Cập nhật tình hình dịch virus corona ngày 14/5: Nga sắp có vaccine, Brazil thành điểm nóng mới
Xem thêm: Cập nhật tình hình dịch virus corona ngày 15/5
Tính đến 7h sáng nay (14/5), toàn thế giới đã ghi nhận hơn 4,4 triệu người mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 do virus SARS-CoV-2 gây ra. Trong đó, có 297.718 người đã tử vong và hơn 1,6 triệu người đã hồi phục (theo trang thống kê toàn cầu Worldometer).
Đại dịch COVID-19 đã xuất hiện tại 212 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới sau khi bùng phát tại thành phố Vũ Hán (Trung Quốc) vào tháng 12/2019.
Việt Nam: Còn 19 ca xét nghiệm dương tính
Theo cập nhật từ Bộ Y tế, đến sáng nay (14/5), Việt Nam tiếp tục không nhận thêm ca nhiễm mới, tổng số ca dương tính với COVID-19 vẫn là 288.
Đến nay đã có 252 người đã khỏi bệnh, còn 36 người đang điều trị tại 6 cơ sở y tế. Đa số các bệnh nhân đều có sức khoẻ ổn định. Trong đó, số ca có kết quả âm tính lần 1 là 6, lần 2 lần trở lên là 11 ca. Hiện chỉ còn lại 19 bệnh nhân COVID-19 có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2
Tính đến sáng nay, có 13.719 người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách li). Trong đó, cách li tập trung tại bệnh viện là 324 người, cách li tập trung tại cơ sở khác là 7.254 người và cách li tại nhà, nơi lưu trú là 6.141 người.
Như vậy, Việt Nam đã bước sang ngày thứ 28 bảo vệ được thành quả bước đầu trong chống dịch COVID-19 là không có ca lây nhiễm trong cộng đồng.
Trên thế giới: Gần 298.000 người tử vong
Ghi nhận đến sáng nay, Mỹ tiếp tục là ổ dịch COVID-19 lớn nhất thế giới với tổng cộng 1,42 triệu ca nhiễm và 85.172 ca tử vong, tăng lần lượt 21.137 và 1.747 ca so với một ngày trước đó.
Thị trưởng thủ đô Washington của Mỹ thông báo sẽ kéo dài lệnh phong tỏa thêm một tháng đến ngày 8/6 do thủ đô Washington chưa đạt được tất cả các tiêu chí về mở cửa trở lại.
Mô hình của Viện Đo lường và đánh giá sức khỏe tại Đại học Washington cho rằng số người tử vong do COVID-19 ở Mỹ có thể vượt quá 147.000 vào đầu tháng 8, cao hơn gần 10.000 so với dự báo trước đó.
Việc điều chỉnh về dự báo được dựa trên các thay đổi trong xét nghiệm cũng như chính sách nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội ở nhiều bang hiện nay nhằm tái khởi động nền kinh tế.
Tình hình dịch bệnh đã có dấu hiệu hạ nhiệt, nhiều quốc gia châu Âu hiện đang thận trọng nới lỏng các hạn chế với hi vọng ổn định lại nền kinh tế.
Tây Ban Nha - ổ dịch lớn nhất Châu Âu và lớn thứ 2 trên thế giới, ghi nhận đến sáng nay có tổng cộng 271.095 ca nhiễm và 27.104 ca tử vong, tăng lần lượt 1.575 và 184 ca trong vòng 24h qua.
Các quán bar, nhà hàng và cơ sở tôn giáo ở một số khu vực tại quốc gia này được mở cửa trở lại và người dân cũng được phép tụ tập bạn bè và người thân với qui mô dưới 10 người.
Bộ trưởng Y tế Tây Ban Nha Salvador Illia vừa tuyên bố nước này chưa có miễn dịch cộng đồng, vì miễn dịch cộng đồng chỉ có thể đạt được khi ít nhất 60% dân số nhiễm virus.
Nga đang là ổ dịch lớn thứ 2 Châu Âu và lớn thứ 3 thế giới. Trong vòng 24h qua, quốc gia này ghi nhận thêm 10.028 ca nhiễm mới, nâng tổng số lên 242.271 ca, trong đó có 2.212 ca tử vong (tăng 96 ca).
Bộ trưởng Bộ Y tế Nga Mikhail Murashko cho biết, các chế phẩm vaccine đầu tiên để tiêm phòng chống lại dịch COVID-19 sẽ xuất hiện ở nước này vào nửa cuối của tháng 7.
