|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Câu chuyện kinh tế đằng sau kỳ nghỉ lễ dài ngày

13:05 | 19/02/2021
Chia sẻ
Ngày nghỉ vừa là quãng thời gian để con người tái tạo sức lao động sau những ngày làm việc mệt mỏi, vừa là cơ hội để chi tiêu phần thu nhập mình kiếm được. Nhưng nếu nghỉ lễ quá dài ngày liên tục, không ai sản xuất kinh doanh, nền kinh tế sẽ trì trệ.
Bài toán kinh tế đằng sau kỳ nghỉ lễ dài ngày - Ảnh 1.

Biển quảng cáo giảm giá 25 - 50% dịp Black Friday 2020 tại Mỹ. (Ảnh: Getty Images).

Tết Tây

Ngày Lễ Tạ ơn trong văn hóa Mỹ là ngày thứ Năm lần thứ 4 trong tháng 11 hàng năm. Ngày ngay sau Lễ Tạ ơn thường được gọi là ngày Thứ Sáu Đen (Black Friday) và là khởi đầu của mùa mua sắm hàng năm.

Cái tên Black Friday có nghĩa là bắt đầu từ ngày này, sổ sách kế toán của các doanh nghiệp bán lẻ chuyển từ màu đỏ (tượng trưng cho số âm, thua lỗ, sụt giảm) sang màu đen (tượng trưng cho số dương, lợi nhuận, tăng trưởng).

Thực tế, nhiều hãng bán lẻ đồ trang trí, đồ chơi cả năm chỉ trông cậy vào mùa lễ hội trong các tháng 11 và 12.

Nếu hoạt động mua sắm diễn ra đồng đều trong cả năm, mỗi quý sẽ đóng góp 25% doanh thu. Thực tế theo thống kê của Cục Dân số Mỹ, doanh thu của các nhà bán lẻ trong quý IV/2019 chiếm 26,8% doanh thu cả năm.

Trong số này có những ngành phụ thuộc đặc biệt nhiều vào mùa lễ hội như đồ chơi (34,9% cả năm), trang sức (34,7%), bách hóa (31,3%), điện tử (31,1%), … Đây đều là các nhóm mặt hàng được mua sắm nhiều trong dịp cuối năm để làm quà tặng hoặc trang trí nhà cửa. 

Theo thống kê của Liên đoàn Bán lẻ Mỹ (NRF), trong hai tháng cuối năm 2020, mặc dù đại dịch vẫn hoành hành nhưng doanh số bán lẻ bất ngờ tăng 8,3% so với năm trước, đạt 789 tỷ USD.

Bài toán kinh tế đằng sau kỳ nghỉ lễ dài ngày - Ảnh 2.

Ông Matthew Shay - Tổng Giám đốc NRF nhận định hôm 15/1: "Trong hoàn cảnh virus tiếp tục lan rộng, các bang thắt chặt lệnh hạn chế với hoạt động bán lẻ và có nhiều bất ổn về kinh tế cũng như chính trị, người tiêu dùng đã mua nhiều món quà nhằm khích lệ tinh thần gia đình và bạn bè".

Ở tầm vĩ mô hơn, tiêu dùng tư nhân là cấu phần quan trọng nhất trong tổng sản phẩm quốc nội của nước Mỹ, thường xuyên đóng góp khoảng 2/3 GDP hàng năm.

Bài toán kinh tế đằng sau kỳ nghỉ lễ dài ngày - Ảnh 3.

Con số nhỏ với ý nghĩa lớn

Năm 2020, GDP danh nghĩa của cả nước Mỹ đạt khoảng 20.930 tỷ USD. Nếu so với con số GDP này, doanh thu bán lẻ trong hai tháng cuối năm chỉ chiếm khoảng 3,8% và dường như không thực sự đáng kể.

Tuy vậy, số liệu trong mùa lễ hội lại thu hút được nhiều sự chú ý của các nhà nghiên cứu cũng như của những người làm kinh doanh vì hai lý do.

