|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

'Căng thẳng Trung Đông sẽ là động lực cho giá dầu trong ngắn hạn'

16:30 | 10/10/2023
Chia sẻ
Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho rằng căng thẳng Israel-Palestine sẽ là động lực cho giá dầu thời gian tới. Tuy nhiên, về trung hạn, giá dầu có thể hạ nhiệt

Chia sẻ tại Tọa đàm trực tuyến với chủ đề Data Talk: “Tâm điểm vĩ mô & thị trường chứng khoán quý IV/2023”, ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam nhận định xung đột khu vực Trung Đông thời gian gần đây ảnh hưởng lớn đến thị trường hàng hoá, đặc biệt là dầu thô. 

Chốt phiên 9/10, giá dầu Brent tăng 4,2%, lên 88,15 USD/thùng, trong khi giá dầu ngọt nhẹ WTI của Mỹ tăng 4,3%, lên 86,38 USD/thùng.

Ông Minh cho rằng căng thẳng địa chính trị ở Trung Đông sẽ là động lực cho giá dầu trong ngắn hạn. Điều này đồng nghĩa chỉ số CPI sẽ chịu áp lực. 

“Áp lực đối với lạm phát là có. Năm 2024 sẽ là thời điểm rất khó khăn để chúng ta đối mặt với áp lực này. Tâm lý của nhà đầu tư lo sợ lạm phát quay trở trở lại. Đây cũng sẽ là bài toán rất khó cho Fed khi đưa ra các chính sách tiền tệ thời gian tới. Trước đó, Fed rất hay đưa ra dự báo về GDP, lạm phát, tỷ lệ thất nghiệp nhưng thời gian gian gần đây Fed bắt đầu thận trọng bởi có quá nhiều biến số”, ông Minh nói. 

 

 Ảnh: Ban Tổ chức

Ông Đào Minh Châu, Phó Giám đốc Phân tích cổ phiếu SSI Research cho rằng giá dầu thô trong những tháng còn lại của năm 2023 sẽ phục hồi tốt. Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) và OPEC dự báo giá dầu quanh mốc 90 USD/thùng do nhu cầu phục hồi và chính sách cắt giảm của OPEC sẽ còn duy trì vào cuối năm nay. 

 

Tuy nhiên, theo ông Minh về dài hạn giá dầu sẽ giảm. Năm 2022, giá dầu tăng trưởng do khối OPEC và đồng minh (OPEC+) siết chặt nguồn cung. Bước sang năm 2023, các dù các nước duy trì việc siết nguồn cung nhưng cũng đã hạ nhiệt dần. Bên cạnh đó, nhu cầu của Trung Quốc yếu hơn nhiều so với kỳ vọng sau khi nước này mở cửa trở lại. Điều này khiến giá dầu chịu áp lực. 

“Xét về câu chuyện dài hạn hơn, mức độ siết Nga và Arab Saudi bắt đầu vào cuối chu kỳ. Các nước này đang tăng xuất khẩu trở lại và đây là yếu tố kìm hãm xu hướng tăng của giá dầu”, ông nói. 

Ông Minh dẫn chứng giai đoạn 2013 - 2014, giá dầu thô cũng tăng mạnh sau khi tình hình địa chính trị nổ ra.  Sau khi Mỹ gỡ lệnh cấm vận đối với Iran, giá dầu hạ nhiệt và đi ngang trong thời gian dài. Do đó, chu kỳ này đang lặp lại lần nữa.

Một cuộc khảo sát của Reuters cho thấy sản lượng dầu của OPEC trong tháng 9 đã tăng tháng thứ hai liên tiếp. Dẫn đầu xu hướng tăng này là Nigeria và Iran bất chấp việc Arab Saudi và các thành viên khác của liên minh OPEC+ tiếp tục cắt giảm sản lượng để hỗ trợ thị trường.

Cuộc khảo sát cho thấy tháng 9, OPEC đã bơm 27,73 triệu thùng/ngày, tăng 120.000 thùng/ngày so với tháng 8. Sản lượng trong tháng 8 tăng lần đầu tiên kể từ tháng 2.

Đầu tháng 9, Bộ Năng lượng Saudi Arabia cho biết việc giảm sản lượng 1 triệu thùng/ngày sẽ được kéo dài “thêm ba tháng đến hết tháng 12/2023”.

Tương tự, trong một thông báo, Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak cho biết Moscow cũng sẽ gia hạn kế hoạch cắt giảm 300.000 thùng/ngày đến hết năm nay.

 

 

Tọa đàm trực tuyến với chủ đề Data Talk: “Tâm điểm vĩ mô & thị trường chứng khoán quý IV/2023". Tọa đàm này nằm trong chuỗi sự kiện hướng tới Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2024 (Vietnam Investment Forum 2024) diễn ra ngày 9/11 tại TP HCM.

Đây là một trong những sự kiện thường niên quy mô lớn trong lĩnh vực chứng khoán do VietnamBiz (https://vietnambiz.vn) cùng Câu lạc bộ CFO Việt Nam (https://www.cfo.vn) thực hiện. 

Diễn đàn có sự tham gia của nhiều chuyên gia cao cấp, CIO, CEO, CFO của các doanh nghiệp niêm yết đầu ngành, công ty công nghệ cung cấp dữ liệu, quỹ đầu tư, lãnh đạo các ngân hàng, công ty chứng khoán, đơn vị tư vấn kiểm toán và đông đảo nhà đầu tư nhiều kinh nghiệm trên thị trường chứng khoán Việt Nam. 

H.Mĩ