CEO Nguyễn Thị Lệ: Tạo ra giá trị 10 đồng cho khách hàng, tôi chỉ xin lại 1 đồng tiền công
Nguyễn Thị Lệ, giám đốc, công ty TNHH Đầu tư Phát triển Giáo dục & Thương Mại Dịch vụ Y tế Hạnh Phúc, hợp tác với Bệnh viện Mắt Việt Nhật cùng thực hiện dự án "Mắt sáng Việt Nam". Với sự hỗ trợ chuyên môn của Bệnh viện Mắt Việt Nhật, dự án chuyên đo sàng lọc tật khúc xạ mắt cho học sinh mầm non, tiểu học & THCS với mức phí 50.000 đồng một lượt. Trước khi thực hiện dự án, chị phân tích lợi ích mà khách hàng được hưởng.
Với một lẫn đo sàng lọc tật khúc xạ mắt.tại trường cho con, phụ huynh chỉ phải trả mức phí 50.000 đồng. Ảnh: Kim Cương |
Tổn thất của phụ huynh nếu không sử dụng dịch vụ
Nếu phụ huynh không sử dụng dịch vụ "Đo sàng lọc tật khúc xạ cho con ngay tại trường của con", họ có thể tới cơ sở y tế để kiểm tra mắt. Trong trường hợp đó, họ sẽ mất những chi phí sau:
Họ phải nghỉ một buổi làm (trung bình khoảng 4 tiếng). Với khoảng thời gian ấy, họ có thể tạo ra thu nhập tối thiểu 100.000 đồng.
Tiền xăng xe và phí gửi xe khoảng 20.000 đồng.
Phí khám mắt cho trẻ dao động từ 70.000 tới 200.000 đồng tùy từng cơ sở y tế.
Ngoài chi phí về tiền, phụ huynh còn có thể trải qua những yếu tố mà họ không thể định lượng - như cảm giác lo lắng về công việc mà họ chưa giải quyết, tâm trạng mệt mỏi vì chờ đợi, sự bất lực khi ai đó liên hệ vì có việc gấp nhưng không thể giải quyết.
Lợi ích của phụ huynh khi sử dụng dịch vụ
Nếu phụ huynh sử dụng dịch vụ đo sàng lọc tật khúc xạ cho con tại trường, họ sẽ hưởng lợi ích sau:
Thứ nhất, họ sẽ yên tâm nếu mắt của con bình thường.
Họ sẽ có hướng điều trị kịp thời cho con nếu con có dấu hiệu mắc tật khúc xạ - bởi phát hiện tật càng sớm thì hiệu quả của việc điều trị càng tăng.
Phụ huynh không mất thời gian cho việc đưa đón, chờ đợi con. Đây là yếu tố quan trọng với những người bận rộn.
Vì không phải đưa đón con và gửi xe, họ có thể tiết kiệm tối thiểu 50.000 đồng.
Để tăng thêm lợi ích cho khách hàng, chị Lệ còn hợp tác với các phòng khám uy tín để xếp lịch khám cho những trẻ mắc tật khúc xạ. Ngoài ra, khách hàng có thể khám lại miễn phí, nhận voucher giảm giá 100.000 đồng tại hệ thống 5 phòng khám mắt của Công ty Công nghệ Kính mắt Việt Tín.
"Chỉ tính sơ bộ tôi đã thấy bản thân mang tới nhiều giá trị cho phụ huynh. Giá trị mà tôi tạo ra cho phụ huynh là 500.000 đồng và chúng tôi xứng đáng hưởng 10% số tiền mà họ tiết kiệm được, nghĩa là 50.000 đồng. Chúng tôi bao gồm những người thực hiện dịch vụ và giáo viên, nhà trường", chị Lệ nhận định.
CEO Nguyễn Thị Lệ với máy đo sàng lọc tật khúc xạ mắt. Ảnh: Kim Cương |
Trường hợp thứ ba
Song vẫn còn một trường hợp có thể xảy ra: Phụ huynh không khám mắt cho con ở trường cũng như ở cơ sở y tế. Khi đó, ngoài việc chẳng mất thời gian và tiền bạc, những tổn thất tiềm ẩn mà họ có thể đối mặt bao gồm:
Nếu mắt trẻ không tốt, chúng sẽ học kém vì không nhìn rõ chữ trên bảng, dẫn đến tâm lý chán và sợ học. Trong trường hợp phát hiện tật muộn, có thể chúng sẽ phải đeo kính cận số cao.
Với những trẻ mắc chứng nhược thị mà phụ huynh không biết, thị lực của chúng chỉ dừng ở mức 1/10, 2/10 hay 3/10. Điều đáng lo hơn là y học không có cách nào để cải thiện thị lực cho trẻ.
Nếu trẻ mắc chứng đục thủy tinh thể hay tật đáy mắt mà phụ huynh không phát hiện sớm, nguy cơ mù có thể xảy ra.
"Việt Nam có vài chục triệu trẻ em. Khoảng 3 triệu trẻ trong số đó mất thị lực. Để con giảm thị lực trong khi người lớn hoàn toàn có thể can thiệp sớm là điều chẳng cha, mẹ nào muốn", chị Lệ nhấn mạnh.
Do giá trị mà khách hàng hưởng lớn gấp 10 lần chi phí họ phải trả, nên chị Lệ cho rằng họ sẽ thiệt nếu không sử dụng dịch vụ.
"Theo tôi, doanh nhân nên bán hàng hóa và dịch vụ với tâm thế: Khách hàng không mua là thiệt", chị bình luận.
Chị Nguyễn Thị Lệ thực hiện chương trình đo sàng lọc tật khúc xạ mắt cho trẻ mầm non và tiểu học từ tháng 4/2016. Tới nay, chị đã triển khai chương trình tại hơn 400 trường, kiểm tra hơn 50.000 học sinh và phát hiện trên 8.000 trẻ có dấu hiệu mắc tật khúc xạ mắt. Những trường này nằm ở Hà Nội, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Bắc Giang. Sắp tới, chị sẽ đưa chương trình về tỉnh Hà Nam.