Cầu tiêu dùng tăng trưởng bằng mức trước đại dịch, yếu tố kiểm soát lạm phát thấp đã không còn
Số liệu mới nhất từ Tổng cục Thống kê cho thấy bán lẻ và dịch vụ tiêu dùng duy trì đà hồi phục. Bán lẻ tăng 9,69%. Đặc biệt, dịch vụ lưu trú, ăn uống và du lịch lữ hành tăng mạnh nhờ dịp nghỉ lễ 30/4-1/5 và xu hướng du lịch nghỉ mát đang rất tích cực trong thời gian gần đây. Hai dịch vụ này tăng lần lượt 15,75% và 34,7%.
Trong báo cáo vĩ mô mới nhất, CTCP Chứng khoán BIDV (BSC) nhận định lũy kế bán lẻ và dịch vụ tiêu dùng duy trì đà hồi phục cho thấy cầu tiêu dùng của người dân ngày càng cao, mức tăng trưởng đã tương đương với thời điểm trước đại dịch COVID-19.
Tại Diễn đàn Dự báo Kinh tế Việt Nam năm 2022-2023 tổ chức mới đây, TS. Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê giải thích vì sao năm 2022 lại lo lắng về sức ép lạm phát trong khi lạm phát các năm trước của Việt Nam đều rất thấp, năm ngoái đạt 1,84% - mức thấp nhất từ năm 2016 dù lạm phát thế giới tăng cao.
Theo ông, lạm phát năm 2021 của Việt Nam ở mức thấp nhất trong vòng 6 năm qua do nguyên nhân cơ bản là tổng cầu của nền kinh tế suy giảm rất mạnh. "Các năm 2016-2019, tổng cầu thể hiên qua tổng mức bán lẻ đều tăng trên 10%, năm 2020 tăng 1,7%, đến năm 2021 giảm mạnh 3,8%. Đây là nguyên nhân cơ bản và chủ yếu để lạm phát năm 2021 chỉ ở mức 1,84%", ông nói.
Tuy nhiên theo chuyên gia, trong năm 2022, yếu tố tổng cầu suy giảm để kiểm soát lạm phát không còn nữa khi kinh tế đang phục hồi, một loạt gói hỗ trợ đang được triển khai, tổng cầu sẽ tăng lên.
Nguyên nhân thứ hai là trong năm 2021 khi người dân chỉ chi tiêu những mặt hàng thiết yếu, chính sách tài khóa hỗ trợ rất tốt và người dân. Đây cũng là yếu tố giúp kiểm soát mức lạm phát thấp. Ông nêu cụ thể Chính phủ đã thực hiện 5 lần giảm giá điện, 2 lần giảm giá nước, miễn giảm học phí, giảm giá cước viễn thông.
Nguyên nhân thứ 3 giúp lạm phát năm 2021 ở mức thấp, theo ông là dù giá xăng dầu tăng rất mạnh nhưng với việc sử dụng linh hoạt quỹ bình ổn giá xăng dầu đã giúp Việt Nam kiểm soát được tác động của giá xăng dầu tới CPI.
Yếu tố thứ 4 được vị chuyen gia đề cập đến là năm vừa rồi, mặc dù kinh tế thế giới phục hồi mạnh do chính sách hỗ trợ của các nền kinh tế lớn, làm cho giá nguyên vật liệu đầu vào tăng mạnh, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam chuẩn bị khá tốt vật tư cho vật tư cho sản xuất. Khi giá nguyên vật liệu thế giới tăng mạnh, doanh nghiệp có sự chuẩn bị từ trước, có những giải pháp cắt giảm chi phí, giảm bớt lợi nhuận, dẫn đến không tăng giá bán sản phẩm.
Ngoài ra, theo ông chính sách tiền tệ linh hoạt, đồng bộ, hiệu quả cũng góp phần kiểm soát thành công lạm phát trong năm vừa qua,
Theo chuyên gia năm 2022, áp lực lạm phát tăng cao từ các yếu tố tác động từ lạm phát chuỗi cung ứng; thiếu hụt nguồn cung; tổng cầu tăng đột biến; thiếu hụt lao động và dự kiến tăng lương tối thiểu vùng.
Bên cạnh đó, giá xăng dầu, giá điện dự báo tăng do nhu cầu sản xuất và tiêu dùng tăng trong thời gian tới; giá lương thực gia tăng theo giá lương thực thế giới; giá thực phẩm, đặc biệt giá thịt dự báo tăng vì giá thức ăn chăn nuôi tăng do đứt gãy chuỗi cung ứng và nhu cầu tiêu dùng cuối năm tăng, cũng là các yếu tố cần lưu ý. Lạm phát của Việt Nam năm 2022 dự báo nằm trong khoảng 4% - 4,5%.
Với độ trễ của gói phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội và dự báo năm 2023 lạm phát vẫn ở mức cao so với lạm phát mục tiêu của các nền kinh tế là đối tác quan trọng của kinh tế Việt Nam, TS. Nguyễn Bích Lâm dự báo lạm phát năm 2023 của Việt Nam khoảng 5%- 5,5%.
Lạm phát cả giai đoạn 2021-2025 khoảng 4% - đạt mục tiêu kế hoạch đề ra trong kiểm soát lạm phát cả thời kỳ kế hoạch 5 năm.