|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Câu chuyện hình thành và phát triển của các OTA Việt

10:41 | 24/02/2021
Chia sẻ
OTA (Online Travel Agent) nói riêng và ngành du lịch nói chung đang phải chịu tác động mạnh từ COVID-19. Hãy cùng nhìn lại hành trình phát triển của một số OTA gốc Việt đáng chú ý.

Trong vài năm trở lại đây, cùng với sự phát triển của nền tảng internet, dịch vụ đặt phòng thông qua các đại lý du lịch trực tuyến (Online Travel Agent – OTA) đang phần nào có lợi thế hơn so với phương thức tìm kiếm các gói tour du lịch, khách sạn, đặt vé bằng phương thức truyền thống.

Báo cáo Google và Temasek cho thấy, quy mô du lịch trực tuyến của Việt Nam năm 2019 đạt 4 tỷ USD, dự kiến sẽ tăng lên tới 9 tỷ USD vào năm 2025. Cùng với các OTA ngoại như Agoda.com, Expedia.com, Booking.com... các đại lý du lịch trực tuyến tại Việt Nam cũng "mọc lên như nấm" trong suốt 10 năm trở lại đây.

Các OTA Việt Nam có thể kể tới những cái tên như Tripi Partner, Dinogo, Mytour.vn, VnTrip, Gotadi, iVivu, Chudu24 hay Luxstay. Trong khi một số OTA ra đời khá kín tiếng thì số khác gây rúng động dư luận với màn chào gọi vốn trị giá hàng nghìn tỷ đồng.

Sự hình thành của những OTA Việt

Tripi Partner, Dinogo, Mytour.vn đều là thành viên của CTCP Du lịch Việt Nam VNTravel (VNTravel). Trong đó, Tripi được hình thành và phát triển từ cuối năm 2014 với ý tưởng tìm giải pháp giúp người du lịch so sánh chọn giá trên các trang bán vé, bán tour.

Theo thông tin công bố, từ tháng 6/2018, Tripi đã có sự đột phá về thị phần và doanh thu với mức tăng trưởng luôn đạt trên 180% hàng tháng. Đến nay, đội ngũ nhân viên của Tripi đã lên tới gần 300 nhân sự.

Mytour.vn ra đời trước đó hai năm (2012) cung cấp các dịch vụ đặt phòng khách sạn, vé máy bay, tour du lịch, sử dụng các phương thức thanh toán tiện dụng. Ứng dụng du lịch Dinogo ít tương tác hơn so với Mytour và Tripi. Trang tương tác trên Facebook của Dinogo ghi ngày lập là vào năm 2016.

Ứng dụng này trước đó cũng được quảng bá và xuất hiện trước công chúng tại Ngày hội Trí tuệ nhân tạo Việt Nam 2019 giới thiệu các sản phẩm du lịch hình thức tự túc.

Cuộc chiến chiếm lĩnh thị phần du lịch của các startup Việt - Ảnh 1.

Du khách tham gia Ngày hội Trí tuệ nhân tạo Việt Nam 2019 đang dùng thử ứng dụng Dinogo. (Ảnh: Dân Trí).

Công ty VNTravel, đơn vị sở hữu cả ba nền tảng trên, sau này mới ra đời vào tháng 9/2019 với số vốn điều lệ ban đầu là 450 tỷ đồng. Trong đó, cổ đông lớn nhất là CTCP Tập đoàn Cuộc sống Việt với tỷ lệ đóng góp cổ phần đạt 99,996%.

Cùng thời điểm Tripi ra đời, thì một OTA khác có tên VnTrip cũng được sáng lập từ năm 2014 cho tới khi chạy thử nghiệm vào hai năm sau đó bởi ông Lê Đắc Lâm cùng đội ngũ cộng sự.

Tới tháng 5/2016, công ty TNHH VnTrip OTA (đơn vị sở hữu trang web trực tuyến VnTrip) ra đời, đồng thời liên tục nhận được khoản rót vốn hàng triệu USD từ các nhà đầu tư.

Trong đó, đáng chú ý là lần gọi vốn lần thứ ba từ nhà đầu tư Thụy Sỹ IHAG Holding vào tháng 8/2018. Mặc dù, số vốn đầu tư được giữ bí mật nhưng VnTrip cho hay công ty được định giá 45 triệu USD (tương đương hơn 1.000 tỷ đồng), điều đáng nói là ở thời điểm đó, doanh thu năm 2017 của Vntrip chưa đến 45 tỷ đồng.

Đợt gọi vốn lần gần đây nhất của VnTrip là vào tháng 10 năm ngoái với số vốn đầu tư đạt 7 triệu USD (161 tỷ đồng) thuộc vòng series B từ một nhà đầu tư giấu tên, theo nguồn tin từ TechInAsia.

