Cập nhật tình hình dịch virus corona ngày 26/6: Gần 9,7 triệu ca nhiễm toàn cầu, ba bang của Mỹ áp đặt cách li với 8 bang khác
71 ngày Việt Nam không có ca lây nhiễm trong cộng đồng
Xem thêm: Cập nhật tình hình dịch virus corona ngày 27/6
Bản tin của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 cho biết, hôm nay Việt Nam bước sang ngày 71 không có ca mắc COVID-19 ở cộng đồng.
Tính từ 6h ngày ngày 26/6, Việt Nam ghi nhận tổng cộng 352 ca nhiễm COVID-19. Trong đó có tổng cộng 212 ca nhiễm nhập cảnh được cách li ngay.
Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách li) là 6.889.
Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị - Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, đến thời điểm này đã có 329/352 bệnh nhân COVID-19 ở nước ta được công bố khỏi bệnh, chiếm 94,3% tổng số ca bệnh.
23 bệnh nhân đang điều trị tại các cơ sở y tế, trong đó tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương có số lượng bệnh nhân đông nhất là 9 trường hợp, tiếp theo là tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Bà Rịa hiện đang điều trị 8 trường hợp.
Tính đến sáng ngày 26/6, trong số các bệnh nhân COVID-19 đang điều trị, theo dõi sức khoẻ tại các cơ sở y tế, hiện có một bệnh nhân có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2, 3 bệnh nhân có kết quả xét nghiệm âm tính hai lần trở lên với virus SARS-CoV-2. Hiện còn 19 bệnh nhân dương tính với COVID-19.
Về sức khoẻ bệnh nhân 91, nam phi công người Anh, theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị, bệnh nhân đã tự thở khí phòng, đã cai máy thở 14 ngày, các chỉ số khác bình thường, hồi phục tốt, tâm lý ổn định hơn. Bệnh nhân không ho, giao tiếp tốt bằng lời nói.
Bệnh nhân hiện tỉnh táo, đêm ngủ được, sức cơ hai tay bình thường, sức cơ hai chân 4/5, tự xoay trở trên giường, tự ngồi dậy được, chịu lực hai tay trên khung tập tự đứng dậy và bước được vài bước.
Bệnh nhân tự ăn uống qua miệng. Chức năng gan, thận, tim mạch, men tụy bình thường.
Theo các chuyên gia, đây là giai đoạn vật lí trị liệu, phục hồi chức năng, săn sóc vết thương loét và tăng cường dinh dưỡng. Bệnh nhân cần ít nhất 2-3 tuần để phục hồi thể trạng để có thể đi lại an toàn khi di chuyển.
Đến nay, bệnh nhân 91 đã trải qua 100 ngày điều trị tại bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh và Bệnh viện Chợ Rẫy.
Bệnh viện Chợ Rẫy vẫn đang tiếp tục điều trị và đánh giá các tiêu chí an toàn để đảm bảo bệnh nhân có thể xuất viện hồi hương bằng đường hàng không.
Thế giới gần 9,7 triệu ca nhiễm COVID-19, ba bang của Mỹ áp đặt cách li với 8 bang khác
Trên toàn thế giới, theo cập nhật từ trang Worldometers, tính đến 6h sáng nay 26/6, toàn thế giới có tổng cộng 9.684.628 ca mắc COVID-19, trong đó có 488.910 người tử vong và 5.248.923 bệnh nhân phục hồi.
Đến nay, 215 quốc gia/vùng lãnh thổ (trong đó có hai tàu du lịch) trên toàn cầu ghi nhận trường hợp mắc COVID-19.
Mỹ hiện vẫn là vùng dịch lớn nhất thế giới, ghi nhận tổng số ca nhiễm và tử vong do COVID-19 lần lượt là 2.497.544 ca nhiễm và 124.849 ca tử vong, tăng lần lượt 34.990 và 568 ca trong 24 giờ qua.
Sau vài tuần nhiều khu vực ở Mỹ mở cửa sau dịch, hơn một nửa nước Mỹ đang chứng kiến tình trạng tăng trở lại số ca bệnh COVID-19.
