Cập nhật tình hình dịch virus corona ngày 12/5: Nga vượt Italy trở thành ổ dịch thứ 4 thế giới, Việt Nam chỉ còn 20 ca xét nghiệm dương tính
Xem thêm: Cập nhật tình hình dịch virus corona ngày 13/5
Tính đến 7h sáng nay (12/5), toàn thế giới đã ghi nhận hơn 4,2 triệu người mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 do virus SARS-CoV-2 gây ra. Trong đó, có 286.986 người đã tử vong và hơn 1,5 triệu người đã hồi phục (theo trang thống kê toàn cầu Worldometer).
Đến nay, dịch COVID-19 đã xuất hiện tại 212 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới sau khi bùng phát tại thành phố Vũ Hán (Trung Quốc) vào tháng 12/2019.
Việt Nam: Còn 39 người đang điều trị
Theo cập nhật từ Bộ Y tế, đến sáng nay (12/5), Việt Nam tiếp tục không nhận thêm ca mới, tổng số ca dương tính với COVID-19 vẫn là 288.
Đến nay đã có 249 người đã khỏi bệnh, còn 39 người đang điều trị tại 6 cơ sở y tế. Trong đó, số ca có kết quả âm tính lần 1 là 8, lần 2 lần trở lên là 11 ca. Hiện chỉ còn lại 20 bệnh nhân COVID-19 có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2
Tính đến sáng nay, có 11.929 người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách li). Trong đó, cách li tập trung tại bệnh viện là 329 người, cách li tập trung tại cơ sở khác là 6.432 người và cách li tại nhà, nơi lưu trú là 5.168 người.
Việt Nam đã bước sang ngày thứ 26 không có ca mắc mới COVID-19 trong cộng đồng. Theo qui định hiện hành về việc công bố hết dịch, nếu 28 ngày tính từ ngày bệnh nhân cuối cùng từ cộng đồng được cách li và không phát sinh bệnh nhân mới thì có thể tính đến công bố hết dịch.
Trên thế giới: Nga vượt Italy về số ca nhiễm
Ghi nhận đến sáng nay, Mỹ tiếp tục là ổ dịch COVID-19 lớn nhất thế giới với tổng cộng 1,38 triệu ca nhiễm và 81.759 ca tử vong, tăng lần lượt 17.624 và 972 ca so với một ngày trước đó.
Thống đốc bang New York Andrew Cuomo hôm 11/5 tuyên bố sẽ cho phép 3 khu vực nông thôn phía Bắc của bang mở cửa hoạt động lại vào cuối tuần này. Tuy nhiên, trước mắt sẽ chỉ có ngành xây dựng, sản xuất và bán lẻ được phép hoạt động. Tuy nhiên, giới chức bang New York cho biết vẫn lo lắng khi mở cửa trở lại các hoạt động kinh tế.
Tình hình dịch bệnh đã có dấu hiệu hạ nhiệt, nhiều quốc gia châu Âu hiện đang thận trọng nới lỏng các hạn chế với hi vọng ổn định lại nền kinh tế.
Tây Ban Nha - ổ dịch lớn nhất Châu Âu và lớn thứ 2 trên thế giới, ghi nhận đến sáng nay có tổng cộng 268.143 ca nhiễm và 26.744 ca tử vong, tăng lần lượt 3.480 và 123 ca trong vòng 24h qua.
Nhiều cơ sở kinh doanh tại Tây Ban Nha đã nối lại hoạt động khi chính quyền tiếp tục nới lỏng hạn chế với khoảng một nửa dân số. Người Tây Ban Nha sẽ có thể gặp lại gia đình hoặc bạn bè tại các quán bar và nhà hàng - nơi được mở cửa trở lại sau lệnh phong tỏa.
Anh đang là ổ dịch lớn thứ 3 trên thế giới với tổng cộng 223.183 ca nhiễm và 32.065 ca tử vong, tăng lần lượt 3.877 và 210 ca so với một ngày trước đó. Anh hiện là quốc gia có nhiều ca tử vong nhất tại Châu Âu.
Lệnh phong tỏa tại nước này sẽ được kéo dài đến ít nhất là ngày 1/6 tới. Tuy nhiên, một số trường tiểu học có thể đón học sinh và một số cửa hàng có thể mở cửa trở lại từ ngày 1/6. Một số địa điểm công cộng có thể mở cửa lại từ ngày 1/7.
