|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Càng thắt chặt chống dịch, càng phải bổ sung shipper

14:34 | 30/07/2021
Chia sẻ
"Càng căng, thắt chặt, càng phải cho shipper hoạt động. Khi chúng ta quản lý chặt đội ngũ này sẽ giải quyết được bài toán không đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa", Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Anh Tuấn cho biết.

Đến ngày 29/7, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đã cấp mã xác nhận cho hơn 14.000 người giao hàng (shipper) cho hệ thống siêu thị, sàn thương mại điện tử… trong thời gian giãn cách xã hội, theo Dân trí.

Tuy nhiên, các siêu thị, nhà bán lẻ tại Hà Nội vẫn đang "khát" shippper do số lượng đơn hàng online tăng đột biến, lượng nhân viên và shipper siêu thị được thành phố cung cấp không đủ, luôn trong tình trạng quá tải khiến việc giao hàng chậm trễ.

Bà Vũ Thị Hậu, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam (AVR) cho biết: "Từ khi Hà Nội thực hiện Chỉ thị 17, lượng hàng cần giao hàng ngày rất nhiều, hệ thống siêu thị thiếu shipper nhưng việc bổ sung lực lượng này gặp khó khăn do giấy thông hành, mã QR code của shipper phải qua Sở Công Thương, Sở Giao thông vận tải cấp".

"Ùn tắc trong các khâu cộng lại dẫn đến tình trạng chuỗi cung ứng hàng hóa đứt gãy nếu mỗi tỉnh đặt ra những quy định riêng. Khi đi giao hàng đã khổ, lúc về lại khổ hơn.

Vì vậy, chúng tôi mong muốn chính quyền địa phương sát sao hơn ở trạm kiểm tra, kiểm soát để vận chuyển được qua chốt nhanh hơn", bà Hậu nói.

Hệ thống siêu thị cũng khuyến nghị khách hàng đặt hàng trong khu vực, quận sinh sống để giảm tải cho siêu thị, tránh việc shipper phải di chuyển từ quận này sang quận khác khi dịch bệnh diễn biến phức tạp.

Không chỉ thiếu shipper, hoạt động của các siêu thị, nhà bán lẻ ở các tỉnh phía Nam thêm khó khi áp dụng giờ giới nghiêm, người dân chỉ được phép ra đường trong khoảng 6h – 18h.

Đại diện siêu thị VinMart Đồng Nai cho biết hệ thống siêu thị trực tiếp tiếp xúc với khách hàng nên nguy cơ lây nhiễm COVID-19 cao. 

Hiện nay nhân viên bán hàng, shipper của siêu thị được xét nghiệm định kỳ 3 ngày/lần nhưng thời gian chờ đợi xét nghiệm mất một ngày, làm gián hoạt động của siêu thị.

Trong bối cảnh Đồng Nai đóng cửa chợ truyền thống, người tiêu dùng đổ dồn về siêu thị khiến hệ thống quá tải. Khách hàng đặt online nhiều nhưng sau 18h cả shipper và khách hàng đều không được ra đường.

Đồng thời, cũng xuất hiện tình trạng shipper giao hàng đến chốt kiểm soát nhưng không giao được vì khách hàng không có thể nhận hàng hóa trong ngày, shipper phải mang hàng hóa về kho, ảnh hưởng đến chất lượng thực phẩm, tổn thất cho doanh nghiệp.

"Do đó, chúng tôi đề xuất cho shipper siêu thị được phép hoạt động, lưu thông sau 18h để giao thực phẩm, hàng hóa đến tay người tiêu dùng. Tất nhiên, shipper đó đảm bảo công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19", đại diện VinMart Đồng Nai cho biết.

Càng thắt chặt chống dịch, càng phải bổ sung shipper  - Ảnh 1.

Dịch COVID-19 khiến dịch vụ đi chợ hội nở rộ (Ảnh: Vietnamnet)

Trước phản ánh của doanh nghiệp, siêu thị, ông Phạm Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông (TT&TT) cho biết mấu chốt lớn nhất hiện nay là chuỗi cung ứng hàng hóa trong nước và quốc bị đứt gãy chuỗi cung ứng. 

