|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Thị trường nhập khẩu lớn nhất gặp vấn đề, sản xuất và giá cả của Việt Nam sẽ chịu tác động mạnh

07:00 | 26/05/2022
Chia sẻ
Các chuyên gia cho rằng chính sách Zero-COVID của Trung Quốc và tăng trưởng chậm lại của nền kinh tế này sẽ tác động rất mạnh đến sản xuất và tình hình giá cả của Việt Nam.

Theo CNBC, các nhà phân tích của Goldman Sachs vừa cắt giảm dự báo GDP của Trung Quốc xuống 4% (dự báo trước đó là 4,5%, sau khi các dữ liệu chính thức trong tháng 4 chỉ ra tăng trưởng giảm tốc vì những hạn chế liên quan đến COVID-19 làm gián đoạn các hoạt động kinh doanh.

Trước đó hôm 16/5, Citigroup hạ dự báo tăng trưởng GDP của Trung Quốc trong quý II và cả năm xuống lần lượt 1,7% và 4,2%, giảm từ mức 4,7% và 5,1% trước đó. Vài ngày trước đó, JPMorgan cũng đã giảm dự báo từ 4,6% xuống 4,3%.     

Trung Quốc hiện là thị trường nhập khẩu lớn nhất, đồng thời là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam với kim ngạch xuất nhập khẩu trong năm 2021 đạt 166 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 24,81% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của nước ta.  

Tại Diễn đàn Dự báo Kinh tế Việt Nam năm 2022-2023 tổ chức mới đây, ông Francois Painchaud, Trưởng đại diện Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tại Việt Nam đề cập một rủi ro, đó là chính sách Zero-COVID của Trung Quốc và tăng trưởng chậm lại của nền kinh tế này sẽ tác động rất mạnh đến sản xuất và tiêu dùng của Việt Nam. 

Đồng quan điểm, TS. Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cũng cho rằng Trung Quốc gặp vấn đề sẽ tác động trực tiếp đến tăng trưởng hoạt động sản xuất và giá cả nước ta.

Nguyên vật liệu từ Trung Quốc rất quan trọng với kinh tế Việt Nam

 

Trung Quốc hiện là thị trường nhập khẩu lớn nhất, đồng thời là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam. (Ảnh minh họa: TTXVN).

 

Theo TS. Nguyễn Bích Lâm, kinh tế nước ta có độ mở lớn, sản xuất phụ thuộc nhiều vào nguyên vật liệu nhập khẩu từ bên ngoài, với tỷ lệ 37% chi phí nguyên vật liệu nhập khẩu trong tổng chi phí nguyên vật liệu của toàn nền kinh tế. Đối với lĩnh vực chế biến chế tạo, vốn là động lực chính của nền kinh tế, tỷ lệ này là 50,98%.

Dẫn các số liệu thương mại giữa Việt Nam - Trung Quốc, vị chuyên gia khẳng định nguyên vật liệu từ Trung Quốc với Việt Nam rất quan trọng. 

"Năm 2021, kim ngach xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam với Trung Quốc chiếm đến 1/4 tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam", TS. Nguyễn Bích Lâm nói và nhấn mạnh kinh tế Việt Nam phụ thuộc khá nhiều vào thị trường Trung Quốc. 

Thông tin thêm, ông cho hay 34% tư liệu sản xuất nhập khẩu cho nền kinh tế cho nước ta là từ Trung Quốc và có nhiều ngành phụ thuộc rất nhiều vào nguyên liệu đầu vào của quốc gia này. 

 

Số liệu từ báo cáo xuất nhập khẩu Việt Nam năm 2021 của Bộ Công Thương cho thấy các nhóm hàng nhập khẩu từ Trung Quốc chiếm tỷ trọng lớn như máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác chiếm 53,83%; vải các loại chiếm 63,33%; sắt thép các loại chiếm 37,98%; sản phẩm từ chất dẻo 34,71%; nguyên phụ liệu dệt may, da giày chiếm 50,02%; hóa chất 32,55%.

"Trung Quốc là thị trường cung cấp nguyên vật liệu rất lớn cho công nghiệp chế biến của Việt Nam. Khi nền kinh tế này gặp vấn đề, thực hiện chính sách Zero-COVID kéo dài, kinh tế tăng trưởng chậm lại, sẽ tác động trực tiếp đến tăng trưởng hoạt động sản xuất và giá cả của Việt Nam", ông nói.

Đường đi của nguyên vật liệu bị gián đoạn, sản xuất gặp khó, nguy cơ gia tăng lạm phát

Cũng bày tỏ quan ngại về chính sách Zero-COVID, các chuyên gia của CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) dự báo việc gián đoạn chuỗi cung ứng do chính sách phong tỏa từng phần tại Trung Quốc nhiều khả năng sẽ ảnh hưởng đến triển vọng nhập nguyên liệu, làm chậm trễ thời gian giao hàng từ đó ảnh hưởng đến tiến độ sản xuất trong nước.

VDSC cho rằng tốc độ tăng trưởng của lĩnh vực sản xuất có thể chậm lại trong thời gian tới nếu phong tỏa kéo dài tại Trung Quốc. Đồng thời cảnh báo sự phục hồi tăng trưởng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc có thể sẽ gặp khó khăn trong các tháng tiếp theo do nhiều khả năng nhu cầu tiêu dùng của thị trường lớn này sẽ suy giảm.