Nga đã vượt Italy và trở thành ổ dịch lớn thứ 3 Châu Âu và lớn thứ 4 thế giới. Trong vòng 24h qua, quốc gia này ghi nhận thêm 11.656 ca nhiễm mới, nâng tổng số lên 221.344 ca, trong đó có 2.009 ca tử vong (tăng 94 ca). Nga hiện là quốc gia Châu Âu có số ca nhiễm hàng ngày lớn nhất.
Tổng thống Vladimir Putin hôm 11/5 tuyên bố sẽ kết thúc giai đoạn nghỉ làm vẫn hưởng lương do đại dịch COVID-19 vào ngày 12/5. Tuy nhiên, các qui định cách li sẽ tiếp tục đối với những người trên 65 tuổi.
Ông Putin cũng cho rằng việc bãi bỏ các quy định cách li sẽ diễn ra từng bước. Mỗi địa phương sẽ tự quyết định việc bãi bỏ các hạn chế này.
Italy, ổ dịch COVID-19 lớn thứ 4 tại Châu Âu và lớn thứ 5 thế giới hôm qua ghi nhận thêm 744 ca nhiễm và 179 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 219.814 và 30.739 ca.
Người dân được phép đi lại trong vùng để thăm người thân, nhưng phải đeo khẩu trang. Trong khi đó, nhiều trường học và nhiều hoạt động kinh doanh khác vẫn đóng cửa.
Pháp hiện đang là ổ dịch lớn thứ 6 trên thế giới với 177.423 ca nhiễm và 26.643 ca tử vong, tăng lần lượt 453 và 263 ca (thấp nhất kể từ đầu tháng 4).
Người dân Pháp hôm 11/5 đã được tự do đi lại mà không cần xin giấy phép. Một số cửa hàng đã mở cửa trở lại.
Đức hiện đang là ổ dịch lớn thứ 7 trên thế giới với 172.576 ca nhiễm, trong đó có 7.661 ca tử vong.
Đức cũng đã bắt đầu mở lại các cửa hàng, quán ăn, trường học và phòng tập thể dục. Tuy nhiên, Thủ tướng Angela Merkel tiếp tục đưa ra cảnh báo về các biện pháp giữ an toàn sau khi dữ liệu chính thức cho thấy tốc độ lây nhiễm tại quốc gia này tăng trở lại.
Tại Châu Á, Iran vẫn đang là ổ dịch lớn nhất khu vực với 109.286 ca nhiễm và 6.685 ca tử vong, tăng lần lượt 1.683 và 45 ca so với một ngày trước đó.
Trung Quốc đại lục – nơi bùng phát dịch nhưng hiện không còn là tâm dịch của thế giới. Tính đến sáng nay, nước này ghi nhận tổng cộng 82.918 ca nhiễm COVID-19 (tăng 17 ca) và 4.633 ca tử vong.
Thành phố Vũ Hán hôm 11/5 đã bước sang ngày thứ 2 ghi nhận ca nhiễm mới sau hơn 1 tháng, theo hãng tin AFP.
Tại Đông Nam Á, Singapore vẫn đang là ổ dịch lớn nhất khu vực với tổng cộng 23.822 ca nhiễm (tăng 486 ca) và 21 ca tử vong (tăng 1 ca).
Indonesia đang là ổ dịch lớn thứ 2 khu vực với tổng cộng 14.265 ca nhiễm và 991 ca tử vong (cao nhất khu vực), tăng lần lượt 233 và 18 ca so với một ngày trước đó.
Philippines là ổ dịch lớn thứ 3 khu vực với 11.086 ca nhiễm và 726 ca tử vong, tăng lần lượt 282 và 7 ca so với một ngày trước đó.
Malaysia – ổ dịch lớn thứ 4 khu vực tính đến sáng nay ghi nhận tổng cộng 6.726 ca nhiễm (tăng 70 ca), trong đó có 109 ca tử vong.
Thái Lan hôm qua chỉ ghi nhận thêm 6 ca nhiễm mới, nâng tổng số lên 3.015 ca, trong đó có 56 ca tử vong.