Cập nhật tình hình dịch virus corona ngày 2/7: Gần 10,8 triệu ca nhiễm toàn cầu, ca nghi nhiễm ở TP HCM âm tính với nCoV
Ca nghi mắc COVID-19 người Indonesia ở Bình Dương và 145 người tiếp xúc đều âm tính
Xem thêm: Cập nhật tình hình dịch virus corona ngày 3/7
Thông tin từ Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 sáng ngày 2/7 cho biết, ca nghi mắc COVID-19 người Indonesia và 145 người tiếp túc đều âm tính với virus SARS-CoV-2. Hôm nay, Việt Nam đã tròn 77 ngày không có ca lây nhiễm trong cộng đồng.
Thông tin từ Viện Pasteur TP HCM cho biết: Viện nhận được thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM về một trường hợp nghi nhiễm virus SARS-CoV-2 làm việc tại Bình Dương đến khám bệnh tại TP HCM.
Ngay trong ngày 1/7/2020, Viện Pasteur TP HCM nhanh chóng hỗ trợ địa phương điều tra dịch tễ, xác minh, thông tin cụ thể như sau:
Công dân Indonesia, nam giới (Tên AJI), sinh 1989. Ông AJI nhập cảnh vào Việt Nam ngày 11/3/2020 qua Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, lưu trú tại tầng 2, Khách sạn Âu Lạc, phường Mỹ Phước, Thị xã Bến Cát.
Ông là kĩ sư máy cho Nhà máy số 4, công ty Kyungbang tại Khu công nghiệp Bàu Bàng, Thị trấn Lai Uyên, cách Khách sạn lưu trú 20 km, sáng đi tối về bằng xe đưa rước riêng hàng ngày của công ty.
Trong quá trình ở Việt Nam từ 11/3/2020 đến nay, ông AJI có sức khỏe bình thường, chủ yếu sinh sống và đi lại từ khách sạn đến nơi làm việc.
Qua điều tra các nơi, tổng cộng có 145 người đã từng tiếp xúc với ông AJI, bao gồm: nơi làm việc 132 người (đồng nghiệp, lãnh đạo công ty, lái xe, công nhân), nơi lưu trú khách sạn (7 người), tại quán ăn (2 người), phòng khám Family Medical Practice -Quận 2 (4 nhân viên đã có kết quả xét nghiệm âm tính).
Cùng ngày 1/7/2020, Viện Pasteur TP HCM đã thực hiện xét nghiệm, kết quả cho thấy ông AJI và tất cả người tiếp xúc đều âm tính với SARS-CoV-2.
Tính đến 6h ngày 2/7, Việt Nam có tổng cộng 215 ca nhiễm nhập cảnh được cách li ngay. Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách li) là 13.085.
Theo thông tin của Tiểu ban Điều trị, đến thời điểm này đã có 336/355 bệnh nhân COVID-19 ở nước ta được công bố khỏi bệnh, chiếm 94,4% tổng số ca bệnh.
19 bệnh nhân đang điều trị tại các cơ sở y tế trong tình trạng sức khoẻ ổn định. Tính đến sáng ngày 2/7, trong số các bệnh nhân COVID-19 đang điều trị, theo dõi sức khoẻ tại các cơ sở y tế, hiện có 4 bệnh nhân có kết quả xét nghiệm âm tính lần 1 với virus SARS-CoV-2; và 4 bệnh nhân có kết quả xét nghiệm âm tính 2 lần trở lên với virus SARS-CoV-2. Hiện còn 11 bệnh nhân dương tính với COVID-19.
Gần 10,8 triệu ca nhiễm COVID-19 toàn cầu, Nhật Bản, Hàn Quốc đối mặt với nguy cơ làn sóng dịch lần hai
Trên toàn thế giới, theo cập nhật từ trang Worldometers, tính đến 7h sáng nay 2/7, toàn thế giới có tổng cộng 10.788.844 ca mắc COVID-19, trong đó có 517.970 người tử vong và 5.928.941 bệnh nhân phục hồi.
Đến nay, 215 quốc gia/vùng lãnh thổ (trong đó có hai tàu du lịch) trên toàn cầu ghi nhận trường hợp mắc COVID-19.
Mỹ hiện vẫn là vùng dịch lớn nhất thế giới, ghi nhận tổng số ca nhiễm và tử vong do COVID-19 lần lượt là 2.775.667 ca nhiễm và 130.763 ca tử vong, tăng lần lượt 47.814 và 641 ca trong 24 giờ qua.
Đa số các ca nhiễm mới của Mỹ xuất hiện tại các bang miền Tây và miền Nam. Nguyên nhân khiến số ca tăng cao trở lại cộng đồng là do tâm lí chủ quan, lơ là phòng dịch của người dân và nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội.
Theo Tiến sĩ Anthony Fauci, Giám đốc Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia ngày 30/6 cảnh báo các nghị sĩ quốc hội rằng, số ca mắc COVID-19 tại Mỹ có thể lên tới mức 100.000 ca mỗi ngày nếu không thực hiện nghiêm ngặt việc giãn cách xã hội cũng như các biện pháp khác.
