|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Cập nhật tình hình dịch virus corona ngày 3/5: Thế giới sắp cán mốc 3,5 triệu ca nhiễm, Việt Nam chỉ còn 51 người đang điều trị

07:49 | 03/05/2020
Chia sẻ
Đến sáng nay, thế giới ghi nhận hơn 244.000 người chết do COVID-19 trong số gần 3,5 triệu ca nhiễm. Mỹ vẫn là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất với hơn 1,1 triệu ca nhiễm và hơn 67.000 ca tử vong.

Xem thêm: Cập nhật tình hình dịch virus corona ngày 4/5

Tính đến 7h sáng nay (3/5), toàn thế giới đã ghi nhận 3,47 triệu người mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 do virus SARS-CoV-2 gây ra. Trong đó, có 244.581 người đã tử vong và hơn 1,1 triệu người đã hồi phục (theo trang thống kê toàn cầu Worldometer).

Đến nay, dịch COVID-19 đã xuất hiện tại 210 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới sau khi bùng phát tại thành phố Vũ Hán (Trung Quốc) vào tháng 12/2019.

Cập nhật tình hình dịch virus corona ngày 3/5: Thế giới sắp cán mốc 3,5 triệu ca nhiễm, Việt Nam còn 51 người đang điều trị - Ảnh 1.

Ảnh minh họa. (Nguồn: AFP)

Việt Nam: 21 ca âm tính lần 1, 2 trở lên

Theo cập nhật từ Bộ Y tế, đến sáng nay (3/5), Việt Nam tiếp tục không nhận thêm ca mới, tổng số ca dương tính với COVID-19 vẫn là 270.

Đến nay đã có 219 người đã khỏi bệnh, còn 51 người đang điều trị tại 9 cơ sở y tế. Trong đó, số ca có kết quả xét nghiệm âm tính lần 1 là 12 ca, số ca có kết quả xét nghiệm âm tính 2 lần trở lên là 9 ca.

Như vậy, Việt Nam đã bước sang ngày thứ 17 không có ca mắc mới COVID-19 trong cộng đồng.

Cập nhật tình hình dịch virus corona ngày 3/5: Thế giới sắp cán mốc 3,5 triệu ca nhiễm, Việt Nam còn 51 người đang điều trị - Ảnh 2.

Nguồn: Bộ Y tế

Về tình trạng sức khoẻ của 3 bệnh nhân diễn biến nặng (số 19,91,161), Tiểu ban Điều trị cho biết, trong đó bệnh nhân số 19 và 161 điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh hiện đều không sốt, đang tập cai thở máy, tập phục hồi chức năng.

Riêng bệnh nhân 91 đang điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh dù tiếp tục có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2, tuy nhiên tiên lượng về trường hợp này còn rất nặng.

Tính đến sáng nay, có 30.530 người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách li). Trong đó, cách li tập trung tại bệnh viện là 246 người, cách li tập trung tại cơ sở khác là 5.748 người và cách li tại nhà, nơi lưu trú là 24.192 người.

Trên thế giới: Số ca tử vong hàng ngày ở Italy tăng vọt trở lại

Ghi nhận đến sáng nay, Mỹ tiếp tục là ổ dịch COVID-19 lớn nhất thế giới với hơn 1,1 triệu ca nhiễm và 67.391 ca tử vong, tăng lần lượt 28.400 và 1.638 ca so với một ngày trước đó.

Tại thành phố New York, một bệnh viện dã chiến khẩn cấp được xây dựng ở Công viên Trung tâm để điều trị cho bệnh nhân nhiễm virus chuẩn bị đóng cửa khi các trường hợp nhiễm giảm.

Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm thứ Sáu tuyên bố rằng remdesivir, một loại thuốc chống virus được phát triển để điều trị Ebola, đã được bật đèn xanh để sử dụng sau khi một thử nghiệm lớn phát hiện ra rằng nó đã tăng cường phục hồi ở bệnh nhân COVID-19 nghiêm trọng.

Châu Âu – nơi chiếm tới hơn một n.ửa số ca tử vong trên toàn cầu (hơn 140.000 người) ghi nhận những dấu hiệu tích cực khi tỉ lệ tử vong đã tăng chậm lại. Một số nước chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch đang rục rịch mở cửa trở lại nền kinh tế.

Tây Ban Nha - ổ dịch lớn nhất Châu Âu và lớn thứ 2 trên thế giới, ghi nhận đến sáng nay có tổng cộng 245.567 ca nhiễm và 25.100 ca tử vong, tăng lần lượt 2.588 và 276 ca trong vòng 24h qua.

Hôm qua (2/5), từ Madrid đến Mallorca, người Tây Ban Nha đổ ra đường khi họ được phép tập thể dục và đi lại tự do bên ngoài sau khi chính phủ nới lỏng lệnh hạn chế sau 7 tuần.

Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez ngày 2/5 cho biết, Chính phủ nước này sẽ sớm thông qua 1 khoản ngân sách trị giá 16 tỉ Euro (tương đương 17,57 tỉ USD) để giúp chính quyền các địa phương đối phó với những thiệt hại kinh tế và xã hội từ dịch bệnh.