Khi mới thành lập, VnTrip cũng "tạo sóng" dư luận lớn khi tổ chức họp báo khởi kiện Agoda trốn thuế tại Việt Nam vào tháng 12/2016. Bộ Tài chính sau đó đã yêu cầu tính VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp với các trang mạng nước ngoài kinh doanh trong lĩnh vực đặt phòng khách sạn tại Việt Nam đối với Agoda và kể cả Traveloka, Booking...

Cuộc chiến chiếm lĩnh thị phần du lịch của các startup Việt - Ảnh 2.

VnTrip tổ chức họp báo khởi kiện Agoda trốn thuế tại Việt Nam vào tháng 12/2016. (Ảnh: Zing).

VnTrip sau đó cũng hợp tác với Booking.com và Expedia.com để mở rộng mạng lưới khách sạn của mình trên khắp cả nước. Đồng thời, công ty  cũng thâu tóm Atadi, một nền tảng đặt vé máy bay giá rẻ của Việt Nam, như một nước cờ nhằm cạnh tranh với các OTA ngoại.

Một nền tảng khác là Gotadi ra mắt công chúng năm 2014 dưới sự điều hành và quản lý của ông Ngô Minh Đức với tư cách Tổng Giám đốc CTCP Công nghệ Du lịch Gotadi.

Trước khi công ty đi vào hoạt động, ông Ngô Minh Đức đã cùng các đồng sự cùng tạo dựng và phát triển Tập đoàn HG Holdings với "hạt nhân" là CTCP Đầu tư HG (thành lập năm 2007) hoạt động trong lĩnh vực du lịch.

Trong giai đoạn này, trang iVIVU.com cũng được phát triển và ra đời vào năm 2010, là thành viên của Tập đoàn TMG Việt Nam. Hiện hệ thống liên kết với khoảng 2.500 khách sạn tại Việt Nam và hơn 30.000 khách sạn quốc tế. Sàn giao dịch TMĐT này được điều hành bởi ông Nguyễn Trung Công, Giám đốc CTCP iVivu.com, đơn vị tọa lạc tại quận 3, TP HCM.

Về Chudu24, có thể nói là một trong những nền tảng lâu đời nhất, trực thuộc CTCP Dịch vụ Chu Du Hai Bốn, thành lập vào tháng 10/2008. Nền tảng này chính thức ra mắt cộng đồng và tương tác với khách hàng trên Facebook vào một năm sau đó.

Gây ấn tượng trong năm 2019 là Luxstay, nền tảng chia sẻ và đặt chỗ nghỉ (chỗ ở) ra đời năm 2016. Ông Nguyễn Văn Dũng, nhà sáng lập của Luxstay, sau đó đã thành lập nên Công ty TNHH Luxstay Việt Nam vào tháng 6/2018.

Đơn vị này được biết đến nhiều hơn với thương vụ gọi vốn thành công trong chương trình Shark Tank mùa 3 (năm 2019) từ ông Nguyễn Thanh Việt, ông Phạm Thanh Hưng và ông Nguyễn Ngọc Thủy, với số tiền tổng cộng trị giá 6 triệu USD.

Cuộc chiến chiếm lĩnh thị phần du lịch của các startup Việt - Ảnh 3.

CEO Luxstay, ông Nguyễn Văn Dũng, tại Shark Tank mùa 3 năm 2019. (Ảnh: Shark Tank).

Trước Shark Tank, Luxstay cũng từng gọi vốn thành công 2,5 triệu USD từ các nhà đầu tư Genesia Ventures, Founders Capital, Y1 Ventures và 2 nhà đầu tư khác vào năm 2016. Trong tháng 1 và tháng 5/2019, Luxstay cũng gọi vốn thành công tổng cộng 7,5 triệu USD từ CyberAgent và các nhà đầu tư khác.

Các công ty này làm ăn ra sao trong năm 2019?

Cuộc chiến chiếm lĩnh thị phần du lịch của các startup Việt - Ảnh 4.

Doanh thu thuần của một số đại lý du lịch trực tuyến (OTA) trong năm 2019. (Đồ họa: Tường Vy).

Cuộc chiến chiếm lĩnh thị phần du lịch của các startup Việt - Ảnh 5.

Lợi nhuận sau thuế của một số đại lý du lịch trực tuyến (OTA) trong năm 2019. (Đồ họa: Tường Vy).

Tính tới hết năm 2019, VNTravel nâng vốn điều lệ lên 473 tỷ đồng. Theo thông tin chúng tôi có được, kết quả kinh doanh trong năm đầu tiên hoạt động của công ty cũng có tín hiệu khả quan, trong đó doanh thu thuần đạt 17,7 tỷ đồng, đồng thời báo lãi 1,9 tỷ đồng.

Đối với VnTrip, trong năm 2019 công ty có vốn góp chủ sở hữu là 170 tỷ đồng. Gây ấn tượng mạnh tới công chúng bởi các thương vụ gọi vốn hàng triệu USD, doanh thu thuần của công ty năm 2019 đạt 123 tỷ đồng, song công ty ghi nhận lỗ 57 tỷ đồng.

