Cập nhật tình hình dịch COVID-19 ngày 17/12: Hàn Quốc thừa nhận các biện pháp phòng dịch hiện tại không hiệu quả
Tình hình dịch COVID-19 ở Việt Nam:
Theo cập nhật mới nhất từ Bộ Y tế, chiều hôm qua (16/12) không có thêm ca nhiễm. Tổng số ca mắc COVID-19 là 1.405 trường hợp.
Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) là 18.378.
Về tình hình điều trị, theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, đến chiều hôm qua, nước ta đã chữa khỏi cho 1.252/1.405 bệnh nhân.
Trong số các bệnh nhân COVID-19 đang điều trị, số ca âm tính lần một với virus SARS-CoV-2 là ba ca; số ca âm tính lần hai là 6 ca, số ca âm tính lần ba là 6 ca.
Tình hình dịch COVID-19 trên thế giới
Theo cập nhật từ Worldometers, tính đến 7h sáng nay, toàn thế giới có tổng cộng hơn 74,48 triệu ca mắc COVID-19, trong đó có hơn 1,65 triệu người tử vong và 52,31 triệu bệnh nhân phục hồi (đạt 70%).
Đến nay, 218 quốc gia và vùng lãnh thổ, 2 tàu du lịch trên toàn cầu xác nhận trường hợp mắc COVID-19.
Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, đã ghi nhận hơn 17,35 triệu ca nhiễm COVID-19, sau khi ghi nhận thêm 213.811 ca trong 24 giờ qua. Đồng thời, số ca tử vong do COVID-19 cũng tăng thêm 3.240 ca, nâng tổng số lên 314.331. Tổng số người phục hồi là hơn 10,14 triệu người (tỷ lệ phục hồi đạt 58%). Số ca mắc mới và tử vong hàng ngày vì đại dịch tại Mỹ đang ở mức cao vượt tầm kiểm soát.
California đã đặt mua 5.000 túi đựng thi thể và chuẩn bị 60 kho lạnh trước tình cảnh số người chết vì đại dịch tiếp tục tăng nhanh. Đầu tháng 12, lệnh phong tỏa đã được áp đặt lên phần lớn khu vực phía nam bang này, theo NBC.
Phó Tổng thống Mike Pence cùng vợ thông báo sẽ tiêm vắc xin COVID-19 vào ngày 18/12 tại Nhà Trắng một cách công khai, theo The Hill.
Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) đã xác nhận tính hiệu quả và an toàn của vắc xin phòng COVID-19 do công ty Moderna phát triển, vắc xin này có thể được FDA xem xét cấp phép vào cuối tuần này, theo Reuters.
Ấn Độ là nước đứng thứ hai thế giới chỉ sau Mỹ và dẫn đầu châu Á về tổng số ca mắc COVID-19 với 9,95 triệu ca nhiễm và 144.487 (1,5%, một tỷ lệ tương đối thấp) ca tử vong, tăng lần lượt 21.861 và 357 so với ngày hôm trước. Tỷ lệ phục hồi đạt 95% với tổng 9,48 triệu người đã khỏi bệnh.
Các ca bệnh đang hoạt dộng liên tục giảm từ tháng 9. Chuyên gia nước này cho biết tình hình dịch bệnh tại Ấn Độ đã ổn định.
Brazil là nước chịu ảnh hưởng nặng nhất bởi COVID-19 ở khu vực Mỹ Latinh và là ổ dịch lớn thứ ba trên thế giới. Giới chức ghi nhận thêm số ca nhiễm mới và ca tử vong do COVID-19 lần lượt là 68.437 (chỉ kém con số cao kỷ lục hôm 29/7 với 70.869 ca) và 968 ca trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca nhiễm và tử vong lần lượt là hơn 7,04 triệu và 183.822 người. Trong đó tổng số ca phục hồi là hơn 6,13 triệu, tỷ lệ phục hồi đạt 87%.
Số ca nhiễm mới và tử vong hàng ngày tại Brazil đang tăng mạnh trở lại. Giới chuyên gia đánh giá nước này có thể chưa vượt qua làn sóng COVID-19 đầu tiên.
Kế hoạch quốc gia về tiêm phòng vắc xin COVID-19 của nước này là khoảng 148/212 triệu dân (70% dân số) được tiêm vắc xin, mỗi người hai liều. Mục tiêu giai đoạn đầu là tiêm cho 51 triệu người (25% dân số) trong nửa đầu năm 2021. 108 triệu liều vắc xin sẽ có sẵn tại Brazil và ưu tiên cho những nhóm dễ bị tổn thương, theo TTXVN.
