|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

CEO Axie Infinity đã chuyển 3 triệu USD tiền mã hoá ra khỏi hệ thống ngay trước khi công bố vụ hack tồi tệ

20:43 | 30/07/2022
Chia sẻ
Sky Mavis, công ty đứng sau Axie Infinity, xác nhận ví điện tử chuyển số tiền lớn ra khỏi hệ thống trước khi công bố vụ hack, thuộc về Trung Nguyễn, CEO người Việt của startup này.

Mùa xuân năm nay, startup đứng đằng sau hiện tượng Axie Infinity, cho biết họ vừa trải qua một vụ hack tồi tệ. Mặc dù phần lớn các trò chơi đều mang tính giải trí, lý do Axie Infinity trở nên phổ biến lại là việc cho phép người chơi trao đổi và kiếm các đồng token mã hoá có giá trị tài chính. \

Vụ hack đã khiến Sky Mavis phải đóng cửa hệ thống của mình để rút toàn bộ token ra khỏi trò chơi. Điều này cũng đồng nghĩa với việc đóng băng tài sản của người dùng trước khi họ có thể phản ứng với thông tin mới xuất hiện, theo Bloomberg.

 Axie Infinity là một hiện tượng trong mảng game mã hoá chơi-để-kiếm-tiền (play-to-earn). (Ảnh: Rest of World). 

Vài giờ trước khi thông tin về vụ hack được công bố và trò chơi “đóng băng”, một ví điện tử thuộc về Trung Nguyễn, CEO và đồng sáng lập của Sky Mavis, thực hiện một giao dịch lớn bao gồm khoảng 3 triệu USD giá trị đồng token AXS của Axie Infinity. Số tiền này được chuyển sang sàn giao dịch tiền số Binance.

Mặc dù bất kỳ ai cũng có thể nhìn thấy giao dịch này, không có cách nào để xác định các ví đứng đằng sau giao dịch đó thuộc về ai. Dù vậy, sau khi phân tích các dữ liệu công khai, ví tiền điện tử nói trên nhiều khả năng thuộc về Trung Nguyễn và Sky Mavis đã xác nhận thông tin này.

Hoạt động bất thường nói trên được thực hiện trong bối cảnh Sky Mavis đang đối mặt với nhiều căng thẳng. Trong nhiều tháng, phiên bản đầu tiên của Axie Infinity bắt đầu cho thấy dấu hiệu đi xuống và nhiều người chơi bắt đầu mất niềm tin.

Sky Mavis đang trong quá trình nỗ lực phát triển một phiên bản mới của trò chơi này thì bị hacker tấn công vào ngày 23/3 và lấy đi số tiền mã hoá có giá trị hơn 600 triệu USD. Đây là một trong những vụ tấn công lớn nhất trong lịch sử tiền mã hoá.

Bất kỳ ai biết những gì đang xảy ra sẽ muốn bán hết token trong hệ thống trước khi nó bị đóng tạm thời và chuyển token sang Binance là bước đầu tiên cần thiết để làm điều này. Dù vậy, Sky Mavis xác nhận đây không phải lý do Trung Nguyễn thực hiện chuyển tiền.

Trong email trao đổi với Bloomberg, Kalie Moore, một người phát ngôn của Sky Mavis, cho biết ông Trung đã nỗ lực để vực dậy tình hình tài chính của công ty trong khủng hoảng và phải làm điều đó theo cách mà thị trường tiền mã hoá không nhận ra và với thiện chí mang lại lợi ích nói chung cho cộng đồng Axie Infinity.

Bằng cách chuyển AXS sang sàn giao dịch, Moore nói, Sky Mavis có thể đảm bảo thanh khoản cho người dùng trong khi Sky Mavis nỗ lực phục hồi tài sản thông qua Binance.

