|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Cập nhật tình hình dịch virus corona ngày 16/5: Mỹ sắp cán mốc 90.000 người tử vong, Việt Nam thêm một ca nhiễm mới

07:50 | 16/05/2020
Chia sẻ
Thế giới đã vượt mốc 4,6 triệu ca nhiễm trong khi Nga và Brazil tiếp tục ghi nhận số ca nhiễm hàng ngày tăng mạnh.

Tính đến 7h sáng nay (16/5), toàn thế giới đã ghi nhận hơn 4,6 triệu người mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 do virus SARS-CoV-2 gây ra. Trong đó, có 308.117 người đã tử vong và hơn 1,7 triệu người đã hồi phục (theo trang thống kê toàn cầu Worldometers).

Đại dịch COVID-19 đã xuất hiện tại 212 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới sau khi bùng phát tại thành phố Vũ Hán (Trung Quốc) vào tháng 12/2019.

Cập nhật tình hình dịch virus corona ngày 16/5: Mỹ sắp cán mốc 90.000 người tử vong, Việt Nam thêm một ca nhiễm mới - Ảnh 1.

Đã có hơn 4,6 triệu người trên toàn cầu mắc COVID-19. (Ảnh: AFP)

Việt Nam: Thêm một ca nhiễm mới

Theo cập nhật từ Bộ Y tế, đến sáng nay (16/5), Việt Nam ghi nhận thêm 1 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca dương tính với COVID-19 lên 314.

Đây là BN314 (nữ, 62 tuổi, Thanh Hóa), đây là hành khách về nước trên chuyến bay mang số hiệu VN0062 từ Nga hạ cánh xuống sân bay Vân Đồn, Quảng Ninh ngày 13/5. Hành khách này được cách li ngay sau khi nhập cảnh, không có nguy cơ lây nhiễm ra cộng đồng.

Đến nay đã có 260 người đã khỏi bệnh, còn 54 người đang điều trị tại 8 cơ sở y tế. Trong đó, số ca có kết quả âm tính lần 1 là 3, lần 2 lần trở lên là 10 ca. Hiện còn 41 bệnh nhân COVID-19 có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2

Tính đến sáng nay, có 12.236 người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách li). Trong đó, cách li tập trung tại bệnh viện là 353 người, cách li tập trung tại cơ sở khác là 8.492 người và cách li tại nhà, nơi lưu trú là 3.391 người.

Như vậy, Việt Nam đã bước sang ngày thứ 30 không có ca lây nhiễm trong cộng đồng.

Trên thế giới: Số ca nhiễm hàng ngày tại Nga vẫn tăng mạnh

Ghi nhận đến sáng nay, Mỹ tiếp tục là ổ dịch COVID-19 lớn nhất thế giới với tổng cộng 1,48 triệu ca nhiễm và 88.475 ca tử vong, tăng lần lượt 25.275 và 1.565 ca so với một ngày trước đó.

Lệnh phong tỏa do COVID-19 áp dụng trên toàn nước Mỹ dự kiến hết hiệu lực vào ngày 15/5 (tức ngày 16/5 theo giờ Việt Nam).

Hầu hết các bang Mỹ đang mở cửa lại theo từng giai đoạn. Maryland và Virginia mở cửa trở lại từ 15/5. trong khi Washington tiếp tục kéo dài lệnh phong tỏa đến hết ngày 8/6 vì tình hình dịch tại đây không cải thiện.

Các biện pháp phong tỏa ở thành phố New York của Mỹ sẽ được gia hạn đến ngày 13/6. Tuy nhiên, sắc lệnh cho phép nới lỏng các biện pháp hạn chế di chuyển và cho phép doanh nghiệp hoạt động trở lại.

Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 15/5 cho biết, Chính phủ Mỹ đang hợp tác với các nước khác để phát triển vaccine phòng virus SARS CoV-2 sớm nhất có thể và hi vọng sẽ hoàn thành vào cuối năm 2020.

Từ Mỹ đến Châu Âu và Châu Á, chính quyền quốc gia và địa phương đang nới lỏng các lệnh phong tỏa để người dân có thể quay trở lại làm việc.

Tây Ban Nha - ổ dịch lớn nhất Châu Âu và lớn thứ 2 trên thế giới, ghi nhận đến sáng nay có tổng cộng 274.367 ca nhiễm và 27.459 ca tử vong, tăng lần lượt 1.721 và 138 ca trong vòng 24h qua.

Tình hình dịch bệnh tại quốc gia này ghi nhận sự thuyên giảm đáng kể. Các quán bar, nhà hàng và cơ sở tôn giáo ở một số khu vực tại quốc gia này được mở cửa trở lại và người dân cũng được phép tụ tập bạn bè và người thân với qui mô dưới 10 người.

Bộ trưởng Y tế Tây Ban Nha Salvador Illia vừa tuyên bố nước này chưa có miễn dịch cộng đồng, vì miễn dịch cộng đồng chỉ có thể đạt được khi ít nhất 60% dân số nhiễm virus.

Nga đang là ổ dịch lớn thứ 2 Châu Âu và lớn thứ 3 thế giới. Trong vòng 24h qua, quốc gia này ghi nhận thêm 10.598 ca nhiễm mới, nâng tổng số lên 262.843 ca, trong đó có 2.418 ca tử vong (tăng 113 ca).