Brazil là nước bị ảnh hưởng nặng nhất bởi COVID-19 ở Nam Bán cầu, và là ổ dịch lớn thứ hai trên thế giới. Quốc gia Nam Mỹ này ghi nhận thêm 44.884 ca mắc và 1.057 ca tử vong, nâng tổng số lên 1.453.369 ca bệnh và 60.713 ca tử vong.
Ngày 1/7, Brazil thông báo quyết định gia hạn 30 ngày lệnh cấm nhập cảnh với người nước ngoài để tiếp tục duy trì các biện pháp đối phó với sự lây lan của dịch COVID-19 ở quốc gia Nam Mỹ.
Thông báo của Chính phủ Brazil nêu rõ, lệnh cấm được áp dụng đối với mọi hình thức nhập cảnh gồm đường bộ, hàng không và đường biển. Tuy nhiên, hạn chế đã loại trừ những người nước ngoài có thị thực tạm thời để thực hiện các hoạt động nghệ thuật, giáo dục, thể thao và kinh doanh, với thời hạn cụ thể.
Nga - Vùng dịch lớn thứ ba thế giới, báo cáo thêm 216 ca tử vong, nâng tổng số người chết lên 9.536. Số ca nhiễm tăng 6.556, lên tổng số 654.405 ca nhiễm. Số ca nhiễm mới trong một ngày ở Nga tiếp tục ghi nhận dưới 7.000 kể từ cuối tháng 4.
Tại khu vực châu Âu, Anh hiện vẫn là vùng dịch lớn thứ 5 trên thế giới ghi nhận thêm 829 ca mắc và 176 ca tử vong do COVID-19, nâng tổng số ca mắc và tử vong tại nước này hiện tại lần lượt là 313.483 và 43.906.
Theo nguồn tin từ AFP, Chính phủ đã quyết định phong tỏa thành phố Leicester, miền trung nước Anh sau khi ghi nhận số lượng ca nhiễm mới tăng nhanh trở lại.
Các ca nhiễm mới ở thành phố Leicester chủ yếu liên quan tới các cụm dịch mới bùng phát tại các nhà máy chế biến thực phẩm và những đám đông tụ tập tại các nhà hàng bán đồ ăn nhanh.
Do đó, Bộ Y tế Anh quyết định không triển khai giai đoạn nới lỏng phong tỏa tiếp theo tại thành phố này từ ngày 4/7 tới như áp dụng với các địa phương khác trên cả nước.
Tại Ấn Độ - Vùng dịch lớn thứ 4 trên thế giới tiếp tục triển khai giai đoạn hai nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội, khi cho phép thêm nhiều chuyến bay nội địa và các chuyến tàu hỏa giữa các bang hoạt động, đồng thời rút ngắn lệnh giới nghiêm ban đêm.
Tuy nhiên, một số thành phố vẫn gia hạn lệnh phong tỏa. Hiện, Ấn Độ đã ghi nhận tổng cộng 605.216 ca nhiễm và 17.848 ca tử vong do COVID-19.
Dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia và tại một số quốc gia châu Á đang phải đối mặt với nguy cơ bùng phát đợt dịch thứ hai.
Số ca mắc mới tăng mạnh ở nhiều nơi ở châu Á, trong đó phải kể đến một số điểm nóng từng kiểm soát tốt dịch bệnh như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản.
Tại Trung Quốc, ghi nhận thêm ba ca mới trong ngày 30/6, tất cả đều là lây nhiễm trong nước và đều ở thủ đô Bắc Kinh trong khi không có thêm ca tử vong nào. Như vậy, Trung Quốc đại lục ghi nhận tổng cộng 83.534 ca nhiễm, trong đó có 4.634 ca tử vong.
Tại Hàn Quốc, với 51 ca mới được phát hiện (gồm 15 ca nhập cảnh và 36 ca lây nhiễm trong cộng đồng), tổng số ca ở nước này tăng lên 12.850 ca. Đây là ngày thứ ba liên tiếp Hàn Quốc có số ca nhiễm mới tăng từ 40 ca/ngày. Số người tử vong không tăng với con số 282 ca tính từ ngày 26/6.
Từ ngày 1/7, Hàn Quốc qui định 8 loại hình cơ sở kinh doanh có nguy cơ lây nhiễm COVID-19 cao như quán karaoke, phòng tập thể thao trong nhà, phải áp dụng hệ thống điện tử quét mã QR trên điện thoại thông minh để lưu danh sách người ra vào.
Trong khi đó, Thủ đô Tokyo của Nhật Bản ngày 1/7 ghi nhận thêm 67 ca nhiễm, mức cao nhất trong ngày kể từ khi Thủ tướng Shinzo Abe dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc vào ngày 25/5. Số người nhiễm mới tập trung tại câu lạc bộ giải trí, nhà hàng và đa phần là người trẻ tuổi.
Đây là ngày thứ 6 liên tiếp Tokyo có số ca nhiễm mới vượt ngưỡng 50 ca/ngày. Như vậy, tổng số ca mắc COVID-19 ở thành phố này hiện là 6.292 người. Tổng số ca nhiễm COVID-19 và số ca tử vong tại Nhật Bản lần lượt là 18.723 và 974.