|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Cập nhật tình hình dịch virus corona ngày 23/5: Nam Mỹ là tâm dịch mới, trong đó Brazil bị tác động lớn nhất; Việt Nam còn gần 15.000 người cách li

07:58 | 23/05/2020
Chia sẻ
Nam Mỹ đã trở thành là tâm dịch mới của đại dịch COVID-19, trong đó Brazil bị tác động lớn nhất. Trên toàn thế giới, tổng số ca nhiễm bệnh tính đến sáng nay đã gần chạm mốc 5,3 triệu ca. Nga trải qua "ngày chết chóc" nhất với 150 ca tử vong mới, nâng tổng số ca tử vong tại nước này đến nay lên 3.249. Việt Nam ngày thứ 37 không có ca mắc mới, còn gần 15.000 người đang cách li.

Việt Nam ngày thứ 37 không có ca mắc mới trong cộng đồng, còn gần 15.000 người đang cách li

Bản tin lúc 6h ngày 23/5 của Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng chống dịch COVID-19 cho biết, sáng nay Việt Nam không ghi nhận ca nhiễm COVID-19 mới. Đến nay đã 37 ngày Việt Nam không có ca mắc COVID-19 ở cộng đồng. 

Cập nhật tình hình dịch virus corona ngày 23/5: Nam Mỹ là tâm dịch mới, trong đó Brazil bị tác động lớn nhất; Việt Nam còn gần 15.000 người cách li - Ảnh 1.

Nguồn: Bộ Y tế.

Hiện đến nay Việt Nam có tổng cộng 184 ca nhiễm nhập cảnh được cách li ngay. Sáng nay cũng bước vào ngày thứ 5 Việt Nam chưa ghi nhận ca bệnh nhập cảnh, kể từ 4 ca bệnh trờ về từ Nga và Mỹ được công bố chiều ngày 18/5.

Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được cách li theo dõi sức khỏe là 14.744 người, trong đó, cách li tập trung tại bệnh viện: 266 người; cách li tập trung tại cơ sở khác: 7.726 người; cách li tại nhà, nơi lưu trú: 6.752 người. 

Về tình hình điều trị: Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị- Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, đến thời điểm này có 267/324 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh, chiếm 82% tổng số ca bệnh COVID-19 ở nước ta. 

57 bệnh nhân còn lại đang được điều trị tại 9 cơ sở y tế tuyến trung ương và tuyến tỉnh. Trong đó, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đang điều trị nhiều nhất với 25 ca; Bệnh viện đa khoa Bạc Liêu là 17 ca; Bệnh viện đa khoa Thái Bình là 6 ca...

Tính đến sáng ngày 23/5, trong số các bệnh nhân COVID-19 đang điều trị, theo dõi sức khoẻ tại các cơ sở y tế, hiện có 6 bệnh nhân có kết quả xét nghiệm âm tính lần 1 với virus SARS-CoV-2 và 3 bệnh nhân có kết quả âm tính 2 lần trở lên với virus SARS-CoV-2.

WHO tuyên bố Nam Mỹ là tâm dịch mới của đại dịch COVID-19

Quan chức y tế cấp cao của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 22/5 tuyên bố khu vực Nam Mỹ đã trở thành tâm dịch mới của đại dịch COVID-19.

Tuyên bố được Giám đốc điều hành, đồng thời là người đứng đầu Chương trình khẩn cấp của Tổ chức Y tế thế giới – WHO, ông Mike Ryan đưa ra trong buổi họp báo thường nhật chiều ngày 22/5 của tổ chức này tại trụ sở ở Geneva, Thuỵ Sỹ.

Theo ông Mike Ryan, rất nhiều quốc gia Nam Mỹ có số ca nhiễm gia tăng mỗi ngày. Sự lo lắng đang tràn qua các nước này nhưng ở thời điểm này, Brazil đang là nước bị tác động lớn nhất. 

Cập nhật tình hình dịch virus corona ngày 23/5: Nam Mỹ là tâm dịch mới, trong đó Brazil bị tác động lớn nhất; Việt Nam còn gần 15.000 người cách li - Ảnh 2.

Ảnh minh họa: Reuters.

Hiện Brazil đang là vùng dịch lớn thứ 3 thế giới về số ca nhiễm, sau Mỹ và Nga, với gần 315.000 ca nhiễm bệnh tính đến nay. Còn tính theo số ca tử vong, Brazil hiện đứng thứ 6 thế giới với tổng cộng khoảng 20.000 người thiệt mạng. Các chuyên gia y tế cho biết hệ thống y tế Brazil đang đứng trước bờ vực sụp đổ. 

