'Cấp quản trị và CEO Việt Nam đang đuối, không thể vào công nghệ 4.0'
Mai Linh: 'Con thuyền tre' trong cơn bão công nghệ 4.0 |
Ông Lê Bá Thông, CEO TTT Corporation |
Chia sẻ tại tọa đàm "Nhân lực trình độ cao trong nền kinh tế số: Nhận thức, năng lực và giải pháp” do TheLEADER tổ chức, ông Lê Bá Thông, CEO TTT Corporation - công ty dẫn đầu về kiến trúc và nội thất trong suốt 25 năm qua - cho biết: “Cả xã hội và thế giới đang quan tâm đến 4.0 nhưng thực sự để hiểu được tác động rộng lớn của nó đến doanh nghiệp như thế nào, làm sao làm chủ được làn sóng này còn rất mới mẻ.
Những ứng dụng của TTT về công nghệ như tổ chức đội ngũ thiết kế vẽ công trình cho một công ty Mỹ ở Dubai về đêm, ban ngày chuyển cho nước ngoài vẽ tiếp. Hay ứng dụng công nghệ Vendor Submission - Công cụ xử lý và duyệt hồ sơ thanh toán online cho các nhà thầu phụ, khi chuyển hàng sang công trường được xác định qua App, cam kết 9 ngày trả tiền cho nhà thầu phụ, tránh thực tế tồn tại bao năm qua trong xây dựng là nhà thầu này ép nhà thầu kia, “ký đi tối đi nhậu, tối đi nhậu sáng nghiệm thu”.
Cùng với đó là những nghiên cứu máy móc ở nhà máy để thay thế lao động con người, đó là hành động để sống còn đối với TTT chứ chưa nghĩ gì về 4.0, ứng dụng như vậy vẫn chưa thấy gì là 4.0 cả, đương nhiên khi thay đổi quy trình quản trị và máy móc, lúc đó mới điền vô con người thế nào.
Thế giới đi rất nhanh, chính quản trị và CEO Việt Nam đang đuối, không thể điền vào công nghệ 4.0 nếu bạn chưa là CEO 4.0. Chúng ta còn thiếu quá nhiều CEO có thể thay đổi kịp với cạnh tranh thị trường, khoan nói về thị trường lao động. Khi có công nghệ mới, luôn làm cho lao động giản đơn hơn, không khó kiếm người, vấn đề là nằm trong cái đầu CEO, có dám thay đổi, dám chấp nhận xóa đi cái cũ để làm cái mới hoàn toàn. Khi đi cùng khu vực, cạnh tranh toàn cầu, thức tỉnh lớn nhất là nhận ra 4.0 là gì để thay đổi con người mình”.
Nhấn mạnh trách nhiệm của doanh nghiệp với các trường đại học, ông Thông nói: “Khi làm chương trình thiện nguyện Giấc mơ đêm mùa đông dành cho các em bé bị ung thư, có một em bé ước mơ được tặng một cái tay giả, tôi nghĩ hoàn toàn có thể đáp ứng nguyện vọng cuối cùng của đời em.
Đến khi tìm đến em, em nói yêu cầu tay giả cử động được, tôi mới tá hỏa! Tìm kiếm mọi nguồn thông tin, mới biết có một bạn ở Đài Loan đã chế tạo được cái tay giả viết được, tìm hiểu kỹ hơn thì phát hiện ra bạn này vừa huấn luyện cho một team Việt Nam rất trẻ ở Đại học Bách khoa.
Có lần tham quan Đại học bách khoa Purdue ở Mỹ, nơi có sân bay riêng, tôi thấy cả trường tập trung chào đón rất nồng nhiệt vị tân huấn luyện viên bóng rổ, lương của vị huấn luyện viên này là 1,2 triệu USD, trong khi hiệu trưởng lương 500 ngàn USD. Lý do bởi vì nếu không có huấn luyện viên bóng rổ giỏi thì không có sinh viên giỏi vô trường học.
Làm thế nào để các trường đại học thu hút được sinh viên giỏi? Làm thế nào trở thành cái nôi cho R&D (nghiên cứu và phát triển)? Làm thế nào để những nghiên cứu từ trường đại học bắt nguồn từ đơn đặt hàng của doanh nghiệp?
Nguồn nhân lực chất lượng cao đó phải có từ các trường đại học và trách nhiệm của doanh nghiệp chính là đồng hành với nhà trường. Nhà trường và doanh nghiệp phải ngồi chung một con thuyền, nước lên thuyền lên; có như vậy thì nền tảng kiến thức hôm nay của sinh viên mới trở thành nhà quản lý doanh nghiệp tự tin trong tương lai”.
Xem thêm |