Italy, ổ dịch COVID-19 lớn thứ hai tại Châu Âu và lớn thứ 3 thế giới hôm qua ghi nhận thêm 1.900 ca nhiễm và 474 ca tử vong (cao nhất trong gần 2 tuần), nâng tổng số lên lần lượt 209.328 và 28.710 ca.

Sau hai tháng phong tỏa, người dân Italy sẽ được phép đi dạo trong công viên và thăm người thân. Các nhà hàng có thể mở cửa để phục vụ những đơn hàng mang đi và các cửa hàng bán buôn có thể nối lại hoạt động.

Anh hiện đang là ổ dịch lớn thứ 4 trên thế giới với tổng cộng 182.260 ca nhiễm và 28.131 ca tử vong (cao thứ 4 thế giới), tăng lần lượt 4.806 và 621 ca so với một ngày trước đó.

Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancock hôm qua tuyên bố rằng nước này đã đạt được mục tiêu tiến hành 100.000 xét nghiệm COVID-19 mỗi ngày và cho biết đây là một bước tiến cuối cùng tới việc dỡ bỏ các lệnh hạn chế ở nước này

Pháp hiện đang là ổ dịch lớn thứ 5 trên thế giới với 168.396 ca nhiễm và 24.760 ca tử vong, tăng lần lượt 1.050 và 166 ca so với một ngày trước đó.

Lệnh phong tỏa toàn quốc ở Pháp sẽ được dỡ bỏ vào ngày 11/5 nhưng Chính phủ Pháp hôm 2/5 đã quyết định kéo dài tình trạng y tế khẩn cấp thêm hai tháng cho đến cuối tháng 7.

Đức hiện đang là ổ dịch lớn thứ 5 tại Châu Âu và lớn thứ 6 trên thế giới với 164.967 ca nhiễm và 6.812 ca tử vong; tăng lần lượt 890 và 76 ca so với một ngày trước đó.

Chính phủ Đức đã cho phép các cửa hàng và một số doanh nghiệp nhỏ mở cửa trở lại vào tuần trước. Nước này đang chuẩn bị mở cửa lại nhà thờ, bảo tàng và sở thú.

Thủ tướng Đức Angela Merkel ngày 2/5 khẳng định, nước này sẽ đóng góp tài chính đáng kể để phát triển vaccine COVID-19.

Trong vòng 24h qua, Nga – điểm nóng mới ở Châu Âu ghi nhận thêm số ca nhiễm mới tăng kỉ lục thêm 9.623 ca và thêm 53 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 124.054 và 1.222 ca.

Tổng thống Putin đã quyết định kéo dài thời hạn áp dụng các biện pháp duy trì giãn cách xã hội đến ngày 11/5.

Tại Châu Á, Iran hiện đang là ổ dịch lớn nhất khu vực với 96.448 ca nhiễm và 6.156 ca tử vong, tăng lần lượt 802 và 65 ca so với một ngày trước đó.

Trung Quốc đại lục – nơi bùng phát dịch nhưng hiện không còn là tâm dịch của thế giới. Tính đến sáng nay, nước này ghi nhận tổng cộng 82.875 ca nhiễm COVID-19 (tăng 1 ca) và 4.633 ca tử vong.

Tại Đông Nam Á, Singapore hiện đang là ổ dịch lớn nhất khu vực với tổng cộng 17.548 ca nhiễm (tăng 447 ca) và 17 ca tử vong (tăng 1 ca). Một dấu hiệu tích cực là số ca nhiễm hàng ngày tại nước này đang có chiều hướng giảm trong những ngày qua.

Chính phủ Singapore cho biết sẽ mở cửa trở lại một số lĩnh vực kể từ ngày 12/5 trong một lộ trình dỡ bỏ từng bước lệnh phong tỏa một phần đã được áp dụng hai tháng qua.

Indonesia hiện đang là ổ dịch lớn thứ 2 khu vực với tổng cộng 10.843 ca nhiễm và 831 ca tử vong (cao nhất khu vực), tăng lần lượt 292 và 31 ca so với một ngày trước đó.

Philippines hiện đang là ổ dịch lớn thứ 3 khu vực với 8.928 ca nhiễm và 603 ca tử vong, tăng lần lượt 156 và 24 ca so với một ngày trước đó.

Malaysia – ổ dịch lớn thứ 4 khu vực tính đến sáng nay ghi nhận tổng cộng 6.176 ca nhiễm (tăng 105 ca), trong đó có 103 ca tử vong.

Nhiều doanh nghiệp tại nước này được phép hoạt động trở lại từ 4/5. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cung cấp các dịch vụ đặc thù tụ tập đông người và tiếp xúc gần như rạp chiếu phim và các chợ Ramadan, chưa được phép mở cửa trở lại.

Thái Lan hôm qua ghi nhận thêm 6 ca nhiễm, nâng tổng số lên 2.966 ca, trong đó có 54 ca tử vong.

Hà Lê

ĐHĐCĐ Vinhomes: Tiếp tục phát triển siêu đại dự án, có thể ra mắt dự án tại Đông Anh và Đan Phượng năm nay khi hoàn tất pháp lý
Trong năm 2024, ban lãnh đạo Vinhomes (Mã: VHM) trình cổ đông kế hoạch kinh doanh với chỉ tiêu doanh thu 120.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 35.000 tỷ đồng; tăng lần lượt 16% và hơn 4% so với thực hiện năm 2023.