Cập nhật tình hình dịch COVID-19 ngày 28/10: Số ca nhiễm tại Mỹ cán mốc 9 triệu
Tình hình dịch COVID-19 ở Việt Nam:
Theo cập nhật từ Bộ Y tế, sáng nay (28/10) không có ca mắc mới COVID-19. Như vậy, đã 56 ngày, Việt Nam không có ca mắc mới ở cộng đồng. Tổng số ca mắc COVID-19 là 1.172 trường hợp.
Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách li) là 14.819.
Về tình hình điều trị, theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, đến thời điểm này, nước ta đã chữa khỏi cho 1.061/1.172 bệnh nhân COVID-19.
Hiện không còn trường hợp bệnh nhân COVID-19 nào nặng. Trong số các bệnh nhân COVID-19 đang điều trị, số ca âm tính lần 1 với virus SARS-CoV-2 là 5 ca; Số ca âm tính lần 2 với SARS-CoV-2 là 3 ca, số ca âm tính lần 3 là 9 ca.
Số ca tử vong ở nước ta đến nay là 35 ca.
Tình hình dịch COVID-19 trên thế giới
Theo cập nhật từ trang Worldometers, tính đến 7h sáng nay 28/10, toàn thế giới có tổng cộng hơn 44,22 triệu ca mắc COVID-19, trong đó có hơn 1,17 triệu người tử vong và 32,42 triệu bệnh nhân phục hồi (đạt 73,3%).
Đến nay, 215 quốc gia và vùng lãnh thổ và 2 tàu du lịch trên toàn cầu xác nhận trường hợp mắc COVID-19.
Tuần qua, số ca mắc COVID-19 ở châu Âu tăng vọt trong làn sóng thứ hai, buộc nhiều nước phải thắt chặt biện pháp phòng dịch.
Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, đã ghi nhận hơn 9,03 triệu ca nhiễm COVID-19, sau khi ghi nhận thêm 71.108 ca trong 24 giờ qua. Đồng thời, số ca tử vong do COVID-19 cũng tăng thêm 967 ca, nâng tổng số lên 232.012. Tổng số người phục hồi là hơn 5,87 triệu người (tỉ lệ phục hồi đạt 65,0%).
Số ca mắc mới COVID-19 đã tăng mạnh trở lại ở hầu hết các bang. Theo USA Today, sự gia tăng này phản ánh tình hình nghiêm trọng của đại dịch tại Mỹ chứ không phải là do xét nghiệm nhiều. Bằng chứng là số ca mắc trung bình trong 7 ngày tuần trước tăng 23% so với tuần trước nữa, nhưng số xét nghiệm trung bình chỉ tăng 2,87%.
Theo dữ liệu từ Đại học Johns Hopkins, số người chết vì COVID-19 mỗi ngày trên toàn nước Mỹ đã tăng 10% trong 2 tuần qua, từ 721 lên gần 794, tính đến ngày 25/10.
Ấn Độ là nước đứng thứ hai thế giới chỉ sau Mỹ và dẫn đầu châu Á về tổng số ca mắc COVID-19 với 7,98 triệu ca nhiễm và 120.054 (1,5%, một tỉ lệ tương đối thấp) ca tử vong, tăng lần lượt 42.965 và 519 so với ngày hôm trước. Tỉ lệ phục hồi đạt 90,8% với tổng 7,25 triệu người đã khỏi bệnh.
Số ca mắc mới trong 1 ngày qua tại nước này đã giảm những vấn ở mức khá cao. Ủy ban quốc gia về COVID-19 của Ấn Độ cho rằng nước này đã đạt đỉnh dịch.
Brazil là nước chịu ảnh hưởng nặng nhất bởi COVID-19 ở khu vực Mỹ Latinh và là ổ dịch lớn thứ ba trên thế giới. Giới chức ghi nhận thêm số ca nhiễm mới và ca tử vong do COVID-19 lần lượt là 29.353 và 530 ca trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca nhiễm và tử vong lần lượt là hơn 5,44 triệu và 157.981 người. Trong đó tổng số ca phục hồi là hơn 4,9 triệu, tỉ lệ phục hồi đạt 90,0%.
Số ca nhiễm mới hàng ngày tại Brazil đang trên đà giảm. Tuy nhiên, giới chuyên gia đánh giá nước này có thể chưa vượt qua làn sóng COVID-19 đầu tiên.
Nga, vùng dịch lớn thứ 4 trên thế giới, ghi nhận thêm 16.550 ca mắc và 320 ca tử vong do COVID-19 (đây là mức tăng ca tử vong cao kỉ lục). Tổng số ca mắc bệnh tại Nga hiện tại là hơn 1,54 triệu trường hợp, trong đó 26.589 trường hợp tử vong, và 1,15 người hồi phục (đạt 74,6%). Số ca nhiễm mới hàng ngày tại Nga đang tăng dần.
