|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Cập nhật tình hình dịch virus corona ngày 27/6: Gần 9,9 triệu ca nhiễm toàn cầu, Bắc Kinh nới phong tỏa

07:33 | 27/06/2020
Chia sẻ
Tính đến 7h sáng nay, toàn thế giới có gần 9,9 triệu ca nhiễm COVID-19. Trong khi đó, 72 ngày Việt Nam không có ca mắc COVID-19 ở cộng đồng. Bắc Kinh sẽ dỡ bỏ một phần phong tỏa sau khi thu được khoảng ba triệu mẫu xét nghiệm nCoV.

72 ngày Việt Nam không có ca lây nhiễm trong cộng đồng

Xem thêm: Cập nhật tình hình dịch virus corona ngày 28/6

Theo Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, tính đến 6h ngày 27/6, 72 ngày Việt Nam không có ca lây nhiễm trong cộng đồng. Như vậy, đến nay Việt Nam đã ghi nhận 353 trường hợp mắc bệnh COVID-19. 

Trước đó, chiều 26/6, Việt Nam ghi nhận thêm một ca mắc COVID-19 là công dân từ Cameroon về nước. Bệnh nhân đã được cách li ngay sau khi nhập cảnh nên không có khả năng lây nhiễm ra cộng đồng. 

Cập nhật tình hình dịch virus corona ngày 27/6: Gần 9,9 triệu ca nhiễm toàn cầu, Bắc Kinh nới phong tỏa - Ảnh 1.

Một bệnh nhân nam được công bố khỏi bệnh ngày 26/6. (Nguồn: Bộ Y tế).

Tính đến 6h ngày 27/6, Việt Nam có tổng cộng 213 ca nhiễm nhập cảnh được cách li ngay. Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách li) là 7.846. 

Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị - Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, đến thời điểm này đã có 330/353 bệnh nhân COVID-19 ở nước ta được công bố khỏi bệnh. 

23 bệnh nhân còn lại đang điều trị tại 6 cơ sở y tế, hầu hết sức khỏe ổn định. 4 bệnh nhân âm tính lần một, ba người âm tính lần hai, 16 người dương tính với COVID-19.

Liên quan tới bệnh nhân phi công người Anh điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy, đây là ca nặng nhất, đang hồi phục tốt. Anh chuyển sang giai đoạn phục hồi chức năng, ổn định tâm lí.

Gần 9,9 triệu ca nhiễm COVID-19 toàn cầu, Bắc Kinh nới phong tỏa

Trên toàn thế giới, theo cập nhật từ trang Worldometers, tính đến 7h sáng nay 27/6, toàn thế giới có tổng cộng 9.893.890 ca mắc COVID-19, trong đó có 495.805 người tử vong và 5.345.348 bệnh nhân phục hồi.

Đến nay, 215 quốc gia/vùng lãnh thổ (trong đó có hai tàu du lịch) trên toàn cầu ghi nhận trường hợp mắc COVID-19.

Mỹ hiện vẫn là vùng dịch lớn nhất thế giới, ghi nhận tổng số ca nhiễm và tử vong do COVID-19 lần lượt là 2.549.435 ca nhiễm và 127.379 ca tử vong, tăng lần lượt 44.847 và 599 ca trong 24 giờ qua.

Mỹ liên tiếp ghi nhận ca nhiễm mới cao kỉ lục trong vài ngày qua. Ít nhất 11 bang dừng hoặc đảo ngược kế hoạch mở cửa trở lại do số ca mới tăng mạnh, gồm  Florida, Texas, Arizona, Arkansas, Delaware, Idaho, Louisiana, Maine, Nevada, New Mexico, Bắc Carolina.

Brazil tiếp tục là ổ dịch lớn thứ hai trên thế giới, sau Mỹ. Quốc gia này đã vượt quá 1,2 triệu ca nhiễm COVID-19, cụ thể là 1.280.054 ca sau khi ghi nhận thêm 46.907 ca trong 24 giờ qua, trong đó ghi nhận 56.109 ca tử vong.

Nga, vùng dịch lớn thứ ba thế giới, báo cáo thêm 176 ca tử vong, nâng tổng số người chết lên 8.781. Số ca nhiễm tăng 6.800, lên tổng số 620.794 ca nhiễm. Đây lần đầu tiên ca mới trong một ngày ở Nga dưới 7.000 kể từ cuối tháng 4.