Đây là hệ quả của các địa phương triển khai "quá tay" các quy định chống dịch nhưng chưa tính đến yếu tố hậu cần cho người dân.

"Nhiều người dân phản ánh rằng có thể không chết vì dịch mà chết vì đói", ông Tuấn nói.

Khi ban hành Chỉ thị 16, Chính phủ cũng giao cho các tỉnh linh hoạt tùy từng địa phương để áp dụng. Đơn cử như thành phố HCM, Đồng Nai, Bình Dương… thuộc "vùng đỏ" thì cần thiết phải siết chặt. 

Nhưng những nơi khác cần vừa áp dụng phòng chống dịch bệnh, vừa phải đảm bảo hậu cần cho người dân, tạo điều kiện lưu thông hàng hóa.

"Chính tôi đề nghị Bộ Công Thương chỉ đạo các Sở cho shipper hoạt động", ông Tuấn nói.

Các địa phương cần tạo vùng xanh cung cấp hàng hóa thiết yếu cho người dân. Nếu các tỉnh cấm người dân và shipper ra đường thì ai sẽ là người vận chuyển hàng hóa cho người dân.

"Càng căng, thắt chặt, càng phải cho shipper hoạt động. Nhưng đó là shipper có sự quản lý và chịu trách nhiệm về phòng chống dịch của các doanh nghiệp bưu chính, doanh nghiệp vận tải, doanh nghiệp công nghệ, hệ thống siêu thị…

Khi chúng ta quản lý chặt đội ngũ này sẽ giải quyết được bài toán không đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa", Thứ trưởng Bộ TT&TT cho biết.

Ngoài vấn đề thiếu lực lượng giao hàng, các siêu thị ở thành phố HCM cũng bắt đầu nảy sinh những vấn đề trong công tác phòng dịch, xử lý sau khi phát hiện F0.

Theo bà Hậu gần đây tình trạng lây lan ở thành phố HCM ngày càng nghiêm trọng khiến vấn đề cung cấp hàng hóa vô cùng cấp thiết. 

Nằm trong những địa điểm có nguy cơ lây nhiễm cao nên hệ thống siêu thị cũng chuẩn bị phương án đóng cửa, xét nghiệm cho nhân viên và khử trùng hàng hóa khi phát hiện F0.

"Siêu thị có kịch bản và đều thực hiện việc đó nhưng việc mở cửa trở lại rất lâu, phải chờ hàng tuần. Điều này làm rối loạn công tác hậu cần bởi bài toán vận chuyển hàng hóa tươi sống đi đâu, bán ở đâu… phát sinh nhiều chi phí, đè nặng lên hệ thống siêu thị.

Chúng tôi kiến nghị cho siêu thị mở cửa và bán hàng trở lại sau 24 – 72h sau khi thực hiện khử khuẩn, đảm bảo công tác phòng dịch COVID-19".

Mặt khác, Hiệp hội kiến nghị không nên phân rõ khái niệm hàng hóa thiết yếu làm cản trở quá trình lưu thông.

"Các mặt hàng thiết yếu hiện nay đang quá nghiêng vào những sản phẩm tươi sống, nông sản, thực phẩm tiêu dùng hàng ngày. Đã đến lúc cởi trói cho các mặt hàng hóa mỹ phẩm, đồ dùng thiết yếu cho phụ nữ…", đại diện AVR nói.

Trước khó khăn trên, Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho biết dịch bệnh COVID-19 vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp khiến việc cung ứng, lưu thông và phân phối hàng hóa ở một số nơi còn ách tắc.

Thứ trưởng đề nghị AVR và các đơn vị khác nếu vướng mắc ở điểm nào thì liên hệ với đường dây nóng của Sở NN&PTNT các địa phương để tháo gỡ kịp thời.

"Nhiệm vụ số 1 là chống dịch, sức khỏe người dân là trên hết", ông Nam nhấn mạnh.

Hoàng Anh