Chính sách Zero-COVID của Trung Quốc làm đường đi của nguyên vật liệu, hàng hóa bị gián đoạn, chuỗi cung ứng thêm đứt gãy, từ đó làm gia tăng áp lực lạm phát từ việc giá nguyên vật liệu tăng cao.

Theo nhận định của TS. Nguyễn Bích Lâm, doanh nghiệp không thể cứ chịu đựng mãi. Sẽ có thời điểm khi giá đầu vào tăng đến chừng mực nào đó, doanh nghiệp buộc phải tăng giá đầu ra và điều này sẽ làm tăng giá chung của toàn nền kinh tế.

Ông cho biết qua tính toán, giá nguyên vật liệu tăng 1% thì làm cho chỉ số giá sản xuất giá đầu ra tăng đến 2,06 điểm phần trăm. 

Tại tọa đàm "Hỗ trợ và phục hồi kinh tế Việt Nam trong điều kiện bình thường mới" do Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) tổ chức, PGS.TS Vũ Sỹ Cường, Phó trưởng bộ môn Phân tích chính sách tài chính, Học viện Tài chính nêu quan điểm việc Trung Quốc tiếp tục chính sách Zero-COVID sẽ ảnh hưởng lớn đến lạm phát của Việt Nam.  

"Rất nhiều hàng hóa nhập khẩu đầu vào và hàng hóa tiêu dùng của Việt Nam liên quan đến Trung Quốc và thế giới cũng như vậy. Một số báo cáo mới đây còn nhận định tác động của việc Trung Quốc duy trì chính sách Zero-COVID còn lớn hơn cả tác động xung đột Nga-Ukraine. Bởi Trung Quốc là công xưởng của thế giới, chiếm 12,6% tổng thương mại toàn cầu”, ông Cường nói và nhấn mạnh nếu người Trung Quốc nhiễm COVID-19 thêm nửa năm nữa sẽ là điều đáng e ngại với kinh tế Việt Nam.

Mới đây, Ngân hàng Thế giới (WB) cũng cảnh báo Việt Nam cần cẩn trọng với lạm phát và tình trạng gián đoạn nguồn cung do ảnh hưởng từ các đợt phong tỏa mới ở Trung Quốc. 

Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 4 tăng 9,4% (so cùng kỳ năm trước), tương đương tốc độ tăng trưởng trước đại dịch. Tuy nhiên, sản xuất máy móc, thiết bị lại tăng trưởng chậm hơn, với tốc độ giảm từ 26,6% (so cùng kỳ năm trước) trong tháng 3 xuống chỉ còn 5,1% trong tháng 4 (so cùng kỳ năm trước).

WB nhận định sự giảm tốc này có liên quan đến gián đoạn chuỗi cung ứng do tình trạng phong tỏa ở Trung Quốc đã dẫn đến nhập khẩu máy móc, thiết bị từ thị trường này giảm mạnh trong 2 tháng qua. 

Ngoài ra, trong tháng 4 vừa qua, nhập khẩu của Việt Nam tăng chậm hơn xuất khẩu. Theo WB, điều này phản ánh nhập khẩu từ Trung Quốc giảm tốc do quốc gia này thực hiện phong tỏa nhằm kiểm soát đợt lây nhiễm COVID-19 mới bùng phát.

Tăng trưởng nhập khẩu từ Trung Quốc giảm từ 19,4% trong tháng 2 (so cùng kỳ năm trước), xuống còn 2,6% trong tháng 3 và 11,5% trong tháng 4.

 

Kim ngạch nhập khẩu máy móc, thiết bị từ Trung Quốc, chiếm hơn 1/5 tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ thị trường này và khoảng 1/2 tổng kim ngạch nhập khẩu máy móc, thiết bị của Việt Nam từ thế giới.

WB cung cấp số liệu cho thấy kim ngạch nhập khẩu máy móc, thiết bị từ Trung Quốc bị ảnh hưởng nặng nhất, giảm 15,2% trong tháng 3 (so cùng kỳ năm trước) và 6,4% trong tháng 4. Đây là hai tháng giảm đầu tiên kể từ tháng 6/2020.

Tốc độ tăng kim ngạch nhập khẩu vải các loại, một nhóm mặt hàng quan trọng khác, cũng giảm từ 28,1% trong tháng 3 xuống còn 3,0% trong tháng 4 (so cùng kỳ năm trước).

Ngân hàng này nhận định do xuất khẩu của Việt Nam phụ thuộc nhiều vào nguyên liệu và linh kiện nhập khẩu từ Trung Quốc nên gián đoạn chuỗi cung ứng kéo dài có thể ảnh hưởng tiêu cực đến xuất khẩu của Việt Nam trong những tháng tới. 

"Vì Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai và là nguồn nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam nên tác động toàn phần của tình trạng phong tỏa ở quốc gia này đối với hoạt động sản xuất công nghiệp chế biến, chế tạo và xuất khẩu của Việt Nam sẽ còn được cảm nhận trong những tháng tới. Điều này cho thấy đa dạng hóa đối tác thương mại sẽ là một cân nhắc chiến lược an toàn để giảm nhẹ rủi ro và đảm bảo tăng trưởng xuất khẩu được duy trì", các chuyên gia của WB khuyến nghị.

Anh Đào