|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Những triệu phú tự thân giàu nhất Ấn Độ: Đi bán quần áo, bánh kẹo dạo, khởi nghiệp từ năm 13 tuổi

07:30 | 02/08/2022
Chia sẻ
Khởi nghiệp thành công cần nhiều năm làm việc chăm chỉ, cống hiến bền bỉ và câu chuyện thành công của các tỷ phú Ấn Độ sẽ truyền cảm hứng để bạn theo đuổi giấc mơ của mình.

Nền văn hóa hối hả hiện tại có thể thúc đẩy làn sóng khởi nghiệp của vô số người nhưng đa số là tìm kiếm lợi nhuận nhanh chóng. Tuy nhiên, các doanh nghiệp thực sự muốn phát triển lâu dài và thành công, từ startup trở thành những công ty hàng đầu thì người quản lý, sáng lập sẽ phải mất nhiều năm làm việc chăm chỉ và dũng cảm khi đưa ra các quyết định.

Những câu chuyện khởi nghiệp truyền cảm hứng

1. Anuj Mundhra - Từ nhân viên bán quần áo thành ông chủ công ty thời trang

Từ năm 2001 đến 2003, Anuj Mundhra đang làm việc trong một phòng trưng bày đồ saree ở Jaipur, kiếm được 1.400 Rs mỗi tháng (khoảng gần 20 USD theo tỷ giá hiện tại). Chàng trai trẻ sớm nhận ra rằng mình sẽ không thể sống với khoản tiền đó, thậm chí là thu nhập cũng không ổn định. Đến cuối năm 2003, anh nghỉ việc và bắt đầu kinh doanh buôn bán đồ bộ.

Để bắt đầu, Anuj Mundhra mua những bộ com-lê từ các nhà cung cấp và bán lại cho các nhà cung cấp và chủ cửa hàng khác. Khi đã kiếm được một số thu nhập nhất định thì Anuj quyết định thành lập xưởng in lưới và in lụa của riêng mình ở Jaipur, tiếp tục kinh doanh như vậy cho đến năm 2012 khi Anuj đến Delhi và chứng kiến quy mô khổng lồ trên các thị trường thương mại điện tử của Jabong và Snapdeal.

Nhờ chuyến đi đó mà Anuj nhận ra rằng, thương mại điện tử sẽ là tương lai của lĩnh vực mua sắm tại Ấn Độ. Khi trở lại Jaipur, Anuj đã ngay lập tức trao đổi với kế toán, hỏi về các quy định kinh doanh doanh nghiệp thương mại điện tử sau đó cho ra mắt Nandani Creation vào năm 2012 và đặt thương hiệu cho chi nhánh thương mại điện tử là Jaipurkurti.com. Trong năm đầu tiên, công ty đạt doanh thu 59 lakh Rs ( khoảng 80.000 USD).

Anuj bắt đầu khởi nghiệp với nguồn lực rất hạn chế. Anh ấy đã thu được 50.000 Rs từ những người bạn thân và sau đó, thậm chí còn vay ngân hàng để khởi nghiệp. Từ số tiền có được đó, anh đã mua 10 máy khâu để làm kurtis và quần áo. Vợ của Anuj là Vandana Mundra sẽ thiết kế kurtis, sau đó nhuộm, in, khâu, lấy mẫu,...trong một đơn vị sản xuất ở khu công nghiệp Kartarpur, Jaipur. Cuối cùng, Anuj đăng bán trên các sàn thương mại điện tử Snapdeal và Jabong.

Ngày nay, công ty Nandani Creation Pvt Ltd do Anuj thành lập, sở hữu đang sản xuất và bán trang phục, trở thành công ty B2C xuất khẩu sang các nước như Anh, Mỹ, Úc, Malaysia và một số nước khác.

2. Bhimji Patel - vay tiền khởi nghiệp và thành tỷ phú triệu USD

Năm 1981, Bhimji Patel mới 12 tuổi đã rời làng Meghpar ở Kutch, Gujarat và đến Mumbai - thành phố của những giấc mơ. Là một người ham đọc sách và có kỹ năng tính toán tốt, Bhimji quyết tâm sử dụng tài năng của mình trong thành phố nhộn nhịp. Ông và em họ đã nhận những công việc lặt vặt để kiếm sống ở Mumbai.

