Cập nhật tình hình dịch virus corona ngày 3/4: Số người nhiễm trên toàn cầu vượt một triệu, Việt Nam có ca nhiễm thứ 233
Tính đến 7h sáng nay (3/4), toàn thế giới đã ghi nhận 1.014.499 người mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 do virus SARS-CoV-2 gây ra. Trong đó, có 53.166 người đã tử vong và 212.018 người đã hồi phục (theo trang thống kê toàn cầu Worldometer.
Đến nay, dịch COVID-19 đã xuất hiện tại 204 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới sau khi bùng phát tại thành phố Vũ Hán (Trung Quốc) vào tháng 12/2019.
Việt Nam: Số ca nhiễm COVID-19 tăng lên 233
Theo cập nhật từ Bộ Y tế, tính đến 6h sáng nay (3/4), Việt Nam ghi nhận thêm 6 ca nhiễm, nâng tổng số trường hợp dương tính với COVID-19 lên 233, trong đó 75 người đã khỏi bệnh.
Ngoài ra, tính đến hết ngày (2/4), có 15.814 trường hợp nghi ngờ đã loại trừ, 4.557 trường hợp đang được cách li để theo dõi dấu hiệu và 72.942 người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được cách li theo dõi sức khỏe (34.135 người cách li tại nhà, nơi cư trú).
Đến nay đã có 29 tỉnh thành trên cả nước có người mắc COVID-19, bao gồm: Vĩnh Phúc; TP HCM; Khánh Hòa; Thanh Hóa; Hà Nội; Ninh Bình; Quảng Ninh; Lào Cai; Đà Nẵng; Huế; Quảng Nam; Bình Thuận, Ninh Thuận, Bạc Liêu, Kon Tun, Lâm Đồng, Bắc Giang, Đồng Tháp, Trà Vinh, Lai Châu, Hải Phòng, Nghệ An, Hưng Yên, Lâm Đồng, Kiên Giang, Hà Tĩnh, Thái Bình, Nam Định, Bắc Kạn, Bà Rịa-Vũng Tàu.
Liên quan đến Chỉ thị 15, 16 về các biện pháp phòng chống dịch, có đặt vấn đề cách li xã hội, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Người Phát ngôn của Chính phủ hôm qua cho biết, đã có một số địa phương hiểu và thực hiện sai.
Cụ thể, từ ngày 1/4, đã có một số địa phương tiến hành việc rào đường, hạn chế người đi lại từ địa phương này sang địa phương khác, hay tạm dừng các công trình xây dựng. Bộ trưởng cho biết, việc "ngăn sông cấm chợ" là sai chỉ đạo của Thủ tướng.
Về việc đi lại của người dân từ nơi này sang nơi khác, Chính phủ không cấm, tuy nhiên khuyến cáo người dân hạn chế ra khỏi nhà.
Trên thế giới: Đức vượt Trung Quốc trở thành ổ dịch lớn thứ 4
Tính đến sáng nay (3/4), Trung Quốc đại lục - ổ dịch đầu tiên và hiện đang là ổ dịch lớn thứ 5 trên thế giới ghi nhận tổng cộng 81.589 trường hợp nhiễm COVID-19, trong đó có 3.318ca tử vong. Đáng chú ý, hầu hết các ca nhiễm mới tại quốc gia này thời gian gần đây đều là các ca nhập cảnh.
Bên ngoài Trung Quốc, Mỹ vẫn đang là ổ dịch COVID-19 lớn nhất thế giới với 244.230 ca nhiễm (cao kỉ lục) và 5.883 ca tử vong tính đến sáng nay, tăng lần lượt 29.227 (cao kỉ lục) và 781 ca so với một ngày trước đó.
New York là "tâm dịch" tại Mỹ. Thống đốc bang này, ông Andrew Cuomo ngày 2/4 cho biết với tốc độ sử dụng máy thở cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 như hiện nay, tiểu bang chỉ còn đủ máy dùng cho người bệnh thêm 6 ngày nữa.
Trong khi đó, Tổng thống Donald Trump cho biết Chính phủ nước này đang giữ lại gần 10.000 máy thở bởi để sẵn sàng ứng phó với đợt bùng phát mạnh sắp tới.
Dịch bệnh đang gây ra những thiệt hại lớn về kinh tế tại quốc gia Châu Mỹ này. Đài CNBC dẫn số liệu của Bộ Lao động Mỹ cho biết trong tuần kết thúc vào ngày 28/3 đã có 6,6 triệu đơn xin trợ cấp thất nghiệp được nộp, cao gấp đôi mức 3,3 triệu đơn xin trợ cấp của tuần kết thúc ngày 21/3.
