|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Cập nhật tình hình dịch virus corona ngày 2/4: Gần 1 triệu người nhiễm trên toàn cầu, Việt Nam có ca nhiễm thứ 222

07:56 | 02/04/2020
Chia sẻ
Ghi nhận đến sáng nay, dịch COVID-19 đã xuất hiện tại 203 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới khiến hơn 935.000 người nhiễm và hơn 47.000 người tử vong.

Tính đến 7h sáng nay (2/4), toàn thế giới đã ghi nhận 935.152 người mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 do virus SARS-CoV-2 gây ra. Trong đó, có 47.190 người đã tử vong và 193.989 người đã hồi phục (theo trang thống kê toàn cầu Worldometer).

Đến nay, dịch COVID-19 đã xuất hiện tại 203 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới sau khi bùng phát tại thành phố Vũ Hán (Trung Quốc) vào tháng 12/2019.

Người đứng đầu Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus, cho biết, số ca nhiễm mới trên toàn cầu sẽ đạt một triệu trong vài ngày tới.

"Tôi lo ngại sâu sắc về sự leo thang nhanh chóng và sự lây lan toàn cầu", ông nói trong một cuộc họp báo trực tuyến.

Cập nhật tình hình dịch virus corona ngày 2/4: Gần 1 triệu người nhiễm trên toàn cầu, Việt Nam có ca nhiễm thứ 222 - Ảnh 1.

Đã có gần 1 triệu người nhiễm COVID-19 trên toàn cầu tính đến sáng nay. (Ảnh minh họa: AFP)

Việt Nam: Số ca nhiễm COVID-19 tăng lên 222

Theo cập nhật từ Bộ Y tế, tính đến 6h sáng nay (2/4), Việt Nam ghi nhận thêm 4 ca nhiễm, nâng tổng số trường hợp dương tính với COVID-19 lên 222, trong đó 63 người đã khỏi bệnh.

Ngoài ra, tính đến tối qua (1/4), có 11.051 trường hợp nghi ngờ đã loại trừ, 4.671 trường hợp đang được cách li để theo dõi dấu hiệu và 79.537 người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được cách li theo dõi sức khỏe (38.821 người cách li tại nhà, nơi cư trú).

Đến nay đã có 27 tỉnh thành trên cả nước có người mắc COVID-19, bao gồm: Vĩnh Phúc; TP HCM; Khánh Hòa; Thanh Hóa; Hà Nội; Ninh Bình; Quảng Ninh; Lào Cai; Đà Nẵng; Huế; Quảng Nam; Bình Thuận, Ninh Thuận, Bạc Liêu, Kon Tun, Lâm Đồng, Bắc Giang, Đồng Tháp, Trà Vinh, Lai Châu, Hải Phòng, Nghệ An, Hưng Yên, Lâm Đồng, Kiên Giang, Hà Tĩnh, Thái Bình.

Hôm qua (1/4), Thủ trướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chính thức kí Quyết định công bố dịch trên toàn quốc.

Cụ thể, Thủ tướng quyết định công bố dịch truyền nhiễm tại Việt Nam:

1. Tên dịch bệnh: COVID-19 (dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona gây ra).

2. Thời gian xảy ra dịch: Từ ngày 23/1/2020 (thời điểm xác định trường hợp đầu tiên mắc ca bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona gây ra).

3. Địa điểm và quy mô xảy ra dịch: Toàn quốc.

4. Nguyên nhân: Do chủng mới của virus corona gây ra.

5. Tính chất, mức độ nguy hiểm của dịch: Bệnh truyền nhiễm nhóm A, nguy cơ ở mức độ đại dịch toàn cầu.

6. Đường lây: Lây truyền qua đường hô hấp từ người sang người.

Trên thế giới: Anh và Pháp ghi nhận số ca tử vong trong ngày cao kỉ lục

Tính đến sáng nay, Trung Quốc đại lục - ổ dịch đầu tiên và hiện đang là ổ dịch lớn thứ 4 trên thế giới ghi nhận tổng cộng 81.554 trường hợp nhiễm COVID-19, trong đó có 3.312 ca tử vong. Đáng chú ý, hầu hết các ca nhiễm mới tại quốc gia này thời gian gần đây đều là các ca nhập cảnh.

Mỹ vẫn đang là ổ dịch COVID-19 lớn nhất thế giới với 214.639 ca nhiễm (cao kỉ lục) và 5.099 ca tử vong tính đến sáng nay, tăng mạnh lần lượt 26.109 và 1.046 ca so với một ngày trước đó.

Trong đó, New York - khu vực đông dân nhất của Mỹ vẫn đang là tâm dịch với số ca tử vong tăng mạnh. Tình trạng quá tải ở nhà xác khiến Cơ quan Quản lý Khẩn cấp Liên bang Mỹ (FEMA) đã phải điều 85 xe đông lạnh tới New York làm nhà xác dã chiến. New York tuyên bố sẽ đóng cửa tất cả các sân chơi và sân bóng rổ để hạn chế lây nhiễm.

Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence hôm 1/4 cho rằng tình hình bùng phát tồi tệ nhất của virus SARS-CoV-2 đối với Mỹ có thể sẽ chấm dứt vào đầu tháng 6 nếu mọi chỉ dẫn được tuân thủ.