Câu chuyện khởi nghiệp của những triệu phú triệu USD tự thân thành công nhất Ấn Độ - Ảnh 1.

Bhimji Patel khởi nghiệp thành công từ khi còn rất trẻ. (Nguồn: Getty Image)

Sau khi làm việc trong vài năm, Bhimji đã vay khoảng 30.000 Rs (400 USD) từ anh trai mình và bắt đầu khởi nghiệp bằng cách mở một cửa hàng tổng hợp. Tiến từng bước nhỏ, tự tin về phía trước và phát triển công việc kinh doanh khởi nghiệp một cách từ từ, Bhimji dần dần mở rộng cửa hàng thành một siêu thị.

Con trai của ông, Kunal Patel chia sẻ với truyền thông: “Cha tôi đã tận dụng mọi cơ hội đến với mình. Ông tìm thấy cơ hội trở thành đại lý cho nhiều sản phẩm khác nhau đến từ nước ngoài - đặc biệt là rượu. Sở trường về mạng lưới đã giúp ông cung cấp rượu nhập khẩu cho các đại sứ quán nước ngoài ở Ấn Độ".

Những ngày Bhimji làm đại lý cho các thương hiệu rượu nhập khẩu đã mang lại kinh nghiệm quý báu và tạo tiền đề thành lập Monika Enterprise - một doanh nghiệp bán buôn và phân phối ởi Mumbai vào năm 2008. Kể từ đó, Bhimji và doanh nghiệp do gia đình điều hành đã tiến một bước dài trong việc bán các nhãn hiệu rượu nhập khẩu cao cấp. Năm ngoái, Monika Enterprises đã ghi nhận doanh thu hơn 13 triệu USD.

3. Prem Khanna - Mở chuỗi thương hiệu điện tử từ kinh nghiệm làm việc ở nhà máy

Giống như hầu hết những người trẻ Ấn Độ sống ở các vùng nông thôn xung quanh Delhi, Prem Khanna ấp ủ ước mơ chuyển đến thủ đô và xây dựng cuộc sống cho bản thân. Khi rời làng Kharkoda, cha mẹ Prem đã cho ông 5.000 Rs (gần 70 USD) để theo đuổi giấc mơ khởi nghiệp của mình. Ông bắt đầu làm việc tại một nhà máy địa phương ở Delhi. Ngoài thời gian đi làm, chàng thanh niên trẻ tuổi đã cần mẫn tự tay làm những chiếc cuộn cảm vào ban đêm và bán chúng ở các chợ địa phương vào ban ngày.

Câu chuyện khởi nghiệp của những triệu phú triệu USD tự thân thành công nhất Ấn Độ - Ảnh 2.

Sự chăm chỉ và kiên trì thúc đẩy Prem Khanna thành công. (Nguồn: Getty Image)

Với số tiền tiết kiệm của mình, Prem đã thành lập công ty Gourav Luminaries vào năm 1991 và bắt đầu xây dựng thương hiệu của mình.

Các con trai của ông là Gaurav và Pankaj tham gia kinh doanh vào năm 2010, và các bộ đèn Gourav - bắt đầu từ một căn phòng duy nhất - đã phát triển trở thành một thương hiệu điện tử lớn với hơn 250 nhà phân phối và mạng lưới đại lý trực tiếp trên khắp Bắc Ấn Độ và đạt doanh thu 7 triệu USD.

4. Vikesh Shah - Trở thành triệu phú triệu USD nhờ bán bánh kếp

Năm 18 tuổi, khi Vikesh Shah bắt đầu làm việc tại một cửa hàng bánh nhỏ ở Mumbai chỉ để kiếm thêm tiền, anh chưa bao giờ tưởng tượng rằng trải nghiệm của mình sẽ dẫn đến một điều gì đó to lớn, không nói tới khởi nghiệp.

