Cập nhật tình hình dịch COVID-19 ngày 7/8: Thế giới vượt 19 triệu ca nhiễm, riêng Mỹ trên 5 triệu ca
Việt Nam có 750 ca bệnh
Xem thêm: Cập nhật tình hình dịch COVID-19 ngày 8/8
Theo cập nhật từ Bộ Y tế, sáng nay (7/8) Việt Nam đã ghi nhận thêm 3 ca mắc mới COVID-19 liên quan đến Đà Nẵng, trong đó Quảng Trị 2 ca, Thanh Hoá 1 ca. Việt Nam có 750 ca bệnh.
Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách li) là 178.451.
Về tình hình điều trị, theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, đến thời điểm này đã có 392/750 ca bệnh COVID-19 của nước ta được công bố khỏi bệnh, chiếm 52,3% tổng số ca bệnh COVID-19 trong cả nước.
Trong số các bệnh nhân COVID-19 đang điều trị, theo dõi sức khoẻ tại các cơ sở y tế, hiện có 33 bệnh nhân có kết quả xét nghiệm âm tính từ 1-2 lần với virus SARS-CoV-2. Hiện còn 315 bệnh nhân dương tính COVID-19. Số trường hợp tử vong: 10 ca.
Dịch COVID-19 thế giới: Vượt mốc 19 triệu ca mắc toàn cầu, Mỹ cán mốc 5 triệu ca nhiễm COVID-19, Ấn Độ ghi nhận số ca mắc mới cao kỉ lục, Philippines trở thành vùng dịch lớn nhất khu vực ASEAN
Trên toàn thế giới, theo cập nhật từ trang Worldometers, tính đến 7h sáng nay 7/8, toàn thế giới có tổng cộng 19.223.866 ca mắc COVID-19, trong đó có 716.290 người tử vong và 12.337.869 bệnh nhân phục hồi.
Đến nay, 215 quốc gia và vùng lãnh thổ (trong đó có hai tàu du lịch) trên toàn cầu xác nhận trường hợp mắc COVID-19.
Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, đã cán mốc 5 triệu ca nhiễm COVID-19, cụ thể là 5.027.575 (chiếm 26,16% số ca nhiễm toàn cầu), sau khi ghi nhận thêm 54.007 ca trong 24 giờ qua. Đồng thời, số ca tử vong do COVID-19 cũng tăng thêm 1.097 ca, nâng tổng số lên 162.698.
Từ hồi tháng 6, Mỹ đã chứng kiến các ca nhiễm mới tăng nhanh trở lại và hiện các ca tử vong cũng có dấu hiệu tăng cao, dẫn tới tình trạng quá tải tại bệnh viện và nhà xác, và phòng thí nghiệm xét nghiệm.
Các điểm nóng về COVID-19 ở Mỹ vẫn báo cáo số ca nhiễm mới tăng mạnh, với 7.650 ca ở Florida, 7.082 ca ở Texas và 5.206 ca ở California. Một số bang khác cũng bắt đầu nổi lên như Georgia ghi nhận thêm 3.182 ca, Arizona 1.444 ca, Louisiana 1.303 ca.
Brazil là nước chịu ảnh hưởng nặng nhất bởi COVID-19 ở khu vực Mỹ Latinh và là ổ dịch lớn thứ hai trên thế giới chỉ sau Mỹ. Giới chức ghi nhận thêm số ca nhiễm mới và ca tử vong do COVID-19 là 54.801 và 1.226 ca, nâng tổng số ca nhiễm và tử vong lần lượt là 2.917.562 và 98.644.
Theo thống kê, số ca nhiễm mới và tử vong đang có xu hướng tăng.
Ấn Độ hiện đứng thứ ba thế giới và dẫn đầu châu Á về tổng số ca mắc COVID-19 với 2.025.409 ca nhiễm và 41.638 ca tử vong, tăng lần lượt 62.170 và 899 so với ngày hôm trước.
Theo thống kê, số ca nhiễm mới của Ấn Độ càng ngày càng tăng và đạt kỉ lục trong 24 giờ qua. Về số ca tử vong, Ấn Độ đã vượt Itali, trở thành vùng dịch có số ca tử vong đứng thứ 5 thế giới chỉ xếp sau Mỹ, Brazil, Mexico, và Anh.
Mặc dù số ca nhiễm tăng cao, tỉ lệ phục hồi tại nước này cũng tăng lên đạt 68% hôm nay. Trong khi đó, tỉ lệ tử vong tiếp tục giảm xuống còn 2,05%.
Theo Reuters, tại khu chăm sóc tích cực một bệnh viện tư ở thành phố Ahmedabad, phía tây Ấn Độ, đã xảy ra hỏa hoạn, khiến 8 bệnh nhân COVID-19 tử vong. Vụ hỏa hoạn bắt nguồn từ thiết bị bảo hộ của một nhân viên y tế bị bắt lửa vào sáng hôm qua (6/8).