Thứ nhất, thói quen mua sắm trong thời kỳ lễ hội là chỉ báo quan trọng về tình hình kinh tế nói chung. Người dân mua sắm nhiều dịp cuối năm cho thấy điều kiện kinh tế của người tiêu dùng năm vừa qua được cải thiện, đồng thời thể hiện sự lạc quan vào tương lai. Nếu lo lắng suy thoái hay tai ương sắp xảy ra, người dân sẽ tiết kiệm thay vì tiêu dùng.

Tại Mỹ, tuy kinh tế năm 2020 suy thoái vì đại dịch nhưng đa phần người dân đều được chính phủ trợ cấp hàng nghìn USD tiền mặt, bù đắp một phần thu nhập mất mát. Trong thời gian tới, Quốc hội và chính phủ Mỹ có thể sẽ tung ra thêm một gói trợ cấp nữa trị giá 1.900 tỷ USD.

Tổng Giám đốc NRF Matthew Shay nói: "Chúng tôi tin rằng đề xuất kích thích tài khóa của Tổng thống Joe Biden, bao gồm khoản phát tiền mặt cho mỗi người dân, sẽ hỗ trợ nhiều hơn nữa cho các doanh nghiệp và nền kinh tế".

Thứ hai, hoạt động kinh doanh khởi sắc trong mùa lễ hội thường kéo theo số lượng việc làm tạm thời rất lớn. Trong những tháng cuối năm 2018, nền kinh tế Mỹ tạo ra thêm 583.000 việc làm trong ngành bán lẻ, tương đương 7% lực lượng lao động. Năm 2019, số việc làm mùa vụ là 562.000.

Đó là còn chưa kể tới việc các công ty giao vận như UPS hay FedEx cũng thuê thêm hàng trăm nghìn lao động để đáp ứng nhu cầu tăng vọt trong đợt cao điểm cuối năm.

Những người được thuê mướn sẽ có thêm thu nhập, tiếp tục chi tiêu rồi làm tăng doanh số bán lẻ tương tự như trong câu chuyện ông trùm xe hơi Henry Ford tăng lương, giảm giờ làm.

Ngày 1/5/1926, tập đoàn sản xuất xe hơi Ford Motor trở thành một trong những doanh nghiệp đầu tiên tại Mỹ áp dụng tuần làm việc 5 ngày, mỗi ngày 8 tiếng tại các nhà máy. Đến tháng 8, chính sách này được áp dụng cho cả các nhân viên văn phòng. Đa phần doanh nghiệp thời đó vẫn yêu cầu nhân viên làm việc 6 ngày mỗi tuần, mỗi ngày 9 giờ.

Trước đó vào năm 1914, Ford đã nâng tiền lương của các lao động nam giới từ 2,34 USD/9 giờ lên thành 5 USD/8 giờ, cao gấp đôi trung bình ngành lúc bấy giờ. Chính sách này được áp dụng cho cả lao động nữ từ năm 1916.

Nhân viên tại Ford lập tức cảm thấy yêu mến và tự hào về công ty của mình hơn, tuy thời gian làm việc giảm đi nhưng năng suất lao động tăng vọt và ông chủ không hề bị thiệt.

Bên cạnh đó, người lao động có thu nhập cao hơn và nhiều thời gian rảnh rỗi hơn nên sẽ chi tiêu nhiều hơn, tương tự như việc ngày nay người tiêu dùng chi nhiều hơn trong dịp nghỉ lễ. Nhiều nhân viên đã quyết định mua xe hơi của chính hãng Ford, giúp công ty tăng doanh thu.

Những chính sách tưởng chừng như hoang phí của Henry Ford đã giúp cho ông lợi đơn lợi kép, vừa có tiếng lại vừa có miếng.