Tuy nhiên, Tiến sĩ Anthony Fauci, chuyên gia hàng đầu về bệnh truyền nhiễm của Mỹ cho rằng, dù có những chỉ dấu hiệu sớm cho thấy biện pháp giãn cách xã hội dường như đang đạt hiệu quả, Mỹ có thể chứng kiến đợt bùng phát mới của virus SARS-CoV-2 vào mùa Thu.

Tại tâm dịch Châu Âu – nơi chiếm tới 2/3 số ca tử vong trên toàn cầu, tình hình dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp và chưa có dấu hiệu suy giảm.

Italy, ổ dịch COVID-19 lớn nhất Châu Âu và lớn thứ 2 thế giới hôm qua đã ghi nhận thêm 4.782 ca nhiễm và 727 ca tử vong mới (số ca tử vong thấp nhất trong ngày kể từ 26/3), nâng tổng số lên lần lượt 110.574 và 13.155. Italy hiện vẫn là quốc gia có tỉ lệ tử vong cao nhất thế giới.

"Nếu chúng ta bắt đầu nới lỏng các biện pháp của mình bây giờ, tất cả những nỗ lực của chúng ta sẽ là vô ích", hãng tin AFP dẫn lời Thủ tướng Italy Giuseppe Conte.

Ngày 1/4, Thủ tướng Giuseppe Conte đã kí sắc lệnh kéo dài tình trạng phong tỏa trên cả nước tới ngày 13/4.

Tây Ban Nha – quốc gia có số ca tử vong cao thứ 2 thế giới và có tình hình dịch COVID-19 nghiêm trọng thứ 2 tại châu Âu ghi nhận tổng cộng 104.118 ca nhiễm và 9.387 ca tử vong tính đến sáng nay, tăng lần lượt 8.195 và 923 ca so với một ngày trước đó.

Đức hiện đang là ổ dịch lớn thứ 5 trên thế giới với 77.981 ca nhiễm, 931 ca tử vong, tăng lần lượt 6.173 và 156 ca so với một ngày trước đó. Đức cũng là quốc gia có tỉ lệ tử vong do dịch COVID-19 thấp nhất ở Châu Âu.

Chính phủ Đức hôm 28/3 đã quyết định kéo dài lệnh đóng cửa trường học, nhà hàng, quán bar, rạp chiếu phim và những hoạt động giải trí khác ít nhất đến ngày 20/4.

Trong vòng 24h qua, Pháp đã ghi nhận thêm 509 ca tử vong (cao kỉ lục) do virus SARS-CoV-2 và 4.861 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca tử vong và ca nhiễm tại nước này lên lần lượt 4.032 và 56.989.

Bộ Y tế Pháp hôm qua (1/4) cho biết, nước này đã triển khai hai chiếc tàu cao tốc vận chuyển 36 bệnh nhân nhiễm virus SAR-CoV-2 từ từ Paris tới miền tây nước Pháp nhằm giảm bớt áp lực cho các bệnh viện đang bị quá tải tại khu vực thủ đô.

Iran vẫn là dịch lớn nhất Trung Đông và thứ hai châu Á, sau Trung Quốc đại lục, với 47.593 ca nhiễm và 3.036 ca tử vong, tăng lần lượt 2.988 và 138 ca so với một ngày trước đó.

Đến sáng nay, Anh có thêm 4.324 ca nhiễm COVID-19 và 563 ca tử vong (cao kỉ lục), nâng tổng số lên lần lượt 29.474 và 2.352.

Tại Đông Nam Á, tính đến sáng nay, Malaysia vẫn là ổ dịch lớn nhất khu vực với 2.908 ca nhiễm và 45ca tử vong, tăng lần lượt 142 và 2 ca so trong vòng 24h qua. Khu vực có số người mắc COVID-19 nhiều nhất ở Malaysia là thủ đô Kuala Lumpur.

Indonesia vẫn là quốc gia ghi nhận số ca tử vong do COVID-19 cao nhất khu vực. Tính đến sáng nay, quốc gia này ghi nhận tổng cộng 1.677 ca nhiễm và 157 ca tử vong; tăng lần lượt 149 và 21 ca so với một ngày trước đó.

Thái Lan hôm qua ghi nhận thêm 120 ca nhiễm SARS-CoV-2 và 2 trường hợp tử vong, nâng tổng số ca nhiễm bệnh và tử vong lên lần lượt là 1.771 và 12 ca.

Philippines tính đến sáng nay đã ghi nhận thêm 227 ca nhiễm, nâng tổng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 lên 2.311, trong đó 96 người đã tử vong. Quốc gia này đang là ổ dịch lớn thứ 2 tại Đông Nam Á, sau Malaysia.

Hà Lê

Liên tục tăng trưởng, FDI có trở thành 'trụ cột' cho nền kinh tế năm nay?
Trong tháng 4, lượng vốn FDI và số dự án đầu tư mới đạt mức cao nhất kể từ đầu năm. Xu hướng tích cực của dòng vốn FDI được kỳ vọng sẽ trở thành động lực quan trọng cho tăng trưởng, là 'trụ cột' quan trọng cho nền kinh tế trong bối cảnh đầu tư công chậm lại và đầu tư tư nhân vẫn ở mức rất thấp.