Cạnh tranh khốc liệt, 5 CTCK Trung Quốc giành nhau khoản phí 0,001%
Hàng loạt công ty Trung Quốc ‘khóc thét’ vì lợi nhuận |
Trong khi đó, theo số liệu của Bloomberg, phí phát hành thêm cổ phần tại Phố Wall (Mỹ) thường lên tới trên 5% giá trị thương vụ.
Ví dụ này là dấu hiệu mới nhất về một cuộc chiến giá phí trên thị trường chứng khoán Trung Quốc. Trong năm ngoái, cuộc chiến này đã làm cho phí bảo lãnh phát hành cổ phiếu giảm còn một nửa và buộc một tổ chức đại diện đứng ra kêu gọi thực thi các biện pháp ngăn chặn “sự cạnh tranh không lành mạnh”.
Những khó khăn này của ngành chứng khoán là một trong số các vấn đề lớn nhất mà Tân Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Trung Quốc Yi Huiman phải giải quyết. Với 120 công ty chứng khoán đấu đá lẫn nhau để tranh giành thị phần giữa lúc thị trường lao dốc và nền kinh tế giảm tốc, tình trạng thừa cung và thiếu cầu dịch vụ chứng khoán đã quá rõ ràng.
Các công ty mối giới đã phải cắt giảm lương, sa thải nhân viên và kiện cáo cả khách hàng. Ông David Yuan Wei, một lãnh đạo tại tổ chức tư vấn McKinsey & Co cho rằng xu thế dài hạn sẽ là sự sáp nhập giữa các công ty chứng khoán với nhau.
Chiếc bánh thị phần không được chia đều: chỉ 5 công ty chứng khoán lớn nhất đã chiếm 59% thị phần các thương vụ phát hành trên thị trường cổ phiếu Trung Quốc năm ngoái. 53 công ty còn lại phải chia nhau 41% thị phần. Nguồn: Bloomberg. |
Ông nói: “Trong khoảng từ 3 đến 5 năm nữa, tôi cho rằng khoảng 20 công ty chứng khoán lớn cung cấp đầy đủ dịch vụ sẽ là quá đủ cho thị trường Trung Quốc. Các công ty nhỏ cần phải tìm các ngách thị trường mà mình có chuyên môn sâu và chuyển sang phục vụ một nhóm đối tượng riêng biệt để tồn tại”.
Trước khi được cải thiện, tình hình có thể sẽ còn xấu đi do những thay đổi gần đây về pháp lí cho phép các công ty chứng khoán nước ngoài tham gia thị trường, hoặc những công ty đã hiện diện tại Trung Quốc tăng cường hoạt động của mình.
Trong ví dụ đề cập ở trên, 5 công ty chứng khoán lớn nhất Trung Quốc đã cùng nhau bảo lãnh phát hành riêng lẻ 29 tỉ nhân dân tệ (tương đương 4,3 tỉ USD) cổ phần của Ngân hàng Huaxia trong tháng này. Các công ty này nhận về tổng cộng 418.948 nhân dân tệ, tức là chỉ 0,001% giá trị thương vụ. Số tiền này còn ít hơn con số 500.000 nhân dân tệ dùng để công bố giao dịch trên báo chí.
Tháng 11/2018, ba công ty chứng khoán thắng thầu tham gia thương vụ chào bán lần đầu ra công chúng (IPO) cổ phiếu Ngân hàng Thương mại Nông thông Thượng Hải với tổng mức phí chỉ 0,78% giá trị thương vụ. Một trong ba công ty chứng khoán này là Haitong Securities đồng ý nhận chỉ 50.000 nhân dân tệ - tức 0,05% giá trị.
Giá trị các thương vụ chào bán lần đầu và phát hành riêng lẻ. Nguồn: Bloomberg. |
Theo các chuyên gia trong ngành, các công ty môi giới đôi khi sẵn sàng tham gia vào những thương vụ với mức phí thấp, đặc biệt là khi tổ chức phát hành là những doanh nghiệp lớn bởi tham gia các thương vụ này có thể giúp CTCK nâng tầm hình ảnh của mình trong bảng xếp hạng bảo lãnh phát hành trên thị trường.
Ông Ge Shoujing, một chuyên gia phân tích tại Viện Tài chính cao cấp ở Bắc Kinh nhận định: “Số lượng các thương vụ hiện cực kì ít, nhưng trái đất vẫn quay và cuộc sống vẫn phải tiếp diễn. Các công ty chứng khoán không có lựa chọn nào khác ngoài việc chấp nhận mức phí thấp hơn. Trong khi đó, các tổ chức phát hành không muốn trả phí cao trong bối cảnh kinh tế vĩ mô hiện nay”.
Theo số liệu do Bloomberg tổng hợp, mức phí trung bình của tất cả các thương vụ cổ phiếu ở Trung Quốc năm ngoái rớt xuống còn 3,9% - mức thấp nhất trong 5 năm gần đây. Còn theo số liệu của PricewaterhouseCoopers (PwC) giá trị vốn huy động thông qua IPO tại Trung Quốc năm 2018 giảm 40% so với năm 2017 và có thể còn giảm tiếp ít nhất 10% trong năm nay.
Tác động của sự cạnh tranh khốc liệt đang ngày một hiện rõ khi đã có 4 công ty chứng khoán đưa ra cảnh báo lợi nhuận trong mấy tuần gần đây. Công ty chứng khoán GF Securities – một trong những công ty lớn nhất tại Trung Quốc – tuần trước cho biết công ty này đã cắt giảm quĩ lương năm 2018; khoảng một tá các công ty môi giới thì đang kiện khách hàng của mình để cố gắng thu về hàng tỉ USD được cho vay ra với tài sản bảo đảm là cổ phiếu.
Trong một cuộc họp hôm 23/1, Hiệp hội Chứng khoán Trung Quốc đã khuyên các công ty chứng khoán thành viên lập ra một cơ chế định giá hợp lý để ngăn chặn tình trạng “cạnh tranh không lành mạnh.” Bất chấp lời kêu gọi này, không có dấu hiệu nào cho thấy áp lực giảm phí trong ngành chứng khoán Trung Quốc sẽ sớm giảm nhiệt.
“Chiếc bánh thị phần năm ngoái nhỏ tới mức các công ty chứng khoán không có lựa chọn nào khác ngoài cạnh tranh nhau để thắng thầu bằng mọi giá,” ông Bifan Shen, chiến lược gia trưởng tại Shenzhen Spruces Capital Management nhận định “Tình hình có thể cải thiện đôi chút, nhưng chỉ những công ty top đầu mới hưởng lợi khi thị trường tăng trưởng, các công ty nhỏ có thể vẫn sẽ phải mời chào khách hàng với mức phí rẻ mạt.”