Ngoài Brazil, các nước khác tại Nam Mỹ như Peru hay Chile cũng đang phải đối mặt với tình hình dịch COVID-19 rất nghiêm trọng.

Đối với các biện pháp ứng phó của Nam Mỹ, Giám đốc điều hành WHO, Mike Ryan cũng lên tiếng cảnh báo việc sử dụng thuốc hydroxychloroquine vào việc điều trị COVID-19, vì cho rằng hiện chưa có đủ chứng cứ khoa học và kết quả thử nghiệm đủ lớn để khuyến cáo sử dụng loại thuốc này.

Thế giới có gần 5,3 triệu người nhiễm, Nga trải qua "ngày chết chóc" với 150 ca tử vong mới

Theo số liệu cập nhật của trang Worldometers về dịch bệnh COVID-19, tính tới 7h sáng nay 23/5, tổng số ca nhiễm bệnh trên toàn thế giới đã gần chạm mốc 5,3 triệu ca, trong đó số người chết là 339.413 người và số người bệnh đã bình phục là hơn 2,15 triệu người. 

Tại Mỹ, tổng số ca nhiễm và tử vong do COVID-19 lần lượt là 1.643.585 người và 97.590 người, sau khi ghi nhận thêm 22.688 ca nhiễm và 1.236 ca tử vong trong 24 giờ qua.

Tất cả 50 bang của Mỹ đã nới lỏng phong tỏa ở các cấp độ khác nhau. Georgia và Texas gỡ hầu hết các hạn chế, song những bang khác có cách tiếp cận thận trọng hơn. Baltimore cấm tụ tập hơn 10 người và các cửa hàng bán lẻ vẫn đóng cửa.

Nga trải qua "ngày chết chóc" nhất với 150 ca tử vong vì COVID-19, nâng tổng số ca tử vong tại nước này đến nay lên 3.249 ca. Về số ca nhiễm mới, trong 24h qua nước này có thêm 8.894 ca nhiễm, là ngày thứ ba liên tiếp có số ca nhiễm mới dưới mức 10.000 ca. 

Hiện số ca nhiễm tại Nga cao thứ hai thế giới, song số ca tử vong tại nước này thấp hơn nhiều so với các quốc gia khác.

Anh ghi nhận 254.195 ca nhiễm và 36.393 ca tử vong, tăng lần lượt 3.287 và 351. Giới chức Anh thông báo kể từ 8/6 sẽ cách li những người nhập cảnh vào nước này trong hai tuần. Những người vi phạm yêu cầu cách li có thể bị phạt tới hơn 1.200 USD.

Tại Italy, tổng số ca mắc COVID-19 tính tới sáng nay là 228.658 trường hợp. Trong đó, số ca tử vong là 32.616 trường hợp và số ca hồi phục là 136.720 người.

Chủ tịch Viện Y tế cấp cao Italy (ISS) Silvio Brusaferro cho biết, đường cong dịch bệnh tại nước này đang ổn định và giảm dần, song ông khẳng định virus SARS-CoV-2 vẫn đang lây lan và không loại trừ khả năng gia tăng trong những tuần tới, do đó ông khuyến cáo người dân không nới lỏng các biện pháp bảo vệ cá nhân.

Tây Ban Nha báo cáo thêm 1.787 ca nhiễm và 56 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 281.904 và 28.628 ca. Chính phủ nước này bắt đầu dỡ lệnh phong tỏa được đánh giá là nghiêm ngặt nhất châu Âu từ hồi đầu tháng. Tuy nhiên, Madrid và Barcelona vẫn duy trì các lệnh hạn chế do chưa kiểm soát được dịch bệnh.

Khánh Hà

ĐHĐCĐ bất thường Eximbank: Thông qua chuyển trụ sở, miễn nhiệm ông Nguyễn Hồ Nam, bà Lương Thị Cẩm Tú và ông Ngô Tony
Tại đại hội lần này, cổ đông ngân hàng đã thông qua việc chuyển trụ sở từ TP HCM ra Hà Nội, miễn nhiệm thành viên Ban Kiểm soát và hai thành viên HĐQT. Tuy nhiên, ĐHĐCĐ đã không thể thông qua việc sửa đổi điều lệ và chấm dứt đầu tư trụ sở chính ở TP HCM.