|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Cập nhật tình hình dịch COVID-19 ngày 5/8: Philippines ghi nhận số ca nhiễm mới cao nhất Đông Nam Á

07:32 | 05/08/2020
Chia sẻ
Tính đến 6h sáng nay, thế giới đã vượt xa mốc 18 triệu ca mắc COVID-19. Việt Nam có thêm 2 ca nhiễm mới.

Thêm 2 ca mắc mới COVID-19 ở Quảng Nam liên quan đến Bệnh viện Đà Nẵng, Việt Nam có 672 ca

Xem thêm: Cập nhật tình hình dịch COVID-19 ngày 6/8

Theo cập nhật từ Bộ Y tế, sáng nay (5/8) Việt Nam đã ghi nhận thêm 2 ca mắc mới COVID-19 có liên quan đến BV Đà Nẵng. Hiện Việt Nam có 672 ca bệnh.

Ca bệnh 671 (BN671): Bệnh nhân nam, 33 tuổi, có địa chỉ tại xã Duy Sơn, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam. Là bệnh nhân khoa Ngoại - Thần kinh, Bệnh viện Đà Nẵng và là F1 của BN524.

Ca bệnh 672 (BN672): Bệnh nhân nam, 37 tuổi, có địa chỉ tại xã Đại Hiệp, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam. Bệnh nhân là người chăm sóc người thân tại Khoa Thận - Tiết niệu, Bệnh viện Đà Nẵng, là F1 của BN469.

Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách li) là 120.041.

Cập nhật tình hình dịch COVID-19 ngày 5/8: Philippines ghi nhận số ca nhiễm mới cao nhất Đông Nam Á - Ảnh 1.

Tình hình các ca mắc COVID-19 tại Việt Nam (Nguồn: Bộ Y tế).

Về tình hình điều trị, theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị - Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, đến thời điểm này đã có 378/672 ca bệnh COVID-19 của nước ta được công bố khỏi bệnh, chiếm 56,4% tổng số ca bệnh COVID-19 trong cả nước.

Trong số các bệnh nhân COVID-19 đang điều trị, theo dõi sức khoẻ tại các cơ sở y tế, hiện có 31 bệnh nhân có kết quả xét nghiệm âm tính từ 1-2 lần với virus SARS-CoV-2. Hiện còn 253 bệnh nhân dương tính với COVID-19. Số trường hợp tử vong: 8 ca.

Tình hình dịch COVID-19 thế giới: Philippines ghi nhận số ca nhiễm mới cao kỉ lục, Trung Quốc áp dụng chiến lược chống dịch mới

Trên toàn thế giới, theo cập nhật từ trang Worldometers, tính đến 7h sáng nay 5/8, toàn thế giới có tổng cộng 18.673.642 ca mắc COVID-19, trong đó có 702.953 người tử vong và 11.900.704 bệnh nhân phục hồi.

Đến nay, 215 quốc gia và vùng lãnh thổ (trong đó có hai tàu du lịch) trên toàn cầu xác nhận trường hợp mắc COVID-19.

Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, đã vượt xa mốc 4 triệu ca nhiễm COVID-19, cụ thể là 4.915.712 (chiếm 26,34% số ca nhiễm toàn cầu), sau khi ghi nhận thêm 51.796 ca trong 24 giờ qua. Đồng thời, số ca tử vong do COVID-19 cũng tăng thêm 1.281 ca, nâng tổng số lên 160.209. Các số liệu hai ngày qua đều giảm mạnh.

Từ hồi tháng 6, Mỹ đã chứng kiến các ca nhiễm mới tăng nhanh trở lại và hiện các ca tử vong cũng có dấu hiệu tăng cao, dẫn tới tình trạng quá tải tại bệnh viện và nhà xác, và phòng thí nghiệm xét nghiệm.

Các điểm nóng về COVID-19 ở Mỹ vẫn báo cáo số ca nhiễm mới tăng mạnh, với 5.446 ca ở Florida, 10.700 ca ở Texas và 4.329 ca ở California. Một số bang khác cũng bắt đầu nổi lên như Georgia ghi nhận thêm 2.513 ca, Arizona 1.008 ca, Louisiana 1.873 ca.