Nga đã khôi phục qui định về việc đeo khẩu trang trên toàn quốc từ hôm nay và khuyến nghị các nhà hàng và quán bar đóng cửa từ 23h hôm trước tới 6h hôm sau, theo The Moscow Times.
Theo AFP, nước này đã nộp đơn lên WHO đề nghị đánh giá và đăng kí nhanh cho Sputnik V, loại vắc xin COVID-19 được Moscow cấp phép hồi tháng 8.
Tại Anh, kể từ ngày 27/10, thành phố Warrington ở khu vực phía Tây Bắc vùng England sẽ bị đưa vào diện cảnh báo cấp độ 3 - mức cao nhất trong thang cảnh báo của nước này. Thành phố Nottingham và 3 thành phố lân cận ở miền Trung nước Anh cũng sẽ áp đặt mức độ hạn chế tương tự kể từ ngày 29/10, theo TTXVN.
Hiện những hạn chế này đã và đang được áp dụng với hơn 7 triệu người ở vùng Bắc England, trong đó có các thành phố Manchester, Liverpool và Sheffield.
Anh siết chặt các hạn chế trong bối cảnh nước này ghi nhận thêm số ca mắc COVID-19 trong tuần qua tăng gần 25% so với tuần trước đó. Đồng thời, số ca không qua khỏi cũng tăng 50%, nâng tổng số trường hợp tử vong lên 44.998 ca, cao nhất ở châu Âu.
Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc (NHC) hôm nay cho biết, nước này ghi nhận thêm 16 ca nhiễm mới (toàn bộ là trường hợp nhập cảnh), và không có thêm ca tử vong nào do COVID-19.
Hiện Trung Quốc có tổng cộng 85.826 ca nhiễm, trong đó có 4.634 ca tử vong và 80.928 (94,2%) bệnh nhân được chữa khỏi. Không rõ vì sao NHC chưa thống kê các ca nhiễm tại ổ dịch tại thành phố Kashgar được thông báo hôm 25/10 với 138 ca nhiễm.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC) thông báo nước này ghi nhận 119 ca mắc mới, với 72 ca lây nhiễm trong cộng đồng, nâng tổng số ca mắc COVID-19 ở nước này lên 26.043 ca, trong đó có 460 trường hợp tử vong và 23.981 người đã hồi phục (92,0%).
Các trường hợp nhiễm COVID-19 mới của Hàn Quốc đã giảm trở lại dưới 100 trường hợp trong 24 giờ qua, nhưng lo ngại về khả năng tăng đột biến của các ca nhiễm vẫn còn kéo dài do các ca mắc lẻ tẻ tại các cơ sở rủi ro cao, như bệnh viện và viện dưỡng lão, theo Yonhap.
Cùng ngày, Indonesia thông báo có thêm 3.520 người mắc COVID-19 và 101 trường hợp tử vong, đưa tổng số ca nhiễm và tử vong tại quốc gia này lên lần lượt là 396.454 và 13.512.
Trong bối cảnh tình hình dịch bệnh vẫn chưa có dấu hiệu "hạ nhiệt", Indonesia đã quyết định gia hạn các hạn chế xã hội qui mô lớn (PSBB) tại nhiều thành phố. Gia hạn PSBB tại các thành phố Đại Bogor, Depok và Đại Bekasi (Bodebek) đến ngày 25/1, theo The Jakarta Post.
Trong đó, Depok sẽ tiếp tục áp đặt lệnh giới nghiêm buộc người dân địa phương không được phép ra khỏi nhà sau 21, trong khi các doanh nghiệp được phép mở cửa đến 20h, các nhà hàng và quán ăn chỉ được phép mở cửa phục vụ khách tại chỗ đến 18h và bán mang đi đến 21h.
Trước đó, hôm 25/10, thủ đô Jakarta cũng đã gia hạn PSBB đến ngày 8/1.
Malaysia đã cách li 10.000 cảnh sát nước này trong một động thái quyết liệt nhằm kiềm chế đại dịch COVID-19, theo Straits Times.
Bộ trưởng Nội vụ Hamzah Zainudin cho biết, cảnh sát thuộc nhóm dễ phơi nhiễm với virus SARS-CoV-2 nhất do tính chất công việc của họ.
Đến nay, Malaysia ghi nhận tổng cộng 28.640 ca mắc COVID-19, trong đó có 238 người tử vong, số ca nhiễm mới hàng ngày tại nước này đang tăng nhanh từ giữa tháng 9.