Anh đang là ổ dịch lớn thứ 4 trên thế giới với tổng cộng 229.705 ca nhiễm và 33.186 ca tử vong, tăng lần lượt 3.242 và 494 ca so với một ngày trước đó. Anh hiện là quốc gia có nhiều ca tử vong nhất tại Châu Âu.
Người dân Anh hôm 13/5 đã được phép ra khỏi nhà và đi làm trong giai đoạn đầu tiên của việc nới lỏng lệnh phong tỏa sau 7 tuần. Tuy nhiên, những người đi làm được yêu cầu sử dụng xe đạp hoặc đi bộ thay vì sử dụng phương tiện công cộng.
Italy, ổ dịch COVID-19 lớn thứ 4 tại Châu Âu và lớn thứ 5 thế giới hôm qua ghi nhận thêm 888 ca nhiễm và 195 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 222.104 và 31.106 ca.
Người dân được phép đi lại trong vùng để thăm người thân, nhưng phải đeo khẩu trang. Trong khi đó, nhiều trường học và nhiều hoạt động kinh doanh khác vẫn đóng cửa.
Brazil đã vượt Pháp và trở thành ổ dịch lớn thứ 6 trên thế giới với tổng cộng 189.157 ca nhiễm và 13.158 ca tử vong.
Pháp hiện đang là ổ dịch lớn thứ 7 trên thế giới với 178.060 ca nhiễm và 27.074 ca tử vong.
Người dân Pháp đã được tự do đi lại mà không cần xin giấy phép. Một số cửa hàng đã mở cửa trở lại. Bộ trưởng Giáo dục Pháp Jean-Michel Blanquer cho biết việc mở cửa trở lại sẽ được triển khai dần dần trên khắp đất nước, bao gồm các trường học ở Paris vào ngày 14/5.
Đức hiện đang là ổ dịch lớn thứ 8 trên thế giới với 174.098 ca nhiễm, trong đó có 7.861 ca tử vong. Đức cũng đã bắt đầu mở lại các cửa hàng, quán ăn, trường học và phòng tập thể dục.
Bộ trưởng Nội vụ Đức Horst Seehofer hôm 13/5 thông báo trong tuần này, Đức sẽ bắt đầu nới lỏng một số biện pháp kiểm soát biên giới được áp đặt nhằm khống chế đà lây lan của đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Tại Châu Á, Iran vẫn đang là ổ dịch lớn nhất khu vực với 112.725 ca nhiễm và 6.783 ca tử vong, tăng lần lượt 1.958 và 50 ca so với một ngày trước đó. Chính phủ nước này cho biết họ sẽ mở lại các nhà thờ Hồi giáo trong vòng 3 đêm vào tuần này.
Trung Quốc đại lục – nơi bùng phát dịch nhưng hiện không còn là tâm dịch của thế giới. Tính đến sáng nay, nước này ghi nhận tổng cộng 82.926 ca nhiễm COVID-19 (tăng 7 ca) và 4.633 ca tử vong. Mặc dù vẫn còn ca nhiễm mới nhưng Trung Quốc đã không ghi nhận thêm ca tử vong trong thời gian gần đây.
Tại Đông Nam Á, Singapore vẫn đang là ổ dịch lớn nhất khu vực với tổng cộng 25.346 ca nhiễm (tăng 675 ca) và 21 ca tử vong.
Indonesia đang là ổ dịch lớn thứ 2 khu vực với tổng cộng 15.348 ca nhiễm và 1.028 ca tử vong (cao nhất khu vực), tăng lần lượt 689 và 21 ca so với một ngày trước đó.
Philippines là ổ dịch lớn thứ 3 khu vực với 11.618 ca nhiễm và 772 ca tử vong, tăng lần lượt 268 và 21 ca so với một ngày trước đó.
Malaysia – ổ dịch lớn thứ 4 khu vực tính đến sáng nay ghi nhận tổng cộng 6.779 ca nhiễm (tăng 37 ca), trong đó có 111 ca tử vong.
Thái Lan hôm qua không ghi nhận thêm bất kì ca nhiễm và ca tử vong nào. Tổng số ca nhiễm vẫn là 3.017, trong đó có 56 ca tử vong.
Khi một số quốc gia trên thế giới bắt đầu nới lỏng dần các hạn chế trong nỗ lực ngăn chặn virus mới phát tán thì Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết loại virus này có thể không bao giờ biến mất và người dân trên toàn thế giới sẽ phải học cách sống chung với nó.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/