|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Cảnh báo việc ồ ạt trồng nếp xuất khẩu sang Trung Quốc

14:21 | 09/02/2017
Chia sẻ
Trong khi xuất khẩu gạo năm 2016 sụt giảm thê thảm thì xuất khẩu gạo nếp vẫn tăng trưởng đáng ngạc nhiên, cả về lượng và giá. Tuy nhiên, những rủi ro từ thị trường Trung Quốc vẫn đang rình rập mặt hàng lúa nếp của Việt Nam...

Sắp tới, Trung Quốc – thị trường chính của nếp Việt Nam, có thể sẽ áp “quota” nhập khẩu đối với sản phẩm này?

Ào ạt trồng nếp

canh bao viec o at trong nep xuat khau sang trung quoc
Một vùng ruộng trồng lúa nếp ở huyện Phú Tân, An Giang. Ảnh: A.G.O

Thông tin từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), trong cơ cấu gạo xuất khẩu năm 2016, nếp là một trong hai loại gạo duy nhất (sau gạo Japonica) có sự gia tăng đáng kể, đạt trên 1 triệu tấn, tăng gần 96,6% so với năm 2015. Đây cũng là mức tăng trưởng kỷ lục của nếp trong những năm qua.

Trồng nếp phải theo vùng

Ông Lê Thanh Tùng - Phó Trưởng phòng Cây lương thực – cây thực phẩm (Cục Trồng trọt) cho biết, nếp là cây trồng rất nhạy cảm với các loại dịch hại. Nếu trình độ canh tác của bà con không được cải thiện thì dịch hại sẽ tấn công và khi đó sẽ sử dụng nhiều thuốc bảo vệ thực vật. Điều này dẫn đến nguy cơ gạo tồn dư lượng thuốc BVTV hoặc đẩy giá thành sản xuất cao hơn. Do vậy, khi mở rộng diện tích trồng nếp phải dựa trên nền tảng của một vùng nguyên liệu hoặc mở rộng diện tích dần dần, theo nhu cầu tiêu thụ của doanh nghiệp.

Xuất khẩu gạo nếp gia tăng chủ yếu do nhu cầu lớn từ thị trường Trung Quốc, chiếm đến 90% lượng nếp xuất khẩu. Trước đó, chỉ riêng tháng 3.2016, sản lượng nếp Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc đã đạt con số kỷ lục 114.000 tấn, tăng gấp 8 lần so với cùng kỳ 2015. Số lượng nếp Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc cả năm 2015 chỉ đạt 391.800 tấn.

Cùng với gia tăng về số lượng, giá xuất khẩu nếp trong năm qua cũng gia tăng chóng mặt, bình quân đạt 501 USD/tấn, tăng 36 USD/tấn so với năm 2015 và đây cũng là mặt hàng có giá xuất khẩu tăng mạnh nhất so với các chủng loại gạo khác trong năm 2016, đẩy giá thu mua nếp trong nước có thời điểm tăng thêm đến 700 đồng/kg.

Khi thấy giá tăng, nhu cầu tiêu thụ còn cao, nhiều người dân đã chuyển sang trồng lúa nếp, khiến diện tích gieo trồng tăng lên đột biến. Tại một số vùng trồng lúa trọng điểm ĐBSCL như An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ, Tiền Giang… phong trào “bỏ lúa trồng nếp” diễn ra khá rầm rộ. Đặc biệt, tại vùng trồng nếp Phú Tân (An Giang), giá cả tăng cao nên thương lái ra vào tấp nập, mua bán sôi động hẳn so với các loại lúa thường khác.

Ông Phan Công Chính - Giám đốc HTX nông nghiệp Tân Bình (Đồng Tháp) thông tin, trước đây chỉ khoảng 30% nông dân trong vùng trồng nếp. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, nếp ngày càng có giá, thương lái từ nhiều nơi đổ về thu mua, bà con bắt đầu ồ ạt trồng nếp. Đến nay, diện tích trồng nếp trên địa bàn xã Tân Bình đã chiếm trên 95%.

Ông Huỳnh Thế Năng - Chủ tịch VFA cho biết thêm, riêng vụ đông xuân 2016-2017, đã có 146.000ha diện tích lúa nếp được gieo trồng, sản lượng nếp hàng hóa nếp ước sẽ đạt khoảng 600.000 tấn. Dự kiến, cả năm 2017, diện tích gieo trồng nếp có thể lên đến 356.000ha, đạt sản lượng khoảng 1,2-1,3 triệu tấn, tăng 20-30% so với năm 2016.

Trung Quốc “áp” quota, nếp sẽ khó bán?

Nhiều chuyên gia nhận định, mặc dù tình hình tiêu thụ khá tốt, tuy nhiên, khi nông dân ào ạt chuyển sang trồng gạo nếp thì chắc chắn sẽ gặp nhiều rủi ro. Đặc biệt, Trung Quốc – thị trường chính của nếp Việt Nam, có thể sẽ áp “quota” nhập khẩu đối với sản phẩm này trong thời gian tới. Do đó, việc ào ạt trồng nếp có thể sẽ dẫn tới cung vượt cầu.

Bà Đặng Thị Liên - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Lương thực thực phẩm Long An nhận định, sở dĩ thời gian gần đây xuất khẩu gạo nếp sang Trung Quốc gia tăng là do nước này có nền ẩm thực khá phong phú, gạo nếp có thể chế biến thành nhiều loại thực phẩm khác nhau. Hiện tại, Trung Quốc là thị trường tiêu thụ tốt, sản phẩm gạo nếp của Việt Nam ít có đối thủ cạnh tranh. Tuy nhiên, rất nhiều rủi ro đang tiềm ẩn khi diện tích nếp tăng ào ạt, dẫn tới cung vượt cầu. Hơn nữa, gần đây, phía Trung Quốc đã siết chặt hơn việc nhập khẩu gạo từ Việt Nam, đưa ra nhiều điều kiện về vệ sinh an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc…

Bà Liên cho ví dụ như trường hợp của một doanh nghiệp ở ĐBSCL, có vùng nguyên liệu nếp liên kết với nông dân lên đến 700ha, phần lớn sản lượng được xuất khẩu sang Trung Quốc. Tuy nhiên, đến giữa năm 2016, theo kết quả kiểm tra của phía Trung Quốc, chỉ có 22 doanh nghiệp Việt Nam được phép xuất khẩu sang thị trường này và đơn vị này không nằm trong danh sách đó.

“Với sự thay đổi đột ngột chỉ trong vài tháng, doanh nghiệp này đang phải tìm cách xuất khẩu nếp sang các thị trường khác như Trung Đông. Tuy nhiên, vẫn rất khó để giải quyết một lượng hàng lớn trong thời gian ngắn” - bà Liên giải thích.

Còn theo ông Lê Thanh Tùng - Phó Trưởng phòng Cây lương thực – cây thực phẩm (Cục Trồng trọt), nếu trồng ào ạt, gạo nếp sẽ lẫn gạo tẻ, chất lượng nếp sẽ kém đi, khó đạt yêu cầu khi xuất khẩu.

Trước tình hình này, đại diện VFA đề nghị Bộ NNPTNT có khuyến cáo mạnh mẽ hơn đối với những diện tích trồng lúa nếp đang phát triển ồ ạt ở ĐBSCL, tránh tình trạng giá lúa nếp sụt giảm...

Thuận Hải

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.