Tuy vậy, Vntrip, cũng như các startup hoạt động trong lĩnh vực công nghệ khác, chấp nhận thua lỗ trong hoạt động kinh doanh để đẩy mạnh chiếm lĩnh thị phần. Theo đó, lỗ lũy kế trong 4 năm liên tiếp (từ 2016 – 2019) của công ty đã đạt khoảng 230 tỷ đồng.

Năm 2019 đối với Gotadi cũng khá khả quan khi doanh thu thuần của công ty đạt 77 tỷ đồng, tăng 28% so với năm trước đó. Tuy nhiên, ghi nhận lỗ 1 tỷ đồng trong khi năm 2018 báo lãi 122 triệu đồng. Sang năm 2020, Gotadi đã tăng vốn điều lệ lên 100 tỷ đồng.

iVivu.com và Chudu24 cũng có một năm kinh doanh ở mức tương đối. Tính tới hết tháng 12/2019, CTCP iVivu.com có vốn góp chủ sở hữu đạt 1 tỷ đồng, doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế lần lượt đạt 470 tỷ đồng và 2 tỷ đồng. Trong khi CTCP Dịch vụ Chu Du Hai Bốn có doanh thu thuần đạt 568 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 6,4 tỷ đồng, lãi lũy kế trong ba năm liên tiếp khoảng 25 tỷ đồng.

Với Luxstay, tính tới tháng 12/2019, công ty đạt doanh thu thuần 11 tỷ đồng, trong khi lỗ 39 tỷ đồng. Vốn góp chủ sở hữu tính tới hết năm 2019 đạt 92 tỷ đồng. Hiện công ty cũng đang đi theo con đường chiếm lĩnh thị phần, trong đó Đà Lạt là đích tới hấp dẫn nhất đối với công ty trong năm 2019, CEO Luxstay trả lời The Leader trong một bài viết năm 2019.

Điều này cũng dễ hiểu khi thị trường kinh doanh homestay (ở cùng nhà dân) tại Việt Nam năm 2019 đang tăng trưởng nóng với tốc độ 452% về số lượng nguồn cung chỗ ở trong một năm, lớn hơn so với mức tăng trưởng trung bình toàn cầu 140%, trong khi ngành khách sạn truyền thống chỉ tăng trưởng 40% về nguồn cung, theo một báo cáo vào tháng 9/2019 của AirDNA.

Tuy nhiên, những con số tài chính vẫn phần nào mang tính chất tham khảo. Báo cáo "Đánh giá vấn đề thuế và quản lý thuế đối với kinh tế chia sẻ" của Bộ Tài chính chỉ ra rằng hiện các nền tảng, đặc biệt kinh tế chia sẻ, vẫn đang gặp khó khăn khi kê khai thuế. 

Việc ghi nhận doanh thu với kinh tế nền tảng của từng doanh nghiệp cũng chưa chắc đã giống nhau. Các doanh nghiệp có thể ghi nhận toàn bộ phần doanh thu từ phía khách hàng, hoặc cũng có thể chỉ ghi nhận phần chiết khấu từ số tiền khách hàng bỏ ra.

Một năm 2020 khó khăn

Năm 2020, du lịch Việt Nam phải gánh chịu những tổn thất nặng nề do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Trong đó, tổng lượt khách do các cơ sở lưu trú phục vụ năm 2020 đạt 97,3 triệu lượt khách, giảm 44% so với năm trước.

Số lượng khách du lịch nội địa và quốc tế giảm mạnh đã kéo theo doanh thu cho các cơ sở lưu trú và lữ hành cũng sụt giảm nghiêm trọng, ước tính đạt 61,8 nghìn tỷ đồng, giảm 43,2% so với cùng kỳ năm trước.

Theo số liệu được đưa ra trong Hội nghị du lịch toàn quốc vào cuối tháng 11/2020, dự báo lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam trong năm 2020 giảm trên 80%, khách du lịch nội địa giảm 45%, ước tính tổng thiệt hại lên tới 23 tỷ USD.

Ngành du lịch chịu thiệt hại nặng nề, các hãng bay, đại lý du lịch và đơn vị lữ hành là những bên ảnh hưởng lớn nhất, các OTA cũng không ngoại lệ. 

Dưới sức ép của nhu cầu đi lại giảm mạnh, giãn cách xã hội để ngừa dịch COVID-19, chuyển đổi hoặc bổ sung thêm một số các mảng dịch vụ khác có thể là một trong những phương án phù hợp. Một ví dụ cụ thể là iVivu với việc nhảy vào lĩnh vực bán cơm văn phòng thời điểm tháng 4/2020 khi lệnh giãn cách xã hội toàn quốc có hiệu lực.

Tường Vy