tốt thì giá hàng hóa bị tăng lên, không đúng với giá trị thật của hàng hóa đó nữa. Startup cũng chỉ là một loại hàng hóa thôi, sự canh tranh cao đẩy giá startup lên sẽ xuất hiện ngáo giá, ông Bình nói. Vị cá mập cho rằng chọn nhà đầu tư cũng giống như việc lấy vợ, nếu chọn sai thì khả năng thất bại sẽ cao.

"Các startup cần phải tỉnh táo vì trong giai đoạn này, kiến thức và kinh nghiệm quý giá hơn là tiền. Một quỹ ngoại có thể chào giá hơn 30-50% nhưng điều đó chưa đủ hấp dẫn so với các quỹ nội có thể giúp đỡ startup", Shark Bình khuyên startup nên trân trọng các giá trị phi tài chính.

"Nếu mà nói một cách chân thành, tôi nghĩ không nên chủ động tìm kiếm nguồn vốn đầu tư. Quan điểm của tôi vẫn là làm sản phẩm cho tốt, kinh doanh tốt để người ta tìm đến mình.

Thực tế, các deal tôi đầu tư đều là do tôi tìm đến họ. Tuy nhiên, startup là một dạng kiến thức, một môn học, nếu được dạy thì họ sẽ tránh được nhiều thất bại hơn", ông Trình cho rằng các quỹ đầu tư trong nước đã trải qua nhiều thất bại, có kinh nghiệm né tránh thất bại sẽ đưa ra những lời khuyên tốt hơn cho startup.

Nhiều startup "cứng đầu"

"Dù tôi không muốn ai đạp vào vết xe đổ của mình nhưng các cụ có câu "Chưa thấy quan tài chưa đổ lệ", đôi khi phải vấp ngã mới khôn lên được, ít người học được bài học từ người khác", CEO Viet Valey Venture chia sẻ.

Cũng từng nhìn thấy nhiều startup "cứng đầu", không nghe theo lời khuyên dẫn tới thất bại, Shark Bình bày tỏ sự đồng cảm với ông Trình. Theo vị cá mập, một trong những tiêu chí của quỹ đầu tư là tìm các starup founder có tính cởi mở, cầu thị. Đơn cử, NextTech không đầu tư vào những startup founder có cá tính mạnh, đặt cái tôi lên cao dù người đó giỏi đến bao nhiêu.

"Tôi không đánh giá cao chất lượng của các startup Việt Nam. Ở những thị trường, chúng tôi có chi nhánh như Indonesia, Philippines thì tôi nhìn thấy các chỉ số của Việt Nam mình còn thua xa", ông Trình cho biết năm 2010, thị trường quảng cáo ở Việt Nam lớn gấp đôi Indonesia nhưng đến năm 2015, Indonesia lại to gấp 3 lần Việt Nam. Các startup kỳ lân của Indonesia như Gojek xuất hiện nhiều hơn.

Lý giải điều này, Chủ tịch CleverGroup cho rằng nền kinh tế ở các nước nói trên cởi mở hơn với nhà đầu tư nước ngoài, kéo theo nguồn tiền từ Nhật, Hàn đổ vào lớn hơn. Chưa kể, doanh nghiệp của họ phát triển tốt hơn chứ không chỉ nhờ vào nguồn tiền lớn. "Tôi đánh giá chính sách dành cho startup Việt là tốt, vấn đề của chúng ta chỉ là con người", ông Trình chia sẻ.

Chủ tịch CleverGroup kiến nghị chính sách liên quan đến đầu tư nên giảm bớt thủ tục, tạo ra quy trình nhanh chóng hơn cho các nhà đầu tư, tạo điều kiện ra vào hợp lý. Ngoài ra, ông Trình mong muốn chính sách hỗ trợ về thuế không chỉ dừng lại các công ty CNTT, phần mềm mà nên mở rộng ra cho các startup công nghệ khác. Các chính sách liên quan đến thuế xuyên biên giới cần làm rõ hơn để cho những đơn vị mới vào nghề không e ngại các chính sách về thuế, ông Trình chia sẻ.

Về vấn đề cải thiện startup Việt, ông Nguyễn Khánh Trình đề xuất bổ sung thêm một vài môn học về khởi nghiệp vào trường đại học. "Thêm kiến thức thì khả năng con người sẽ tốt lên và xuất hiện nhiều công ty tốt hơn", ông Trình nói.

Thùy Trang