Nga, vùng dịch lớn thứ 4 trên thế giới, sau khi ghi nhận thêm 26.509 ca mắc và 596 ca tử vong do COVID-19. Tổng số ca mắc bệnh tại Nga tới hiện tại là hơn 2,73 triệu trường hợp, trong đó 48.564 trường hợp tử vong, và hơn 2,17 triệu người hồi phục (đạt 79%). Số ca nhiễm mới hàng ngày tại Nga đang có dấu hiệu giảm nhẹ trong vài ngày qua.
Tất cả các khu vực của Nga đã bắt đầu tiêm phòng COVID-19 đại trà từ cuối tuần trước. Kế hoạch tiêm chủng không bao gồm những người từ 60 tuổi trở lên do vắc xin Sputnik V có thể gây hại cho bệnh nhân ở nhóm tuổi trên, theo The Moscow Times.
Triều Tiên, quốc gia chưa ghi nhận ca nhiễm COVID-19 nào, đã đặt mua vắc xin Sputnik V của Nga, theo Asahi đưa tin.
Cùng ngày, Đức ghi nhận gần 952 người chết do COVID-19, con số cao kỷ lục trong ngày đầu tiên nước này tái phong tỏa một phần để đối phó ca nhiễm đang gia tăng theo cấp số nhân. Hiện khoảng 83% số giường chăm sóc đặc biệt tại các bệnh viện đã được sử dụng, theo AFP.
Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc (NHC) hôm nay cho biết, nước này ghi nhận thêm 12 ca nhiễm mới, tất cả đều là trường hợp nhập cảnh, và không có thêm ca tử vong nào do COVID-19.
Hiện Trung Quốc có tổng cộng 86.770 ca nhiễm, trong đó có 4.634 ca tử vong và 81.821 (94%) bệnh nhân được chữa khỏi. Nước này gần đây liên tục ghi nhận các đợt bùng phát cục bộ khiến một số thành phố phải phong toả và xét nghiệm trên diện rộng.
Tập đoàn Dược phẩm Fosun Thượng Hải đã đạt được thoả thuận mua ít nhất 100 triệu liều vắc xin của BioNTech vào năm tới nếu được cơ quan quản lý phê duyệt.
Trung Quốc cũng cho biết sẽ có khoảng 600 triệu liều vắc xin COVID-19 sẵn sàng được đưa ra thị trường trong năm nay, các vắc xin đang thử nghiệm ở giai đoạn cuối, theo South China Morning Post.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống dịch bệnh Hàn Quốc (KCDA) thông báo nước này ghi nhận 1.078 ca mắc mới, với 1.054 ca nhiễm trong cộng đồng, nâng tổng số ca mắc COVID-19 ở nước này lên 45.442 ca, trong đó có 612 trường hợp tử vong và 32.947 người đã hồi phục (72%).
Các ca nhiễm mới hàng ngày ở Hàn Quốc tiếp tục lập kỷ lục mới trong 24 giờ qua với sự gia tăng đáng báo động của các trương hợp lây nhiễm theo nhóm trên khắp đất nước, khiến các cơ quan y tế phải xem xét áp dụng các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt nhất.
Các cơ quan y tế đang tập trung vào việc đảm bảo nhiều giường bệnh hơn trong khi tìm ra "kẻ lây lan ẩn" không có triệu chứng bẳng cách mở rộng các cuộc xét nghiệm COVID-19 miễn phí, thay vì áp dụng kế hoạch giãn cách xã hội Cấp độ 3. Họ thừa nhận rằng biện pháp hiện tại đã không thể làm giảm sự lây lan của virus.
Giới chức y tế cảnh báo rằng số ca bệnh hàng ngày của nước này có thể tăng vọt lên 1.200 nếu tốc độ lây nhiễm hiện tại được duy trì, theo Yonhap.
Indonesia, vùng dịch lớn nhất khu vực Đông Nam Á, đã nhận 1,2 triệu liều vắc xin COVID-19 đầu tiên của công ty Sinovac (Trung Quốc) hôm 6/12. Nước này dự kiến sẽ triển khai chiến dịch tiêm chủng vào đầu năm tới nếu được cơ quan giám sát dược phẩm BPOM phê duyệt, theo Straits Times.
Tổng thống Joko Widodo cho biết ông sẽ là người đầu tiên tiêm vắc xin ở Indonesia và tất cả người dân sẽ được tiêm chủng miễn phí.
Tình hình dịch bệnh tại Indonesia đang căng thẳng khi các số liệu không mong muốn về COVID-19 vẫn đang tiếp tục tăng.