Guardian dẫn lời Tổng thống Mỹ Donald Trump khẳng định Mỹ đang "làm tốt như bất kì quốc gia nào khác" và phản đối các lệnh phong toả để kiểm soát dịch bệnh lây lan.

Brazil là nước chịu ảnh hưởng nặng nhất bởi COVID-19 ở khu vực Mỹ Latinh và là ổ dịch lớn thứ hai trên thế giới chỉ sau Mỹ. Giới chức ghi nhận thêm số ca nhiễm mới và ca tử vong do COVID-19 là 50.256 và 1.117 ca, nâng tổng số ca nhiễm và tử vong lần lượt là 2.801.921 và 95.819.

Theo thống kê, số ca nhiễm mới và tử vong đang có xu hướng tăng.

Ấn Độ hiện đứng thứ ba thế giới và dẫn đầu châu Á về tổng số ca mắc COVID-19 với 1.906.613 ca nhiễm và 39.820 ca tử vong, tăng lần lượt 51.282 và 849 so với ngày hôm trước.

Theo thống kê, số ca nhiễm mới của Ấn Độ càng ngày càng tăng. Về số ca tử vong, Ấn Độ đã vượt Itali, trở thành vùng dịch có số ca tử vong đứng thứ 5 thế giới chỉ xếp sau Mỹ, Brazil, Mexico, và Anh.

Ấn Độ sẽ mở lại phòng tập gym, trung tâm dạy yoga và dừng áp giờ giới nghiêm vào ban đêm từ ngày 5/8.

Nga, vùng dịch lớn thứ 4 trên thế giới, ghi nhận thêm 5.159 ca mắc và 144 ca tử vong do COVID-19. Tổng số ca mắc bệnh tại Nga hiện tại là 861.423 trường hợp, trong đó 14.351 trường hợp tử vong. Số ca nhiễm mới trong ngày của Nga đang chững lại ở mức 5.000-6.000 ca.

Đây là ngày thứ 40 liên tiếp nước này có số ca nhiễm mới trong một ngày của Nga dưới 7.000 kể từ cuối tháng 4.

Chính phủ Nga thông báo họ đã kiểm soát được đại dịch, nhưng vẫn sẵn sàng phương án đối phó đợt bùng phát thứ hai có thể diễn ra vào mùa thu và đặt mục tiêu khởi động sản xuất hàng loạt vắc xin COVID-19 vào tháng tới, tạo ra "vài triệu" liều mỗi tháng vào năm tới.

Theo AFP, khi được hỏi về qui trình phát triển vắc xin ở Nga, WHO kêu gọi nước này tuân thủ những thủ tục và hướng dẫn sản xuất vắc xin an toàn và hiệu quả.

Nam Phi là nước có ca nhiễm COVID-19 cao thứ 5 thế giới. Cụ thể, tổng số ca nhiễm bệnh tại nước này là 521.318 ca, trong đó, tổng số ca tử vong là 8.884.

Theo thống kê, số ca nhiễm mới hàng ngày tại nước này đang có xu hướng giảm nhẹ trong vài ngày nay.

Mexico đã vượt Peru trở thành nước có ca nhiễm COVID-19 cao thứ 6 thế giới, với tổng số ca nhiễm bệnh là 443.813 ca, trong đó có 48.012 ca tử vong - cao thứ 3 thế giới.

Theo thống kê, số ca nhiễm mới hàng ngày của nước này đang trên đà tăng.

Trung Quốc thông báo trong 24 giờ qua nước này ghi nhận thêm 36 ca nhiễm mới và không có thêm ca tử vong nào do COVID-19. Hiện Trung Quốc có tổng cộng 84.464 ca nhiễm, trong đó có 4.634 ca tử vong và 79.030 bệnh nhân được chữa khỏi.