Thống đốc các bang New York, New Jersey và Connecticut vừa thông báo lệnh cách li 14 ngày với những người tới các bang này từ 8 bang gia tăng số ca mắc COVID-19 gồm: Alabama, Arkansas, Arizona, Florida, Bắc Carolina, Nam Carolina, Texas và Utah.
Đây là các bang ghi nhận 10% trong số những người xét nghiệm có kết quả dương tính trong vòng 7 ngày qua.
Brazil tiếp tục là ổ dịch lớn thứ hai trên thế giới, sau Mỹ. Quốc gia này đã vượt quá 1,2 triệu ca nhiễm COVID-19, cụ thể là 1.228.114 ca sau khi ghi nhận thêm 35.640 ca trong 24 giờ qua, trong đó ghi nhận 54.971 ca tử vong.
Theo nguồn tin từ AFP, các chuyên gia cho biết hạn chế xét nghiệm ở đất nước này đồng nghĩa rằng số ca nhiễm và tử vong thực tế ở Brazil còn cao hơn rất nhiều.
Mặc dù sự gia tăng liên tục của các ca nhiễm và tử vong mới, nhiều bang ở Brazil đang thúc đẩy kế hoạch mở cửa trở lại nền kinh tế sau nhiều tháng áp đặt phong tỏa.
Nga, vùng dịch lớn thứ ba thế giới, báo cáo thêm 92 ca tử vong nâng tổng số người chết lên 8.605. Số ca nhiễm tăng thêm 7.113 lên tổng số 613.994 ca.
Anh báo cáo thêm 1.118 ca nhiễm và 149 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 307.980 và 43.230. Nước này đang tiến hành tái mở cửa một cách thận trọng.
Thông báo tại Nghị viện Anh chiều ngày 23/6, Thủ tướng Anh Boris Johnson cho biết, kể từ ngày 4/7, nước Anh sẽ cho mở lại hàng loạt các hoạt động kinh tế-văn hoá. Qui định về giữ khoảng cách 2 m cũng sẽ được rút xuống chỉ còn 1 m.
Bên cạnh đó, dù quyết định gỡ bỏ hầu hết các lệnh phong toả nhưng chính phủ Anh vẫn giữ nguyên qui định cách li 14 ngày với các hành khách nhập cảnh vào Anh trong thời gian tới.
Tại khu vực châu Á, Ấn Độ là vùng dịch lớn thứ tư thế giới với 491.170 ca nhiễm và 15.308 ca tử vong, tăng lần lượt 18.185 và 401.
Trong khi đó, tại Trung Quốc, tổng số ca mắc COVID-19 là 83.449 trường hợp, sau khi ghi nhận thêm 19 ca nhiễm mới và vẫn ghi nhận 4.634 ca tử vong.
Trong số ca nhiễm mới, có thêm 5 ca nhập cảnh và 14 ca nội địa, trong đó 13 trường hợp ở Bắc Kinh. Như vậy, kể từ ngày 11/6 đến nay, thành phố này đã phát hiện 269 ca bệnh từ ổ dịch chợ đầu mối Tân Phát Địa.
Theo nguồn tin từ AFP, với số ca bệnh đang giảm dần, các quan chức Bắc Kinh cho biết về cơ bản đã kiểm soát được ổ dịch bùng phát từ chợ Tân Phát Địa nhưng lo ngại về nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng vẫn tiếp diễn.
Để dịch bệnh không lan rộng, Bắc Kinh đã xét nghiệm ồ ạt người làm việc trong chợ, nhân viên nhà hàng, nhân viên giao hàng, cư dân tại các khu phố có rủi ro trung bình và cao trong tuần qua.
Thành phố tăng năng lực xét nghiệm axit nucleic từ 100.000 lần một ngày lên 300.000 lần một ngày từ đầu tháng 6. Tổng cộng hơn 3,2 triệu người đã được lấy mẫu xét nghiệm.
Giới chuyên gia cảnh báo các đợt bùng phát nhỏ hơn và mang tính định kig có thể tái diễn trong tương lai. Theo các chuyên gia, số ca nhiễm có thể tăng vào mùa đông hoặc mùa xuân tới, nhưng đợt bùng phát mới sẽ không lớn như làn sóng đầu tiên.