Tết Ta

Mùa mua sắm của Mỹ được tính gồm hai tháng 11 và 12 nhưng số ngày nghỉ thực tế chỉ là 3 và rải rác không liền nhau, bao gồm Lễ Tạ ơn (thứ Năm lần thứ 4 của tháng 11), Lễ Giáng sinh (25/12) và Năm Mới (1/1).

Trong khi đó, ngày Tết cổ truyền của Việt Nam, Trung Quốc chính thức kéo dài 3 ngày liên tục, người lao động thường được nghỉ 7 ngày và nếu tính cả thời gian nghỉ bù, nghỉ ghép thì có năm được nghỉ tới 9 ngày liên tiếp.

Bài toán kinh tế đằng sau kỳ nghỉ lễ dài ngày - Ảnh 4.

Chụp ảnh bên trâu vàng dịp Tết Tân sửu, ngày 14/2/2021 cạnh Hồ Hoàn Kiếm. (Ảnh: Getty Images).

Sự khác biệt không chỉ nằm ở số ngày nghỉ mà ở tâm lý ăn Tết. Những ngày trước Tết ở bên ta, rất nhiều công việc bị trì hoãn lại để đến "ra Giêng" vì người phụ trách bận chạy đôn chạy đáo lo chuẩn bị Tết.

Sau khi hết Tết thì lại đến "tháng Giêng là tháng ăn chơi", người đã đến chỗ làm nhưng công việc vẫn ì ạch, chưa quay lại nhịp độ bình thường. Việc tranh thủ giờ làm của cơ quan để đi khai xuân, lễ lạt, … không phải là hiếm.

Nhiều lao động phổ thông ở tỉnh xa về quê trước Tết rồi ra Giêng chậm quay lại chỗ làm, hoặc thậm chí bỏ việc cũ luôn, tự do đi tìm việc mới.

Không phải ngẫu nhiên mà quý I ở Việt Nam và Trung Quốc luôn luôn là giai đoạn có GDP thấp nhất trong năm, tạo nên mẫu hình GDP răng cưa đặc trưng của các nước ăn Tết âm lai rai từ ngày này sang tháng khác.

Bài toán kinh tế đằng sau kỳ nghỉ lễ dài ngày - Ảnh 5.

Tại những quốc gia không ăn Tết âm như Mỹ, Nhật Bản, giá trị GDP hàng quý cũng có lúc thăng lúc trầm (đặc biệt là trong năm đại dịch 2020) nhưng không thể hiện tính chu kỳ rõ nét và đều đặn như ở Việt Nam, Trung Quốc. 

Trong mùa lễ hội cuối năm, người lao động các nước này vẫn đi làm tương tự như các tháng khác và nền kinh tế vẫn vận hành bình thường. Nhật Bản trước đây cũng ăn Tết âm lịch theo phong tục Á Đông nhưng từ giữa thế kỷ thứ 19 đã chuyển sang ăn Tết theo lịch dương.

Bài toán kinh tế đằng sau kỳ nghỉ lễ dài ngày - Ảnh 6.

Dịp Tết Tân sửu 2021, Trung Quốc đã kêu gọi các lao động di cư không trở về quê, ai ở đâu thì ở yên chỗ đó để tránh COVID-19 lây lan. Những người nhất quyết về quê đều phải xuất trình kết quả xét nghiệm âm tính trong vòng 7 ngày, có thể phải tự cách ly tại nhà, hạn chế tụ tập, không được đi thăm người thân, ...

Số người về quê năm nay được ước tính là giảm đáng kể so với mọi năm. Thay vào đó, số người ở lại thành phố và các khu công nghiệp để tiếp tục làm việc sẽ tăng vọt. 

Bloomberg dẫn ước tính của công ty chứng khoán Soochow cho biết quý I/2021, nhiều người lao động Trung Quốc sẽ làm việc 61 ngày thay vì chỉ 45 ngày trong cùng kỳ 2020. GDP quý này có thể tăng trưởng tới 29% so với cùng kỳ.

Song Ngọc - Đức Quyền