CEO Loship: Khách hàng không nhận ra điểm khác biệt của chúng tôi

CEO Loship Nguyễn Hoàng Trung (ngoài cùng bên phải). (Ảnh: Loship).
“Trong giai đoạn 2021-2022, Loship đã "đốt tiền" để mở rộng mạng lưới người dùng. Điều này dẫn đến những khác biệt của Loship trên thị trường chưa được khách hàng công nhận một cách đúng đắn”, ông Nguyễn Hoàng Trung, CEO Loship chia sẻ.
Khẳng định không đốt tiền
Theo ông Trung, điểm khác biệt của Loship là miễn phí giao hàng nhưng thời gian trước, công ty đã không tận dụng và làm mạnh về câu chuyện miễn phí giao hàng. “Chúng tôi dùng công cụ khác nhiều hơn. Nói đơn giản, người dùng đến với Loship vì một vài lý do nhưng không phải vì miễn phí giao hàng”, vị CEO nói.
Lãnh đạo Loship đặt vấn đề nếu họ vẫn tiếp tục làm điều này, liệu có khác biệt gì so với đối thủ hay không? Người dùng đó vẫn là người dùng của mình nhưng cũng có thể là người dùng của ứng dụng khác.
Công ty nhận ra cần phải sửa chữa lỗi này và thắt chặt hầu bao hơn, để khách hàng dần dần nhận ra điểm khác biệt của Loship. “Đó cũng là lý do bên ngoài nhìn vào trông Loship dường như "nguội" đi so với trước”, ông Trung giải thích.
“Cho dù bạn có lớn đến đâu đi nữa, tiền luôn có giới hạn. Tiền không phải từ trên trời rơi xuống. Tuy nhiên tùy theo số tiền mà mỗi công ty đang có trong tài khoản là bao nhiêu, tự họ sẽ biết đâu là chiến lược lâu dài.
Nếu doanh nghiệp hoạch định được chiến lược tốt hơn, họ sẽ có lượng tiền nhàn rỗi trong tài khoản ngân hàng nhiều hơn. Ngay cả thời điểm khó khăn, họ vẫn sẵn sàng "hào phóng" cho khách hàng nhiều hơn. Chúng tôi là doanh nghiệp Việt và chúng tôi không ở vị trí đó”, ông Nguyễn Hoàng Trung cho biết.
Ông Trung chia sẻ thêm rằng Loship cần tự nhận thức được mình là ai, có bao nhiêu tiền ở trong túi và đâu là cuộc chơi phù hợp. Ông muốn 5 năm nữa khi nhìn lại, Loship vẫn là cái tên đang phát triển và có chỗ đứng nhất định.
Vị CEO cho biết ông không muốn 5 năm nữa Loship không còn xuất hiện trên lịch sử phát triển của ngành giao hàng nhanh tại Việt Nam. “Từ đó, chúng tôi biết đâu là nơi cần tập trung. Trong vòng một năm qua, Loship tập trung tại các thị trường thành phố nhỏ hơn”.
Tiến tới mục tiêu có lãi
Người đứng đầu hãng giao đồ ăn Việt nói rằng công ty đã biết trước và chuẩn bị được cho yếu tố "bất ngờ xấu đi" trong năm 2022 nhờ nói chuyện và tiếp xúc với nhiều đối tác nước ngoài. Loship bắt đầu kêu gọi vốn tiếp theo vào cuối năm 2021 và đầu năm 2022, chỉ trong 3 tháng đầu, công ty nhìn thấy tất cả suy nghĩ của nhà đầu tư bắt đầu xấu đi.
“Trong năm 2021, câu hỏi chúng tôi dễ bắt gặp nhất là "công ty sẽ tăng trưởng như thế nào". Nhưng sang đầu năm 2022, nhà đầu tư luôn hỏi "khi nào công ty đạt được lợi nhuận". Trong giới khởi nghiệp, nhiều người đều rỉ tai nhau rằng "mùa đông đã đến".
Mọi người đều cho rằng mùa đông khởi nghiệp của Đông Nam Á đến chậm hơn so với Trung Quốc, Mỹ và các khu vực khác khoảng 6 tháng đến một năm nhưng chắc chắn sẽ diễn ra. Chúng tôi xác định điều quan trọng nhất với mọi doanh nghiệp là bảo vệ nguồn tiền có trong tài khoản”, ông Trung chia sẻ.
Do đó, từ quý II năm ngoái, Loship đã cắt giảm toàn bộ hoạt động tiếp thị, chỉ giữ lại những hoạt động cần thiết. Ngoài ra công ty cũng cắt giảm 50% nhân sự nhưng theo từng đợt.
“Hiện tại chúng tôi chỉ còn lỗ rất rất ít, rất nhiều thành phố đã được lợi nhuận. Tính tổng thể, Loship chỉ cần một vài tháng sẽ đạt được lợi nhuận. Tôi cho rằng đây là điều nhiều công ty trong ngành chưa làm được và rất khó đạt được.
Khi đã có lợi nhuận, chúng tôi sẽ dùng chính số tiền trên để đầu tư tiếp cho hoạt động kinh doanh và phát triển thêm thị trường. Loship có thể giảm bớt sự phụ thuộc vào dòng vốn thêm ngoài và tăng khả năng tự quyết”, ông Trung khẳng định.
Hành trình khởi nghiệp của CEO Nguyễn Hoàng Trung với Loship bắt đầu từ 5 năm trước, tại một căn hộ nhỏ. Ông Trung cùng những người đồng đội nảy ra ý tưởng ban đầu về ứng dụng review ăn uống Lozi (ngày nay là công ty chủ quản của Loship) và dần phát triển nó đến bây giờ.
Ở thời điểm hiện tại, trong bối cảnh các ông lớn ngoại đang chia nhau miếng bánh giao hàng, Loship là startup Việt duy nhất bám trụ, hiện Loship đang có khoảng 2 triệu khách hàng tại thị trường Việt Nam, nơi vốn tăng trưởng nhanh nhưng cũng có mức độ cạnh tranh rất cao.
Phần lớn mảng kinh doanh của Loship hiện tại xoay quanh việc giao đồ tươi sống và các bữa ăn trưa. Loship cũng thực hiện giao hoa, dược phẩm và các đơn hàng giá trị thấp, biên lợi nhuận cao khác.
Loship cũng có một chiến lược khác do BAce Capital gợi ý. Dựa trên kinh nghiệm từ Trung Quốc, Loship bổ sung thêm tính năng trò chơi vào ứng dụng của mình, tương tự như cách Pinduoduo thêm trò chơi vào sàn thương mại điện tử.
Ông Trung hình dung mô hình mình đang theo đuổi vơi sự "đa năng" của một siêu thị, nơi người dùng không chỉ tới để mua sắm. Người dùng Loship mở ứng dụng để chơi trò chơi, thay vì mua sắm, nhưng trong lúc đó họ có thể sẽ đưa ra các quyết định mua sắm. MoMo, một trong những ví điện tử lớn nhất tại Việt Nam, cũng áp dụng chiến lược tương tự.