Tại tâm dịch Châu Âu – nơi chiếm tới hơn nửa triệu ca nhiễm và 2/3 số ca tử vong trên toàn cầu , tình hình dịch bệnh vẫn đang căng thẳng.
Italy, ổ dịch COVID-19 lớn nhất Châu Âu và lớn thứ 2 thế giới hôm qua đã ghi nhận thêm 4.668 ca nhiễm và 760 ca tử vong mới, nâng tổng số lên lần lượt 115.242 và 13.915. Italy hiện vẫn là quốc gia có tỉ lệ tử vong cao nhất thế giới.
Tây Ban Nha – quốc gia có số ca tử vong cao thứ 2 thế giới và có tình hình dịch COVID-19 nghiêm trọng thứ 2 tại châu Âu ghi nhận tổng cộng 112.065 ca nhiễm và 10.348 ca tử vong tính đến sáng nay, tăng lần lượt 7.947 và 961 ca so với một ngày trước đó.
Quốc gia này đã áp lệnh phong tỏa toàn quốc từ ngày 14/3 đến 11/4 nhằm hạn chế sự lây lan của dịch bệnh.
Đức đã vượt Trung Quốc và trở thành ổ dịch lớn thứ 4 trên thế giới với 84.794 ca nhiễm, 1.107 ca tử vong, tăng lần lượt 6.813 và 176 ca so với một ngày trước đó. Đức cũng là quốc gia có tỉ lệ tử vong do dịch COVID-19 thấp nhất ở Châu Âu.
Chính phủ Đức cũng đã ra lệnh đóng cửa hầu hết cửa hàng, trường học và áp lệnh cấm tụ tập quá hai người ít nhất đến ngày 19/4.
Pháp hôm qua chứng kiến số ca tử vong do COVID-19 tăng đột biến với 1.355 ca, đây cũng là số ca tử vong hằng ngày cao nhất thế giới vào hôm qua. Nước này cũng ghi nhận thêm 2.116 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca tử vong và ca nhiễm tại nước này lên lần lượt 5.387 và 59.105.
Đến sáng nay, Anh có thêm 4.244 ca nhiễm COVID-19 và 569 ca tử vong (cao kỉ lục), nâng tổng số lên lần lượt 33.718 và 2.921 ca. Thủ tướng Anh Boris Johnson hôm 2/4 cho biết London sẽ tăng cường xét nghiệm hàng loạt trong bối cảnh virus SARS-CoV-2 đang hoành hành mạnh.
Iran vẫn là dịch lớn nhất Trung Đông và thứ hai châu Á, sau Trung Quốc đại lục, với 50.468 ca nhiễm và 3.160 ca tử vong, tăng lần lượt 2.875 và 124 ca so với một ngày trước đó.
Hôm qua, Chủ tịch Quốc hội Iran Ali Larijani (62 tuổi) đã có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19. Hiện nhà lãnh đạo này đang được cách li và điều trị. Ông Larijani là quan chức cấp cao nhất trong hàng ngũ lãnh đạo của Iran mắc COVID-19 cho đến nay.
Tại Đông Nam Á, tính đến sáng nay, Malaysia vẫn là ổ dịch lớn nhất khu vực với 3.116 ca nhiễm và 50 ca tử vong, tăng lần lượt 208 và 5 ca so trong vòng 24h qua. Khu vực có số người mắc COVID-19 nhiều nhất ở Malaysia là thủ đô Kuala Lumpur.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 2/4 dự báo đỉnh dịch COVID-19 tại Malaysia có thể vào giữa tháng 4 khi mà đồ thị về số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 đang đi ngang.
Indonesia vẫn là quốc gia ghi nhận số ca tử vong do COVID-19 cao nhất khu vực. Tính đến sáng nay, quốc gia này ghi nhận tổng cộng 1.790 ca nhiễm và 170 ca tử vong; tăng lần lượt 113 và 13 ca so với một ngày trước đó.
Thái Lan hôm qua ghi nhận thêm 104 ca nhiễm SARS-CoV-2 và 3 trường hợp tử vong, nâng tổng số ca nhiễm bệnh và tử vong lên lần lượt là 1.875 và 15 ca. Chiều 2/4, Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha đã ban bố lệnh giới nghiêm toàn quốc để hạn chế sự lây lan của virus.
Philippines tính đến sáng nay đã ghi nhận thêm 322 ca nhiễm, nâng tổng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 lên 2.633, trong đó 107 người đã tử vong (cao nhất khu vực). Quốc gia này đang là ổ dịch lớn thứ 2 tại Đông Nam Á, sau Malaysia.