Theo đánh giá của Tổ chức "Chính trị St.Peterburg", các khu vực ở Nga không nên vội dỡ bỏ chế độ cách li. Có 21 khu vực của Liên bang Nga chưa thực sự nới lỏng các biện pháp cách li sau khi Tổng thống V.Putin tuyên bố kết thúc giai đoạn không làm việc từ  ngày 12/5.

Anh đang là ổ dịch lớn thứ 4 trên thế giới với tổng cộng 236.711 ca nhiễm và 33.998 ca tử vong, tăng lần lượt 3.560 và 384 ca so với một ngày trước đó. Anh hiện là quốc gia có nhiều ca tử vong nhất tại Châu Âu.

Người dân Anh đã được phép ra khỏi nhà và đi làm trong giai đoạn đầu tiên của việc nới lỏng lệnh phong tỏa sau 7 tuần. Tuy nhiên, những người đi làm được yêu cầu sử dụng xe đạp hoặc đi bộ thay vì sử dụng phương tiện công cộng.

Italy, ổ dịch COVID-19 lớn thứ 4 tại Châu Âu và lớn thứ 5 thế giới hôm qua ghi nhận thêm 789 ca nhiễm và 242 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 223.885 và 31.610 ca.

Người dân được phép đi lại trong vùng để thăm người thân, nhưng phải đeo khẩu trang. Trong khi đó, nhiều trường học và nhiều hoạt động kinh doanh khác vẫn đóng cửa.

Brazil đang là ổ dịch lớn thứ 6 trên thế giới với tổng cộng 218.223 ca nhiễm (tăng kỉ lục 15.305 ca) và 14.817 ca tử vong. Ngày 15/5, Bộ trưởng Y tế Barsil Nelson Teich đã nộp đơn xin từ chức chỉ trong vòng chưa đầy một tháng nhậm chức do bất đồng với Tổng thống  Brazil Jair Bolsonaro trong cách thức xử lí khủng hoảng.

Pháp hiện đang là ổ dịch lớn thứ 7 trên thế giới với 179.506 ca nhiễm và 27.529 ca tử vong.

Các quan chức Pháp đã cho phép mở lại những bãi biển rộng lớn dọc theo bờ biển Đại Tây Dương nhưng người dân chỉ được phép đi dạo và bơi lội, không tắm nắng và không được tụ tập đông.

Chính phủ Pháp đang tính phương án tổ chức vòng 2 cuộc bầu cử địa phương vào ngày 28/ 6 tới.

Đức hiện đang là ổ dịch lớn thứ 8 trên thế giới với 175.699 ca nhiễm, trong đó có 8.001 ca tử vong. Đức cũng đã bắt đầu mở lại các cửa hàng, quán ăn, trường học và phòng tập thể dục.

Đức đang bắt đầu nới lỏng một số biện pháp kiểm soát biên giới được áp đặt nhằm khống chế đà lây lan của đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Tại Châu Á, Iran vẫn đang là ổ dịch lớn nhất khu vực với 116.635 ca nhiễm và 6.902 ca tử vong. Ấn Độ đang là ổ dịch lớn thứ 2 với 85.784 ca nhiễm và 2.753 ca tử vong.

Trung Quốc đại lục – nơi bùng phát dịch nhưng hiện không còn là tâm dịch của thế giới. Tính đến sáng nay, nước này ghi nhận tổng cộng 82.933 ca nhiễm COVID-19 (tăng 4 ca) và 4.633 ca tử vong.

Tất cả 4 ca nhiễm đều ở thành phố Cát Lâm. Các trường hợp này được phát hiện do chủ động rà soát vì có liên quan đến ca bệnh trong cộng đồng ở Thư Lan, thành phố cấp huyện thuộc Cát Lâm hôm 7/5.

Tại Đông Nam Á, Singapore vẫn đang là ổ dịch lớn nhất khu vực với tổng cộng 26.891 ca nhiễm (tăng 793 ca) và 21 ca tử vong.

Indonesia đang là ổ dịch lớn thứ 2 khu vực với tổng cộng 16.496 ca nhiễm và 1.076 ca tử vong (cao nhất khu vực), tăng lần lượt 490 và 33 ca so với một ngày trước đó.

Philippines là ổ dịch lớn thứ 3 khu vực với 12.091 ca nhiễm và 806 ca tử vong, tăng lần lượt 215 và 16 ca so với một ngày trước đó.

Malaysia – ổ dịch lớn thứ 4 khu vực tính đến sáng nay ghi nhận tổng cộng 6.855 ca nhiễm (tăng 36 ca), trong đó có 112 ca tử vong.

Hà Lê

Danh mục tự doanh 11 tỷ USD của các CTCK đang phân bổ như thế nào?
Giá trị tự doanh toàn ngành chứng khoán đã vượt mức 11 tỷ USD tại cuối 2024. Đa số các công ty ghi nhận FVTPL chiếm tỷ trọng lớn nhất cơ cấu mảng tự doanh. Trong khi đó, MBS, ACB chủ yếu phân bổ tại HTM, còn Vietcap, TBCS tiếp tục ghi nhận phần lớn ở khoản AFS.