|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Cập nhật tình hình dịch COVID-19 ngày 23/10: Bệnh viện Mỹ chứng kiến số ca nhập viện tăng mạnh

08:24 | 23/10/2020
Chia sẻ
Tính đến 7h sáng nay 23/10, thế giới đã vượt 41 triệu ca nhiễm COVID-19. Mỹ cấp phép thuốc điều trị COVID-19. Ca nhiễm nội địa tại Hàn Quốc tăng vọt. Việt Nam không ghi nhận thêm ca nhiễm.

Tình hình dịch COVID-19 ở Việt Nam:

Theo cập nhật từ Bộ Y tế, sáng nay (23/10) không có ca mắc mới COVID-19. Như vậy, đã 51 ngày, Việt Nam không có ca mắc mới ở cộng đồng. Tổng số ca mắc COVID-19 là 1.148 trường hợp.

Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách li) là 13.652.

Cập nhật tình hình dịch COVID-19 ngày 16/10: Indonesia trở thành vùng dịch lớn nhất châu Á. Ca mắc mới tại Hàn Quốc tăng cao - Ảnh 1.

Hình minh hoạ. (Ảnh: Suckhoedoisong).

Về tình hình điều trị, theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, đến thời điểm này, nước ta đã chữa khỏi cho 1.049/1.148 bệnh nhân COVID-19.

Hiện không còn trường hợp bệnh nhân COVID-19 nào nặng. Trong số các bệnh nhân COVID-19 đang điều trị, số ca âm tính lần 1 với virus SARS-CoV-2 là 7 ca; Số ca âm tính lần 2 với SARS-CoV-2 là 5 ca, số ca âm tính lần 3 là 11 ca.

Số ca tử vong ở nước ta đến nay là 35 ca.

Tình hình dịch COVID-19 trên thế giới

Theo cập nhật từ trang Worldometers, tính đến 7h sáng nay 23/10, toàn thế giới có tổng cộng hơn 41,96 triệu ca mắc COVID-19, trong đó có hơn 1,14 triệu người tử vong và 31,17 triệu bệnh nhân phục hồi (đạt 74,4%).

Đến nay, 215 quốc gia và vùng lãnh thổ và 2 tàu du lịch trên toàn cầu xác nhận trường hợp mắc COVID-19. Hàng loạt quốc gia châu Âu tiếp tục ghi nhận mức tăng ca nhiễm trong 1 ngày cao kỉ lục như CH Séc, Ukraine, Áo, Bulgaria, Croatia, trong khi nhiều quan chức của châu lục này phải cách li hoặc nhập viện để điều trị COVID-19

Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, đã ghi nhận hơn 8,65 triệu ca nhiễm COVID-19, sau khi ghi nhận thêm 68.882 ca trong 24 giờ qua. Đồng thời, số ca tử vong do COVID-19 cũng tăng thêm 877 ca, nâng tổng số lên 228.285. Tổng số người phục hồi là hơn 5,64 triệu người (tỉ lệ phục hồi đạt 65,2%). 

Theo Reuters, số bệnh nhân COVID-19 phải nhập viện ở Mỹ đã lên tới 40.264 ca vào ngày 21/10, cao nhất trong 2 tháng qua. 

Trong 4 tuần qua, các bệnh viện tại Mỹ đã chứng kiến số ca nhập viện vì COVID-19 tăng 36%. Tính từ đầu tháng 10 đến nay, 16 bang của Mỹ đã ghi nhận số ca nhập viện hằng ngày cao nhất kể từ khi đại dịch bùng phát, trong đó có các bang vùng Trung Tây gồm Iowa, Kansas, Missouri, Nebraska, North Dakota, South Dakota và Wisconsin. 

Bên cạnh đó, số ca mắc mới COVID-19 tại Mỹ cũng có chiều hướng gia tăng trở lại, với mức tăng trung bình 60.000 ca/ngày trong 1 tuần qua, cao hơn rất nhiều so với mức 35.000 ca hồi giữa tháng 9. Đáng chú ý, các bang Illinois, Kentucky, Colorado, Ohio và Wisconsin ghi nhận số ca nhiễm mới trong ngày cao kỉ lục. Tuy nhiên, sự gia tăng này có thể là do đẩy mạnh công tác xét nghiệm ở nhiều bang.

Trái lại, số ca tử vong hàng ngày vì COVID-19 tại Mỹ đang trên đà giảm xuống mức 730 ca/ngày, thấp hơn rất nhiều mức 2.333 ca/ngày thời kì cao điểm dịch bệnh hồi tháng 8. 

Trước tình hình phức tạp của dịch, nhiều trường học tại Mỹ đang cân nhắc áp dụng hình thức giáo dục từ xa. Học sinh các trường công lập tại thành phố Boston từ ngày 22/10 đã quay trở lại học từ xa toàn bộ. New York cũng đã yêu cầu các trường học tái áp dụng hình thức đào tạo từ xa từ đầu tháng. Trong khi đó, các trường học tại Los Angeles tiếp tục không học trực tiếp trên giảng đường.      

Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) đã cấp phép cho thuốc kháng virus Remdesivir (có tên là Veklury), loại thuốc Tổng thống Mỹ Donald Trump sử dụng khi mắc COVID-19, để điều trị cho các bệnh nhân COVID-19 ở khoảng 50 quốc gia, theo CNN.