“Thời điểm đó, Sky Mavis hiểu rằng vị thế và lựa chọn của chúng tôi sẽ tốt hơn khi chuyển nhiều AXS hơn sang Binance. Điều này giúp chúng tôi có thêm sự linh hoạt để theo đuổi các lựa chọn khác nhau khi tìm kiếm vốn/khoản vay cần thiết”, người phát ngôn Binance nói thêm. “Đội ngũ sáng lập đã chọn cách chuyển AXS từ ví điện tử này để đảm bảo những người bán khống, vốn theo dõi sát sao các ví chính thức của Axie, không thể tận dụng thông tin mới”. Người phát ngôn khẳng định tất cả các động cơ khác cho hành động này đều là “không có cơ sở”.

Sau khi thông tin nói trên được Bloomberg phát đi, CEO Sky Mavis chia sẻ nhiều dòng tweet trên Twitter để khẳng định lại quan điểm của Moore. “Công trình cả đời của tôi là Axie Infinity và cộng đồng chúng ta đã cùng nhau xây dựng”, ông viết. “Tôi nhận trách nhiệm từ vụ tấn công và sẽ coi nó là một trải nghiệm để học hỏi”.

Sky Mavis đã sớm có thêm tiền từ các nhà đầu tư. Hôm 6/4, Sky Mavis công bố đã kêu gọi thành công 150 triệu USD để đền bù người dùng và phục hồi từ vụ tấn công. Sky Mavis hiện đã mở lại hệ thống để cho phép nộp và rút tiền. Kể từ khi vụ hack được công bố, giá AXS đã giảm từ 64 USD xuống còn 17 USD.

Phân tích dữ liệu các giao dịch trước khi vụ hack Axie Infinity được công bố do chủ một kênh YouTube về game mã hoá có tên Asobs thực hiện. Asobs đã chia sẻ các tài liệu với Bloomberg và Bloomberg đã hợp tác với nhiều chuyên gia trong ngành để thực hiện các nghiên cứu độc lập và xác nhận giao dịch.

Sky Mavis cho biết công ty bắt đầu nhận diện được vụ tấn công khi một giao dịch lớn nhất bại khoảng 22 giờ trước khi công bố các phản ứng của nó. Trong giai đoạn này, một ví đã chuyển 48.838 AXS ra khỏi Ronin, mạng blockchain của Axie Infinity. Đây là một giao dịch lớn bất thường vì khối lượng giao dịch hàng ngày của Ronin trong năm nay chỉ dao động trong khoảng hơn 55.000 AXS.

Asobs bắt đầu phân tích bằng cách xác định ai là người đã thực hiện giao dịch này. Ví liên quan chỉ được định danh bởi một chuỗi ký tự bắt đầu bằng 0x113c. Dù vậy, Asobs cho rằng đây là ví điện tử của Trung Nguyen bằng cách ghép nối một số dữ liệu công khai.

Ví dụ, Asobs xác định một đợt phân phối đầu tiên đồng token cho những người có liên quan đến Axie Infinity vào tháng 11/2020 và cho rằng một số ví trong đợt phân phối này sẽ thuộc quyền sở hữu của những người sáng lập. Ví 0x113c nhận được khoản thanh toán ban đầu lớn nhất và khả năng thuộc về CEO.

Bên cạnh đó, Asobs cũng nghiên cứu một số ví khác mà anh cho là thuộc về các nhân viên của Sky Mavis vì họ nhận được AXS từ Sky Mavis thường xuyên như nhận lương. Một số ví cũng thực hiện các giao dịch lớn xung quanh khoảng thời gian ví 0x113x chuyển token ra ngoài.

Khi được hỏi về vấn đề này, Moore cho biết bà không thể xác nhận các ví này có thuộc về nhân viên Sky Mavis không. Bà nhấn mạnh các nhà thầu và đối tác kinh doanh cũng có thể nhận được token.

Nam Khánh

Chủ tịch Sacombank: Tôi không liên quan gì bà Trương Mỹ Lan, Vạn Thịnh Phát
Người đứng đầu ngân hàng nói rằng tất cả tin đồn ảnh hưởng đến ông sẽ ảnh hưởng đến Sacombank, từ đó chắc chắn ảnh hưởng đến quyền lợi của cổ đông.