|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Câu trả lời cho nông nghiệp Việt Nam nằm ở công nghệ cao?

06:00 | 05/04/2017
Chia sẻ
Với mục tiêu coi nền nông nghiệp công nghệ cao là nền tảng, Việt Nam dự kiến sẽ có 200 doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao và 10 khu nông nghiệp công nghệ cao vào năm 2020.

Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới, năm 2016, Việt Nam đã trở thành nước xuất khẩu lớn thứ năm thế giới về các nông sản như gạo, cà phê, chè, hạt điều, tiêu đen, cao su và sắn. Tuy nhiên, trong khi Việt Nam đang nâng cao tầm vóc trở thành đối tác xuất khẩu nông sản trên toàn cầu, chất lượng tăng trưởng trong ngành nhìn chung vẫn còn thấp.

Để cải thiện chất lượng và nâng cao năng lực cạnh tranh, Bộ Nông nghiệp có kế hoạch đưa ra các biện pháp khuyến khích như miễn giảm thuế hoặc giảm chi phí sử dụng đất nhằm thu hút vốn, đặc biệt là từ các nguồn đầu tư nước ngoài. Đi đầu trong xu thế này là nông nghiệp công nghệ cao và nông nghiệp sạch - hai lĩnh vực trọng tâm nhằm bắt đầu hiện đại hoá và đa dạng hoá ngành nông nghiệp của Việt Nam.

Thách thức và cơ hội với ngành nông nghiệp Việt Nam

Với quy mô nhỏ, cơ sở hạ tầng không đạt tiêu chuẩn thế giới, lượng FDI đổ vào ngành nông nghiệp tương đối thấp cho tới năm 2015. Tuy nhiên, kể từ đầu 2016, Việt Nam bắt đầu tích cực tìm kiếm các nguồn đầu tư nước ngoài trong nỗ lực tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

Trong 6 tháng đầu năm 2016, nông nghiệp Việt Nam có sự chuyển biến tích cực: tổng số vốn FDI đăng ký và bổ sung trong các lĩnh vực nông lâm ngư nghiệp tăng 86,5%, số dự án FDI tăng 62,5% so với cùng kỳ năm 2015. Các khoản đầu tư đạt 53 triệu USD, trong đó có 8 dự án mới và 8 dự án đang được bổ sung vốn mới.

Theo ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Giám đốc Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn, xuất khẩu nông sản Việt Nam sẽ có những cơ hội lớn khi hàng loạt các hiệp định thương mại tự do đã hoặc sớm được ký kết. Cũng theo ông Tuấn, đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp dự kiến sẽ tiếp tục tăng trưởng trong tương lai gần.

Sau khi kí kết hiệp định thương mại tự do toàn diện với EU, Việt Nam kỳ vọng sẽ tận dụng việc giảm thuế cũng như các lợi ích khác cho nhiều sản phẩm và dịch vụ của mình. Nhu cầu các mặt hàng nông sản của Việt Nam như hạt điều, cà phê và thủy sản vốn đã cao ở thị trường EU. Đây cũng là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam sau Mỹ.

Khi có hiệu lực vào 2018, EVFTA dự báo sẽ mang tới một làn sóng đầu tư mới từ châu Âu vào Việt Nam. Việt Nam đang hướng tới việc đẩy mạnh phát triển thị trường EU với các sản phẩm nông nghiệp của mình.

cau tra loi cho nong nghiep viet nam nam o cong nghe cao

Việt Nam dự kiến sẽ có 200 doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao vào năm 2020. Ảnh: Thuanphat.

Tái cơ cấu ngành nông nghiệp

Với mục tiêu coi nền nông nghiệp công nghệ cao là nền tảng, Việt Nam dự kiến sẽ có 200 doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao và 10 khu nông nghiệp công nghệ cao vào năm 2020.