Ấn Độ là nước đứng thứ hai thế giới chỉ sau Mỹ và dẫn đầu châu Á về tổng số ca mắc COVID-19 với 7,75 triệu ca nhiễm và 117.336 (1,5%, một tỉ lệ tương đối thấp) ca tử vong, tăng lần lượt 54.482 và 683 so với ngày hôm trước. Tỉ lệ phục hồi đạt 89,5% với tổng 6,94 triệu người đã khỏi bệnh.

Số ca mắc mới trong 1 ngày qua tại nước này đã giảm những vấn ở mức khá cao. Ủy ban quốc gia về COVID-19 của Ấn Độ cho rằng nước này đã đạt đỉnh dịch. 

Brazil là nước chịu ảnh hưởng nặng nhất bởi COVID-19 ở khu vực Mỹ Latinh và là ổ dịch lớn thứ ba trên thế giới. Giới chức ghi nhận thêm số ca nhiễm mới và ca tử vong do COVID-19 lần lượt là 31.985 và 503 ca trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca nhiễm và tử vong lần lượt là hơn 5,33 triệu và 155.962 người. Trong đó tổng số ca phục hồi là hơn 4,78 triệu, tỉ lệ phục hồi đạt 89,6%. 

Theo thống kê, số ca nhiễm mới hàng ngày tại Brazil đang trên đà giảm dần. Tuy nhiên, giới chuyên gia đánh giá nước này có thể chưa vượt qua làn sóng COVID-19 đầu tiên.

Nga, vùng dịch lớn thứ 4 trên thế giới, ghi nhận thêm 15.971 ca mắc và 290 ca tử vong do COVID-19. Tổng số ca mắc bệnh tại Nga hiện tại là hơn 1,46 triệu trường hợp, trong đó 25.242 trường hợp tử vong, và 1,1 người hồi phục (đạt 75,3%). Số ca nhiễm mới hàng ngày tại Nga đang tăng mạnh.

Hôm qua, Đức ban hành cảnh báo đi lại đối với những người đến các khu vực trượt tuyết có tiếng ở Áo, Ý và Thụy Sĩ nhằm khống chế dịch bệnh sau khi nước này lần đầu tiên báo cáo thêm hơn 10.000 ca/ngày, theo Reuters.

Quyết định có hiệu lực từ ngày 24/10. Theo đó, những người trở về từ những vùng có nguy cơ cao trên phải cách li trong 10 ngày.

Đức vẫn đang đối mặt với làn sóng lây nhiễm COVID-19 thứ hai khi số ca nhiễm mới hàng ngày tăng vọt. Nước này hiện đã ghi nhận 403.874 ca nhiễm với 10.044 người tử vong.

Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc (NHC) hôm nay cho biết nước này ghi nhận thêm 14 ca nhiễm mới (tất cả đều là trường hợp nhập cảnh), và không có thêm ca tử vong nào do COVID-19.  Đây là ngày thứ 7 liên tiếp nước này không ghi nhận thêm ca mắc nội địa.

Hiện Trung Quốc có tổng cộng 85.729 ca nhiễm, trong đó có 4.634 ca tử vong và 80.850 (94,3%) bệnh nhân được chữa khỏi. 

Trung Quốc sẽ tiếp tục đình chỉ các tour du lịch theo nhóm ra nước ngoài và cấm các công ty du lịch tổ chức các tour du lịch trong nước do nguy cơ dịch bệnh bùng phát trở lại vào mùa đông năm nay. Trung Quốc lần đầu tiên ngừng các tour du lịch trong nước và nước ngoài vào tháng 1, theo Nikkei Asian.

Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC) thông báo nước này ghi nhận 119 ca mắc mới, với 104 ca lây nhiễm trong cộng đồng (trong đó 18 trường hợp được báo cáo ở Seoul, 62 trường hợp ở tỉnh Gyeonggi lân cận và 2 trường hợp ở Incheon), nâng tổng số ca mắc COVID-19 ở nước này lên 25.543 ca, trong đó có 453 trường hợp tử vong và 23.647 người đã hồi phục (92,5%).

Các trường hợp nhiễm COVID-19 nội địa mới của Hàn Quốc đã tăng vọt lên mức 3 con số lần đầu tiên kể từ 24/9. Mức tăng này phần lớn là do sự gia tăng các ca nhiễm tại các bệnh viện chăm sóc người cao tuổi và các cơ sở có nguy cơ khác, theo Yonhap.

Tại Thái Lan, Trung tâm Xử lí Tình hình COVID-19 (CCSA) ngày 21/10 cho biết cơ quan này sẽ đề xuất gia hạn tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc thêm 1 tháng, đến hết tháng 11, lên nội các để thông qua vào ngày 27/10 tới, nhằm phòng chống COVID-19, theo TTXVN.

Bên cạnh đó, tuần tới CCSA sẽ chính thức thảo luận việc giảm thời gian cách li đối với người nhập cảnh khi nhiều quốc gia bày tỏ mong muốn có được Thị thực Du lịch Đặc biệt (STV), đồng thời ngành du lịch Thái Lan đang hướng tới thu hút nhiều du khách hơn. Thái Lan cũng có kế hoạch cho phép quá cảnh tại các sân bay, cũng như cho phép du thuyền và tàu du lịch đưa khách vào đất nước.

Cùng ngày, Bộ trưởng Y tế Thái Lan cho biết, bộ đang lập kế hoạch rút ngắn thời gian cách li xuống còn 10 ngày đối với khách du lịch.

Số ca mắc mới hàng ngày tại nước này chỉ dưới mức 20 trong gần 6 tháng qua, hầu hết là các ca nhập cảnh. Thái Lan hiện đã ghi nhận 3.719 ca với 59 ca tử vong và 3.514 người khỏi bệnh.

Như Ý