Tại Mumbai, thủ đô tài chính của Ấn Độ, nhân viên bệnh viện phải lội qua các hành lang bị ngập sau mưa lớn để vào các phòng điều trị.
Nga, vùng dịch lớn thứ 4 trên thế giới, ghi nhận thêm 5.267 ca mắc và 116 ca tử vong do COVID-19. Tổng số ca mắc bệnh tại Nga hiện tại là 871.894 trường hợp, trong đó 14.606 trường hợp tử vong. Số ca nhiễm mới trong ngày của Nga đang chững lại ở mức 5.000-6.000 ca.
Đây là ngày thứ 42 liên tiếp nước này có số ca nhiễm mới trong một ngày của Nga dưới 7.000 kể từ cuối tháng 4.
Chính phủ Nga thông báo họ đã kiểm soát được đại dịch, nhưng vẫn sẵn sàng phương án đối phó đợt bùng phát thứ hai có thể diễn ra vào mùa thu và đặt mục tiêu khởi động sản xuất hàng loạt vắc xin COVID-19 vào tháng tới, tạo ra "vài triệu" liều mỗi tháng vào năm tới.
Nam Phi là nước có ca nhiễm COVID-19 cao thứ 5 thế giới. Cụ thể, tổng số ca nhiễm bệnh tại nước này là 538.184 ca, trong đó, tổng số ca tử vong là 9.604.
Theo thống kê, số ca nhiễm mới hàng ngày tại nước này đang có xu hướng giảm nhẹ trong vài ngày nay.
Mexico đã vượt Peru trở thành nước có ca nhiễm COVID-19 cao thứ 6 thế giới, với tổng số ca nhiễm bệnh là 456.100 ca, trong đó có 49.698 ca tử vong - cao thứ 3 thế giới.
Theo thống kê, số ca nhiễm mới hàng ngày của nước này đang có xu hướng tăng.
Trung Quốc thông báo trong 24 giờ qua nước này ghi nhận thêm 37 ca nhiễm mới và không có thêm ca tử vong nào do COVID-19. Hiện Trung Quốc có tổng cộng 84.528 ca nhiễm, trong đó có 4.634 ca tử vong và 79.057 bệnh nhân được chữa khỏi.
Theo thống kê, số ca nhiễm mới hàng ngày tại Trung Quốc đang tăng mạnh trong thời gian gần đây.
Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc (NHC) cho biết nước này ghi nhận thêm 30 ca nhiễm nội địa (27 trường hợp ở khu tự trị Tân Cương, và 3 trường hợp ở tỉnh Liêu Ninh) và 7 ca ngoại nhập (5 trường hợp ở thành phố Thượng Hải, 1 trường hợp ở tỉnh Sơn Đông và 1 trường hợp ở tỉnh Thiểm Tây).
Phần lớn ca nội địa được phát hiện ở khu tự trị Tân Cương, nơi một ổ dịch bùng phát ở thủ phủ Urumqi giữa tháng 7, và tỉnh Liêu Ninh do một ổ dịch xuất hiện hôm 24/7 ở thành phố Đại Liên.
Philippines đã vượt Indonesia trở thành vùng dịch lớn nhất khu vực ASEAN, trong 24 giờ qua ghi nhận thêm 3.561 ca nhiễm mới và 28 ca tử vong, nâng tổng số lên 119.460 ca nhiễm, trong đó có 2.150 người tử vong.
Số ca nhiễm mới hàng ngày của nước này tăng vọt trong thời gian gần đây.
Trước tình hình số ca nhiễm COVID-19 tăng mạnh, Duterte chấp thuận phương án tái phong tỏa thủ đô Manila cùng các vùng lân cận từ 4/8 đến 18/8. Ông cũng xin lỗi vì không còn ngân sách để hỗ trợ người dân Manila.
Theo AP, Triều Tiên là nước chưa ghi nhận ca nhiễm COVID-19 nào. Tuy nhiên do phát hiện một ca nghi nhiễm COVID-19 gần biên giới liên Triều, từ cuối tháng 7, Triều Tiên ban bố tình trạng khẩn cấp và phong tỏa thành phố Kaesong.
Nhiều chuyên gia nước ngoài cảnh báo nểu để bùng phát đại dịch tại Triều Tiên có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng do hạn chế về cơ sở hạ tầng chăm sóc sức khỏe và thiếu nguồn cung y tế.
Tuyên bố vẫn "sạch bóng" COVID-19 của Triều Tiên cũng bị hoài nghi, khi nước này chung đường biên giới dài với Trung Quốc, nơi bùng phát COVID-19 đầu tiên từ cuối năm ngoài.