Nga tuyên bố dịch bệnh trong tầm kiểm soát. Tuy nhiên, quốc gia này vẫn chuẩn bị phương án để đối phó với kịch bản làn sóng lây nhiễm mới bùng lên vào mùa thu.

Ấn Độ vẫn tiếp tục là vùng dịch lớn nhất châu Á và lớn thứ tư thế giới với 509.446 ca nhiễm, và 15.689 ca tử vong, tăng lần lượt 18.276 và 381.

Cập nhật tình hình dịch virus corona ngày 27/6: Gần 9,9 triệu ca nhiễm toàn cầu, Bắc Kinh nới phong tỏa - Ảnh 2.

Người dân đeo khẩu trang xếp hàng nhận nhu yếu phẩm tại thủ đô New Delhi ngày 22/5. (Ảnh: AP).

Theo báo cáo của Bộ Y tế Ấn Độ, thủ đô New Delhi là tâm dịch COVID-19 lớn nhất cả nước, chiếm gần 20% tổng số ca nhiễm và tử vong. Chính quyền thủ đô New Delhi vừa qua thông báo sẽ triển khai một chiến dịch xét nghiệm với toàn bộ 28 triệu dân tại thành phố. 

Anh báo cáo thêm 1.380 ca nhiễm và 184 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 309.360 và 43.414. Quốc gia này hiện là nước chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19 nghiêm trọng thứ 5 thế giới, sau Mỹ, Brazil, Nga và Ấn Độ.

Thủ tướng Anh Boris Johnson cho biết, kể từ ngày 4/7, nước Anh sẽ cho mở lại hàng loạt các hoạt động kinh tế-văn hoá. Qui định về giữ khoảng cách 2 m cũng sẽ được rút xuống chỉ còn 1 m.

Bên cạnh đó, dù quyết định gỡ bỏ hầu hết các lệnh phong toả nhưng chính phủ Anh vẫn giữ nguyên qui định cách li 14 ngày với các hành khách nhập cảnh vào Anh trong thời gian tới.

Cũng tại châu Âu, Đức ghi nhận thêm 614 ca nhiễm và 14 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 194.399 và 9.026. 

Chính quyền bang Berlin cho biết, kể từ ngày 27/6 thành phố tiếp tục nới lỏng các qui định giãn cách xã hội. 

Trong khi đó, giới chức y tế Đức đang đối phó đợt bùng phát mới tại nhà máy chế biến thịt Rheda-Wiedenbruck ở quận Gueterloh, bang Bắc Rhine-Westphalia. Bang này đã tái áp đặt phong tỏa với Guetersloh và thị trấn lân cận Warendorf.

Tại Trung Quốc, tổng số ca mắc COVID-19 là 83.462 trường hợp, sau khi ghi nhận thêm 13 ca nhiễm mới và vẫn ghi nhận 4.634 ca tử vong.

Theo nguồn tin từ AFP, Bắc Kinh sẽ dỡ bỏ một phần phong tỏa sau khi thu được khoảng ba triệu mẫu xét nghiệm nCoV.

Giới chức Bắc Kinh cho biết lệnh phong tỏa đã được nới lỏng tại 7 cụm chung cư từ ngày 24/6, sau khi người dân được xác nhận âm tính với nCoV. Các khu vực còn lại vẫn sống dưới lệnh phong tỏa.

Cập nhật tình hình dịch virus corona ngày 27/6: Gần 9,9 triệu ca nhiễm toàn cầu, Bắc Kinh nới phong tỏa - Ảnh 3.

Những người bên trong khu phong tỏa ở Bắc Kinh đợi thức ăn được đưa đến. (Ảnh: AFP).

Với số ca bệnh đang giảm dần, các quan chức Bắc Kinh cho biết về cơ bản đã kiểm soát được ổ dịch bùng phát từ chợ Tân Phát Địa nhưng lo ngại về nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng vẫn tiếp diễn.

Ủy ban y tế và sức khỏe quốc gia Trung Quốc ngày 25/6 đã yêu cầu các địa phương cần sửa đổi các qui định hạn chế đi lại không hợp lí. 

Thông báo yêu cầu, ngoài các qui định quản lí bắt buộc đối với các khu vực có mức độ cảnh báo nguy cơ cao, thì các địa phương có mức độ cảnh báo thấp cần căn cứ vào các qui định pháp luật có liên quan, đưa ra các biện pháp quản lí và kiểm soát hợp lí, không được tăng thêm các yêu cầu hạn chế ngoài các biện pháp đã qui định. Nếu có thì cần sửa đổi ngay. 

Mai Anh