|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Canada mắc kẹt trong đàm phán NAFTA

07:40 | 13/09/2018
Chia sẻ
Trang Globe and Mail đăng bài viết nhận định rằng Canada dường như đang bị mắc kẹt trong tiến trình đàm phán lại Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA).
canada mac ket trong dam phan nafta
Từ trái sang, Ngoại trưởng Mexico Ildefonso Guajardo Villarreal, Ngoại trưởng Canada Chrystia Freeland và Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer. Ảnh: AP/TTXVN

Theo tác giả Barrie McKenna, thời hạn 31/8/2018 do Washington đặt ra cho việc hai bên đạt được thoả thuận đã bị bỏ lỡ khi các nhà đàm phán Mỹ và Canada vẫn chưa thể khơi thông bế tắc trong những vấn đề chính, trong đó có yêu cầu Ottawa phải mở cửa thị trường sữa và sửa đổi cơ chế giải quyết tranh chấp trong NAFTA.

Hai bên đã nhất trí nối lại đàm phán, trong bối cảnh chính quyền Trump thông báo với quốc hội về kế hoạch ký thỏa thuận thương mại với Mexico sau 90 ngày dù có hay không có sự tham gia của Canada.

Tâm thế "không mấy thoải mái" hiện nay của Canada hiển nhiên không phải là "Kế hoạch A" của chính quyền Justin Trudeau, vốn ban đầu hy vọng có thể sẽ đạt được cam kết "hiện đại hóa" tương đối nhẹ nhàng cho thoả thuận thương mại 24 năm tuổi này.

Canada bỗng nhiên bị đẩy vào thế "ngồi trên ghế nóng", điều mà nhiều nhà phê bình cho rằng đã có thể tránh được nếu Ottawa hành động cẩn trọng hơn kể từ khi ông Trump mới đắc cử tổng thống.Theo những người này, Chính phủ Trudeau cần thể hiện quyết tâm sẵn sàng thoả hiệp và đưa ra những nhượng bộ, đặc biệt trong ngành công nghiệp sữa (vốn được bảo hộ cao). Canada lẽ ra còn có thể thúc đẩy một thỏa thuận song phương chớp nhoáng với Mỹ hồi năm 2017, mang lại cho ông Trump một "chiến thắng" thương mại sớm và để mặc Mexico phải "tự lo".

Tới khi 3 bên khởi động tiến trình đàm phán lại NAFTA, Ottawa đáng lẽ cũng cần phải biết cách giữ mối quan hệ tốt hơn với cả chính phủ đương nhiệm và kế nhiệm ở Mexico.

Tuy nhiên, theo một số nhà thương thuyết kỳ cựu và cựu cố vấn thương mại hàng đầu cho các đời thủ tướng Canada trước đây, những cách thức trên cũng chưa chắc đã thực sự giúp Ottawa thoát khỏi tình cảnh trớ trêu hiện nay. Vấn đề nằm ở chỗ Canada đang rơi vào thế kẹt khi phải tiến hành đàm phán về thương mại tự do với một đối tác hoàn toàn không tin vào các nguyên tắc cơ bản của thương mại tự do.

Cựu Bộ trưởng Thương mại Canada John Manley nói: "Họ (Mỹ) không tin rằng có thể đạt được thỏa thuận hai bên cùng thắng". Theo ông Manley, "điểm mấu chốt nằm ở chỗ họ coi đây là canh bạc người được kẻ mất nên đây là khởi đầu vô cùng khó khăn".

Cựu Đại sứ Canada tại Mỹ Derek Burney, người từng tham gia cả tiến trình đàm phán FTA Canada-Mỹ lẫn NAFTA sau này (khi có thêm sự tham gia của Mexico), cho rằng còn quá sớm để phán xét về cách thức đàm phán của Ottawa vì kết quả cuối cùng vẫn chưa rõ ràng. Hơn nữa, từ trước đến nay Canada hầu như chưa bao giờ phải đối mặt với một chính quyền Mỹ "thất thường" như hiện nay.

Theo ông Derek Burney, Ottawa đã quá "khinh xuất" khi để Mỹ và Mexico đàm phán riêng với nhau thay vì vẫn tiến hành đàm phán 3 bên như trước đây. "Bạn không có nhiều lựa chọn khi bị chính đối tác thương mại lớn nhất của mình đối xử tệ", ông nói thêm. Đây cũng là quan điểm của John Baird, cựu Ngoại trưởng Canada dưới thời chính quyền Stephen Harper.

Ông Baird cho rằng ông Trudeau cần đấu tranh với ông Trump để cứu NAFTA cho dù chính quyền Mỹ đã cho thế giới thấy rõ là trong thương mại, Washington không có đối tác mà chỉ có kẻ thù. Việc sẵn sàng viện dẫn lý do an ninh quốc gia để đánh thuế đối với mặt hàng nhôm và thép nhập khẩu của Canada là minh chứng rõ ràng cho việc nước Mỹ chỉ theo đuổi những quy tắc có lợi cho họ.

Giáo sư Roland Paris, chuyên nghiên cứu về các vấn đề quốc tế tại Đại học Ottawa và cũng là cựu Cố vấn chính sách đối ngoại của Thủ tướng Trudeau nói: "Chúng ta đang phải đối phó với một chính quyền chưa từng có, luôn đảo lộn và không thể đoán trước".

Theo Meredith Lilly, Cố vấn chính sách đối ngoại của ông Harper, Ottawa đã đồng ý đàm phán lại NAFTA ngay từ giai đoạn ông Trump còn chưa tuyên thệ nhậm chức. Điều này đã giúp Washington có thêm thời gian chuẩn bị và đẩy Ottawa vào tình thế khó khăn hơn.

Trong khi đó, Dan Ciuriak, cựu quan chức của Bộ các vấn đề toàn cầu, lý giải: Do cho rằng Mexico là mắt xích yếu nhất trong ba đối tác NAFTA nên cuối cùng chính Canada đã phải đối mặt với chiến lược chia tách và gây sức ép của Mỹ.Canada hiện đang ở trong vùng xám. Mặc dù đã tiến hành nhiều cuộc đàm phán trong hàng chục năm qua với Mỹ và nhiều quốc gia khác nhưng chưa bao giờ Canada phải đối mặt với một đối thủ sẵn sàng huỷ hoại kinh tế của chính mình và những nước khác như chính quyền Trump hiện nay. Bản tính thất thường của ông Trump, chứ không phải những sai lầm của Canada, mới là yếu tố khiến các bên khó đạt được thỏa thuận trong vấn đề NAFTA.

Xem thêm


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

[LIVE] Talkshow ‘Xu hướng đầu tư bất động sản 2025: Cơ hội nào trong chu kỳ mới?’
Những thông tin cập nhật bối cảnh thị trường, dự báo xu hướng dòng tiền vào bất động sản... sẽ được đưa ra thảo luận tại Talkshow ‘Xu hướng đầu tư bất động sản 2025: Cơ hội nào trong chu kỳ mới?’ phát sóng vào 14h30 ngày 30/10.