Vào lúc bấy giờ, Vikesh đã làm việc chăm chỉ tại cửa hàng, kiếm được số tiền cực kỳ ít ỏi tháng và lên đến cấp bậc quản lý chỉ sau 2 năm. Ngay sau đó, Vikesh nghỉ việc và bắt đầu kinh doanh dịch vụ ăn uống của riêng mình cũng như đồng thời khởi nghiệp kinh doanh thực phẩm. Đến năm 2007, Vikesh bắt đầu mở cửa hàng đầu tiên của mình, một tiệm bánh có tên The Happiness Deli ở Mumbai để các món tráng miệng có thể tiếp cận được nhiều đối tượng hơn.

Là một nhà quan sát nhạy bén về các xu hướng và nền văn hóa, Vikesh đã nhận thấy trong chuyến du lịch đến châu Âu rằng bánh kếp, với nhiều lớp phủ và hương vị khác nhau, là món ăn chủ yếu và được tiêu thụ chủ yếu như một bữa ăn sáng. Với sự phổ biến ngày càng tăng của bánh ngọt và món tráng miệng kiểu Anh ở Ấn Độ, Vikesh cảm thấy rằng có một thị trường bánh kếp khổng lồ chưa được khai thác.

“Tôi tự tin rằng việc giới thiệu bánh kếp như một món tráng miệng ở Ấn Độ sẽ có hiệu quả vì 20 năm trong ngành đã cho tôi đủ kiến thức về vị giác của người dân và hiểu biết thêm về thị trường”, triệu phú tự thân này khẳng định.

Đây là cách mà ý tưởng khởi nghiệp thành lập một chuỗi nhà hàng phục vụ nhanh bánh kếp (QSR) ở Ấn Độ hình thành. Vikesh khai trương cửa hàng đầu tiên của cửa hàng đặc sản bánh kếp của mình ở Mumbai’s Kala Ghoda vào năm 2017. Nó bắt đầu bán bánh kếp với giá 99 Rs, do đó có tên là 99 Pancakes.

Từ năm 2018 đến năm 2019, thương hiệu đã khai trương 65 cửa hàng trên khắp Ấn Độ. 99 Pancakes thu được hơn 200.000 USD trong năm tài chính 2020.

5. Ankush Kakkar - Học kinh doanh từ thực tế khi mới 13 tuổi

Khi mới 13 tuổi, Ankush Kakkar (hiện 38 tuổi) đã nhận trách nhiệm giúp cha điều hành công việc kinh doanh khăn len ở Ludhiana vì thu nhập của gia đình không đủ ổn định để thuê một người phụ giúp.

Nhớ lại ngày xưa, Ankush kể rằng gia đình phải chật vật rất nhiều, anh vừa phải xoay sở việc học vừa phải phụ giúp công việc kinh doanh. Ngay sau giờ học, anh ấy sẽ đến cửa hàng của cha mình và giúp cung cấp sản phẩm cho khách hàng và tiếp tục giúp đỡ như vậy trong 2 năm.

Tuy nhiên, anh nhận ra cần phải làm gì đó để công việc kinh doanh ổn định về mặt tài chính. Vì vậy, sau 3 năm, 2 cha con quyết định khởi nghiệp bằng cách thành lập một nhà hàng ven đường gần bến xe buýt Ludhiana. Ankush học lớp 7 thì đã có đủ các kỹ năng để điều hành việc kinh doanh.

“Chúng tôi có một mảnh đất để duy trì hoạt động kinh doanh nhỏ hướng đến các tài xế xe buýt và xe tải. Điều này đã tạo cho chúng tôi một cú hích mạnh mẽ rằng trong vòng hai đến ba năm, chúng tôi đã mua một bất động sản khác để xây khách sạn nhỏ 20 phòng”. Chính xác thì đến năm 2006, Ankush và cha mình đã mua một khách sạn khác ở Ludhiana.

Đi xa hơn nữa để biến ước mơ khởi nghiệp của mình thành hiện thực, vào năm 2020, Ankush đã xây dựng một khu nghỉ dưỡng rộng 33.000 mét vuông có tên là Treeoise ở Baddi, Himachal Pradesh.

Từ việc điều hành một cửa hàng bán đồ ăn ven đường ở bến xe buýt đến việc xây dựng một khu nghỉ dưỡng cao cấp, Ankush đã trải qua một chặng đường dài. Ankush tuyên bố rằng tính đến tháng 3/2021, Khu nghỉ dưỡng Treeoise đã có doanh thu 160.000 USD.

Thu Phương