Theo thống kê, số ca nhiễm mới hàng ngày tại Trung Quốc đang tăng mạnh trong những ngày qua.

Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc (NHC) cho biết nước này ghi nhận thêm 30 ca nhiễm nội địa (28 ca ở khu tự trị Tân Cương, 2 ca ở Liêu Ninh) và 6 ca ngoại nhập (4 ở tỉnh Quảng Đông, 1 ở thành phố Thượng Hải và 1 ở tỉnh Tứ Xuyên).

Phần lớn ca nội địa được phát hiện ở khu tự trị Tân Cương, nơi một ổ dịch bùng phát ở thủ phủ Urumqi giữa tháng 7, và tỉnh Liêu Ninh do một ổ dịch xuất hiện hôm 24/7 ở thành phố Đại Liên.

Theo NYTimes, chính quyền Đại Liên hôm 25/7 tuyên bố đóng cửa tất cả viện dưỡng lão, nhà trẻ và các địa điểm công cộng có không gian kín. 

Khác với Vũ Hán, Đại Liên không phong tỏa toàn bộ thành phố, thay vào đó, chỉ đóng cửa các khu vực dân cư có nguy cơ lây lan dịch cao, với nhân viên an ninh giám sát 24/7, trong khi áp đặt một số hạn chế và các biện pháp an toàn ở các khu vực khác. Đồng thời nhanh chóng triển khai truy vết lịch sử tiếp xúc, xét nghiệm đồng loạt.

Chiến lược chống dịch mới "hạn chế" thay vì "phong tỏa" được đánh giá vừa giúp đảm bảo nền kinh tế không bị thiệt hại quá nặng nề, cũng như giúp người dân có thể "sống chung với lũ" COVID-19 trong thời gian dài.

Philippines hiện là vùng dịch lớn thứ hai khu vực ASEAN, trong 24 giờ qua ghi nhận thêm 6.352 ca nhiễm mới và 11 ca tử vong, nâng tổng số lên 112.593 ca nhiễm, trong đó có 2.115 người tử vong.

Số ca nhiễm mới hàng ngày của nước này tăng vọt trong vài ngày qua và đạt kỉ lục trong 24 giờ qua kể từ khi dịch xuất hiện và là số ca nhiễm mới cao nhất trong toàn khu vực Đông Nam Á.

Theo Reuters, chỉ vài giờ sau khi chính phủ thông báo tái phong tỏa thủ đô Manila và các vùng lân cận, nhiều người lao động đã bị mắc kẹt ở thủ đô trong tình trạng hết tiền và không thể trở về quê nhà do các phương tiện giao thông công cộng và chuyến bay nội địa bị tạm dừng.

Cập nhật tình hình dịch COVID-19 ngày 5/8: Philippines ghi nhận số ca nhiễm mới cao nhất Đông Nam Á - Ảnh 2.

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte phát biểu trên truyền hình tối 2/8. (Ảnh: Văn phòng tổng thống Philippines)

Straits Times dẫn lời Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte hôm 2/8 xin lỗi vì không còn ngân sách để hỗ trợ người dân Manila chịu lệnh tái phong tỏa do số ca nhiễm COVID-19 tăng vọt.

Theo Reuters, Hiệp hội bác sĩ Đức cảnh báo nước này đang trong làn sóng COVID-19 thứ hai với ca nhiễm đột ngột tăng và thành công trước đó có thể bị xoá bỏ nếu không tuân thủ giãn cách xã hội.

Số lượng các ca nhiễm mới COVID-19 hàng ngày ở Đức đã tăng đều đặn trong những tuần gần đây. Đức hiện có tổng 212,331 ca nhiễm, trong đó có 9.232 ca tử vong do COVID-19.

Như Ý

Chủ tịch Kinh Bắc: Thị trường bất động sản muốn ấm phải chờ sang năm
Theo ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch HĐQT Kinh Bắc, thị trường bất động sản đến thời điểm này vẫn chưa ấm lên và có thể sẽ có dấu hiệu phục hồi theo hướng phát triển bền vững từ cuối năm nay.