Kế hoạch tổng thể của các khu nông nghiệp là nhằm công nghiệp hóa ngành nông nghiệp thông qua việc phân bố rõ ràng địa điểm sản xuất các sản phẩm nông nghiệp. Cụ thể, chè được sản xuất ở Thái Nguyên, Lâm Đồng và Tây Nguyên, trong khi hoa màu được trồng ở Lào Cai, Lâm Đồng, Hà Nội và TP HCM. Việc nuôi tôm sẽ tập trung ở các vùng đồng bằng sông Hồng, đồng bằng sông Cửu Long và Bắc Trung Bộ, Nam Trung Bộ và ven biển Nam Trung Bộ.

Theo các chuyên gia, các tỉnh, thành phố khác ở Việt Nam sẽ học theo mô hình tỉnh Quảng Ninh - tỉnh đã thúc đẩy quan hệ hợp tác nhà nước - tư nhân để hình thành các khu nông nghiệp công nghệ cao tại huyện Đông Triều.

Tháng 2/2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, câu trả lời cho các vấn đề của nông nghiệp ở Việt Nam nằm ở công nghệ cao. Thủ tướng cũng nhấn mạnh việc tăng giá trị gói tín dụng cho nông nghiệp công nghệ cao từ 60.000 tỷ đồng lên 100 nghìn tỷ đồng (2,63 tỷ USD lên 4,38 tỷ USD).

Triển vọng nông nghiệp giai đoạn 2016-2020

Từ năm 2013, mối quan tâm của công chúng về an toàn thực phẩm đã mở đường cho một lĩnh vực mới: nông nghiệp hữu cơ. Theo ông Lê Thanh, Chủ tịch Organic Life, các doanh nghiệp nông nghiệp phải xây dựng một chuỗi cung ứng từ sản xuất đến bán lẻ.

Hiện tại, nông nghiệp hữu cơ chỉ chiếm 0,2% diện tích đất nông nghiệp của Việt Nam. Sự thiếu thốn cơ sở hạ tầng hay các dịch vụ liên quan trong việc hỗ trợ sản xuất cũng như phân phối các sản phẩm hữu cơ là một thách thức Việt Nam đang gặp phải. Tuy nhiên, điều này cũng mang lại cơ hội cho các nhà đầu tư xây dựng và nâng cấp ngành công nghiệp này.

Với dự thảo Nghị định mới năm 2015, Bộ Nông nghiệp Việt Nam kỳ vọng rằng giá trị xuất khẩu của các sản phẩm nông nghiệp trong khu vực FDI sẽ tăng 10-15% năm 2020. Cũng theo dự kiến, FDI sẽ mang đến việc sản xuất cũng như các sản phẩm nông nghiệp chất lượng hơn.

Tại hội thảo Israel – Nguồn công nghệ cao cho phát triển nông nghiệp tại Việt Nam, Thứ trưởng Bộ NN&PTNN Lê Quốc Doanh cho biết:" Việt Nam đang đẩy mạnh việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với phát triển nông thôn. Vì vậy, cần không ngừng sáng tạo, áp dụng công nghệ cao, kỹ thuật hiện đại vào sản xuất nông nghiệp nhằm thu hẹp khoảng cách với các nước tiên tiến, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về cả số lượng lẫn chất lượng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm".

Israel tuy là một quốc gia nghèo tài nguyên thiên nhiên, phần lớn đất đai khô cằn, nhưng nhờ ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, Israel đã đạt được nhiều thành tựu to lớn về nông nghiệp và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Hiện nay, quốc gia này nằm trong top 25 nước có thu nhập bình quân đầu người cao nhất thế giới với GDP bình quân đầu người đạt gần 40.000 USD. Đặc biệt, Israel đứng đầu thế giới về năng suất và chất lượng những sản phẩm nông nghiệp.

Theo Thứ trưởng Doanh, việc học hỏi những kinh nghiệm và ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao từ Israel là một xu hướng tất yếu, mang lại nhiều lợi ích cho ngành nông nghiệp Việt Nam. Đặc biệt, Israel là một quốc gia có định hướng xuất khẩu công nghệ nên các doanh nghiệp luôn muốn tìm đối tác hoặc đầu tư ra nước ngoài.

Tô Đức